Muốn ăn bánh xèo Bình Định ở Sài Gòn không khó, cứ xách xe ra đường chạy vài vòng, thể nào cũng bắt gặp vài quán bán món ăn này. Đa phần các quán đều có giá bán tương đương nhau là 5.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, không ít người chấp nhận đi xa hơn, trả tiền nhiều hơn để được thưởng thức bánh xèo “chuẩn” vị đất võ. Đó là quán bánh xèo “muỗi”, nằm trên vỉa hè góc ngã tư đường Nguyễn Văn Lượng giao với Lê Đức Thọ (phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM).
Đổi đời nhờ quán bánh xèo 'muỗi'
Gọi là quán nhưng thực chất chỉ có hai dàn bếp than lớn được dựng trên vỉa hè, mỗi bếp một người đứng chính và sáu bộ bàn ghế nhựa được xếp ngay ngắn, sát vách tường cho khách ngồi ăn.
Lý giải về cái tên bánh xèo “muỗi”, thực khách tên Thương vui vẻ nói: “Bánh xèo “muỗi” không phải là bánh xèo nhân muỗi đâu, ở đây bán bánh xèo Bình Định nhân tôm thịt bình thường. Thật ra là do quán mở trên vỉa hè, lại không có tên. Trước quán còn có một gốc cây khá to, chiều tối ngồi vừa ăn vừa đập muỗi mỏi tay luôn, khách ăn quen thì gọi là bánh xèo “muỗi” cho vui vậy”.
Song, vì số lượng bàn ghế có hạn và nhiều thực khách cũng “ngại ngồi ăn nơi có quá nhiều muỗi” nên đa phần đều lựa chọn mua mang đi.
Chủ quán là một cặp vợ chồng người Bình Định, vì muốn thoát khỏi cái nghèo mà quyết định vào Nam kiếm sống. “Vợ chồng tui vô đây hơn 20 năm rồi. Hoài Đức quê tui có nguyên một làng chuyên đổ bánh xèo, tui sống ở đó từ nhỏ tới lớn nên cũng chỉ biết lấy cái nghề này mà đem đi xa kiếm sống thôi”, bà Nguyễn Thị Lê Yến (48 tuổi, chủ quán) cho biết.
Những ngày đầu nơi đất khách quê người, hai vợ chồng chia nhau đi làm thuê. Công việc gì họ cũng làm, từ lao công, tạp vụ cho đến bưng vác, phụ hồ. Dành dụm được chút vốn nho nhỏ, bà Yến bàn với chồng mở sạp bán bánh xèo, bởi đối với bà thì “chỉ có làm cái nghề từ thuở cha sinh mẹ đẻ này, vợ chồng bà mới có cơ hội đổi đời mà thôi”.
Và bà đã đúng. Người này ăn rồi chỉ cho người kia đến, cứ vậy, quán của bà càng ngày càng đông khách. Vợ chồng bà tâm sự: “Nói thì nghe đơn giản, nhưng để có được như hôm nay là cả một quá trình dài để mình phấn đấu. Cũng từ cái sạp nhỏ xíu mà tui tích cóp tiền đủ mua căn nhà nhỏ cho có chỗ chui ra chui vô, rồi chi phí lo cho mấy đứa con ăn học đàng hoàng nữa”.
Chén nước chấm lắm công phu
Khác với bánh xèo miền Nam vốn khá to, có phần nhân đa dạng với thịt heo, thịt gà, đậu xanh, tôm tép... bánh xèo Bình Định được đổ trong khuôn tròn có đường kính 10 – 15cm, phần nhân chỉ có tôm, thịt heo và giá đỗ. Khi ăn sẽ có bánh tráng, rau xà lách, diếp cá và cải đắng, cùng chén nước chấm đậm đà.
Bánh xèo bà Yến làm theo đúng công thức xứ Bình Định với bột gạo phải được xay từ gạo mùa cũ, bán ngày nào xay ngày đó. Trong quá trình pha bột, chủ quán sẽ cho thêm một ít bột nghệ vào để bánh xèo có màu sắc vàng tươi bắt mắt.
Bánh xèo ở đây được đổ rất khéo với lớp vỏ bên ngoài giòn tan, phần nhân bên trong gồm tôm, thịt và giá đỗ đều chín vừa phải. Bánh mới đổ nóng bỏng tay, thơm thoảng mùi bột gạo lẫn với hành lá, ăn cùng với mớ rau sống xanh tươi chắc chắn làm hài lòng những “cái bụng đang réo rắt” vì đói.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt và cũng là yếu tố quan trọng khiến thực khách nhớ mãi hương vị bánh xèo ở đây chính là chén nước tương đậu phộng do chủ quán tự chế biến, thay vì nước mắm tỏi ớt như nhiều nơi khác.
“Tương đậu phộng này tui làm từ gan heo, thịt băm, đậu phộng và bột năng. Ở TP.HCM, ít người bán nước chấm này vì chế biến rất mất thời gian. Gan với thịt thì mình làm sạch rồi xay nhuyễn, thêm gia vị như mắm, muối, đường, tỏi băm... rồi bắt lên bếp, đảo đều cho tới khi chín thì cho thêm bột năng hòa tan với nước, khuấy đều tay trên lửa liu riu cho tới khi sánh lại. Cuối cùng cho thêm đậu phộng rang giã nhỏ vào nữa là được”, bà Yến bật mí.
Thú vị hơn là nhờ ăn bánh xèo ở đây mà tôi được biết, muốn bánh tráng không bị rách khi cuốn thì nên xếp bánh xèo lên trước, sau đó mới cho tiếp rau sống vào để cuốn. Bởi chính lớp dầu chảy ra từ miếng bánh sẽ làm phần bánh tráng dai và dễ cuốn hơn.
---
7 quán cà phê an yên 'trốn lễ 2/9' ở Hà Nội
Dịp lễ 2/9 đang tới gần, nếu không có dự định đi du lịch đâu xa, thì đừng quên trốn xô bồ tại 7 quán ... |
Hội An: 3 nơi ở được khách chấm điểm cao ngất, giá chỉ từ 550.000 đồng một đêm dịp lễ 2/9
Đây là những khách sạn được đánh giá cao về thái độ thân thiện và tiện ích ở Hội An, bạn có thể tham khảo ... |
Du lịch 2/9: Ngại đi chơi xa thì về ngay Cát Bà, cảnh đẹp đồ ngon lại không quá đắt
Một vài năm gần đây, Cát Bà đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của rất nhiều du khách trong và ngoài nước, ... |
10 điểm đến dịp 2/9 ở miền Bắc vừa rẻ vừa thân thiện với gia đình
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 này được nghỉ tới 3 ngày, ở miền bắc, gia đình bạn có thể lựa chọn đi đâu? Tận hưởng ... |
2/9 nên đi đâu: Lên Sa Pa ngắm lúa chín vàng, chụp ảnh ngàn góc đẹp
Dịp nghỉ lễ 2/9 vào thời điểm mùa thu tuyệt đẹp tại Sa Pa, lúa chín vàng óng, nắng vàng trải dài khắp các thửa ... |
Du lịch 2/9: Nhiều villa, resort gần Hà Nội thưa khách đặt phòng
Những tưởng kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài ba ngày sẽ khiến các villa và resort gần Hà Nội 'cháy' phòng. Thế nhưng thực tế ... |