Phong cảnh thiên nhiên Việt Nam trên trang National Geographic. (Ảnh: National Geographic)
Đó là một trong nhiều điểm đáng chú ý mà TS Mauro Giovanni - chuyên ngành Nhân học, ĐH Trieste (Ý) - chia sẻ trong tham luận "Du lịch và sự tưởng tượng: Góc nhìn mới về Việt Nam từ những câu chuyện của du khách Ý" tại Hội thảo quốc tế Những kết quả nghiên cứu mới trong khoa học xã hội và nhân văn 2019 (ISSH 2019).
Hội thảo do Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với ĐH Trieste (Ý), ĐH Leipzig (Đức), ĐH Warwick (Anh), ĐH Chiao Tung (Đài Loan) và ĐH Purdue (Mỹ) tổ chức ngày 4 và 5-10 tại TP HCM.
Theo TS Mauro Giovanni, đến tận những năm 1980, nhiều người Ý khi nghe đến Việt Nam vẫn liên tưởng trước tiên đến hình ảnh chiến tranh.
Thậm chí, một số người còn thắc mắc: "Việt Nam là tên một quốc gia sao? Tôi tưởng chỉ là tên cuộc chiến?". Sự tưởng tượng này như một rào cản với khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian đó.
TS Mauro Giovanni (áo xanh) tại buổi hội thảo. (Ảnh: TRỌNG NHÂN)
Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của TS Mauro Giovanni, số người Ý khi nhắc đến Việt Nam nghĩ ngay đến chiến tranh vẫn còn nhưng không giữ vị trí "số 1" như trước. Thay vào đó, đa số người Ý thường hình dung về những phong cảnh thiên niên khi nhắc đến Việt Nam.
"Họ thường liên tưởng cảnh sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, những vùng núi, hang động hoang sơ như Sơn Đoòng hay các bãi biển đẹp như vịnh Hạ Long... Đó là sự khác biệt trong mối quan hệ giữa sự tưởng tượng của người Ý và du lịch ở Việt Nam theo thời gian" - TS Mauro Giovanni nói.
TS Mauro Giovanni lì giải nguyên nhân chủ yếu là do sự trải nghiệm tích cực được chia sẻ từ số đông khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hơn 20 năm qua.
Những hình ảnh đẹp về Việt Nam từ sách báo, phim ảnh nhanh chóng đến được nhiều người châu Âu trong thời đại Internet, từ đó dần thay đổi cách nhìn của phần lớn du khách nước ngoài.
"Nếu cân nhắc du lịch giữa các quốc gia Đông Nam Á trên khía cạnh thiên nhiên, phần lớn người Ý sẽ ưu tiên Việt Nam thay vì Thái Lan hay Malaysia" - TS Mauro Giovanni nói.
Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long trên National Geographic. (Ảnh: National Geographic)
Tại Hội thảo ISSH 2019, tổng cộng 39 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới được trình bày về các chủ đề nóng như kinh tế, chính trị, đời sống, giáo dục...
Trong đó, nhiều chuyên gia chú trọng đến việc đổi mới các phương pháp tiếp cận ngành khoa học xã hội cũng như thống nhất những định nghĩa phát sinh, phù hợp với sự phát triển không ngừng của thế giới.
Những tham luận nổi bật sẽ được bình duyệt và đăng trong số đặc biệt của tạp chí uy tín Inter-Asia Cultural Studies (IACS).
TS Trần Trọng Đạo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết với nhiều đề tài bàn luận cùng thành phần tham dự, ISSH 2019 sẽ giúp làm sáng tỏ lì do tại sao cần phải có các phương pháp nghiên cứu mới, liên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.