GS. TS Vũ Trọng Hồng. (Ảnh: Giadinh.net.vn).
Liên quan đến các ý tưởng mở tuyến taxi nước ở hồ Tây, buýt đường thủy ở sông Hồng và Tô Lịch, chúng tôi đã có trao đổi với GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
GS. TS Vũ Trọng Hồng cho biết, đề xuất tuyến buýt sông Tô Lịch là một nhiệm vụ mới bởi lẽ từ xưa sông Tô Lịch chỉ là đường thoát nước.
"Từ trước đến nay, sông Tô Lịch có nhiệm vụ thoát nước cho nội thành. Bây giờ, nếu đưa tuyến buýt đường thủy vào thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn.
Cụ thể, nếu như thực hiện nhiệm vụ thoát nước, sông Tô Lịch chỉ cần độ dốc nhưng nếu đưa tuyến buýt thì sông cần phải có mớn nước để tàu di chuyển và nước sông không được chảy quá mạnh vì gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, đưa buýt đường thủy thì cần bến bãi, cơ sở hạ tầng chứ không chỉ có thuyền là xong.
Trong khi đó, trở ngại lớn nhất của sông Tô Lịch là vấn đề ô nhiễm mà chúng ta chưa giải quyết được. Không giải quyết được ô nhiễm thì ai muốn đi buýt sông Tô Lịch? GS. TS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Ô nhiễm sông Tô Lịch vẫn chưa được giải quyết. (Ảnh: Di Linh).
Ngoài ra, GS. TS Vũ Trọng Hồng cũng cho rằng việc đặt vấn đề làm buýt đường thủy ở tương lai gần là không khả thi.
"Để có tuyến buýt đường thủy, chúng ta phải qui hoạch, và quan trọng phải cắt nguồn nước thải vào sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề đơn giản vì còn liên quan quĩ đất, kinh phí...", GS. TS Vũ Trọng Hồng nói.
Đối với ý tưởng taxi nước ở hồ Tây, GS. TS Vũ Trọng Hồng cho biết ý tưởng này gắn với vấn đề giải quyết một phần giao thông và phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch phải đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.
"Tôi phản đối việc mở taxi nước ở hồ Tây. Bởi tàu thuyền sẽ có phần dầu động cơ thải ra hồ và việc xử lí ô nhiễm môi trường sẽ rất tốn kém.
Tôi có thể ví dụ như hồ thủy điện Hòa Bình cũng chỉ có chèo thuyền du lịch và 1, 2 chiếc tàu để tuần tra. Việc bảo vệ môi trường là quan trọng nhất nên không thể đưa taxi nước vào hồ Tây", GT. TS Vũ Trọng Hồng nêu quan điểm.
Hồ Tây cũng đang được thí điểm xử lí ô nhiễm và mở taxi nước có thể gây thêm ô nhiễm. (Ảnh: Di Linh).
Đối với sông Hồng, GS. TS Vũ Trọng Hồng cho biết đây là tuyến giao thông thủy quan trọng và Bộ GTVT cũng rất vất vả vì câu chuyện đổi dòng, bồi lở.
"Sông Hồng nằm trong qui hoạch giao thông thủy của Bộ GTVT. Muốn đưa buýt đường thủy phải tính toán mật độ tàu thuyền, mớn nước, tốc độ để đảm bảo an toàn", ông Hồng cho hay.
Sông Hồng đang là tuyến giao thông thủy quan trọng. (Ảnh: Di Linh).
Cũng về các đề xuất mở taxi nước, buýt đường thủy, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông (xin giấu tên) cho biết đây mới chỉ là ý kiến chứ chưa có văn bản chính thức.
"Nhiều khi, trong một cuộc họp, các ý kiến tương tự được đưa ra một cách ngẫu hứng và không có căn cứ.
Ví dụ như sông Tô Lịch, chúng ta vẫn đang tranh cãi chuyện làm sạch. Và những ý kiến, đề xuất như trên cần có văn bản cụ thể mới đánh giá được.
Taxi nước, buýt đường thủy ở trên thế giới là hình thức không mới tuy nhiên nó liên quan đến kết cấu hạ tầng, tổ chức dân cư, chất lượng phương tiện và điều kiện vận hành.
Muốn đánh giá, chú ta phải có căn cứ cơ sở, phải nghiên cứu khoa học một cách khách quan, phù hợp với thực tiễn chứ không chỉ nói cho sướng miệng", vị chuyên gia nói.