Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (Ảnh LD). |
Nói về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu vẫn gọi thân mật là “anh Đỗ Mười”. Ông Lê Khả Phiêu kể: Tôi tham gia cách mạng sau anh Mười khá lâu.
Trước đây, tôi tham gia chiến đấu ở các chiến trường nên ít có dịp được gần anh, nhưng danh tiếng và những cống hiến cho cách mạng của anh, tôi đã được nghe kể nhiều và rất mến phục anh.
'Ở anh thực tiễn và lý luận quyện chặt với nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng và chính quyền và nhân dân tạo nên chất xám trong anh, góp phần quan trọng khi anh đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn, phù hợp lòng dân được nhân dân ủng hộ', nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, dù yêu mến và quý trọng “anh Mười” từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1991, khi rời chiến trường Campuchia về công tác ở Bộ Quốc phòng, được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi tham gia Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông mới được gần “anh Đỗ Mười”, học anh và hiểu anh nhiều hơn.
“Anh giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến nửa khóa VIII. Anh là Tổng Bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương nên chúng tôi được gặp, làm việc với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn.
Anh Đỗ Mười là một con người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, có tư duy nhạy bén, sắc sảo. Anh là một con người hành động, hành động quyết liệt.
Trong công tác xây dựng Đảng, anh luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng.
Còn nhớ, khi tôi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một lần anh Mười cùng dự sinh hoạt với Quân ủy Trung ương, lắng nghe tôi phát biểu, cùng tranh luận.
Qua cách đánh giá cán bộ, giao việc của anh Mười tôi thấy anh là người luôn chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước, nhất là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu ở các chiến trường, con em các đồng chí cách mạng lão thành, con em các đồng chí thương binh, liệt sĩ, ông Phiêu hồi tưởng.
"Anh Mười là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều" (Ảnh TL). |
Không chỉ trong xây dựng Đảng mà trong xây dựng và phát triển kinh tế “anh Đỗ Mười” được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng. Anh rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, tài chính, ngân hàng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận trong các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở.
“Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên không phải không có lúc người ta nghĩ anh có tư tưởng áp đặt. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh tôi càng thấy anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị; có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể.
Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ ở cơ sở, ở cương vị cao nhưng anh Đỗ Mười luôn chịu khó đọc sách, tích lũy kiến thức từ những chuyến đi cơ sở. Ngay cả khi đã nghỉ, tuổi đã cao nhưng nhiều lần đến thăm anh tôi vẫn thấy anh còn miệt mài đọc sách”, ông Phiêu bày tỏ.
Là Tổng Bí thư kế nhiệm, khi cả hai người đều đã nghỉ, ông Phiêu nhớ lại, khi “anh Mười” còn làm Tổng Bí thư, trong họp bàn về chủ trương cũng như nhân sự, cụ thể khi còn có ý kiến khác nhau thì anh là người đấu tranh mạnh mẽ, nói rõ quan điểm của mình. Tinh thần đó đã làm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả Trung ương đều tranh luận sôi nổi, tranh luận để đi đến thống nhất chứ không một chiều, "độc diễn”, độc đoán.
“Tôi quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, mãi mãi tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân của anh Đỗ Mười”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ.
Chuyện về bữa cơm muối vừng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
"Gắn bó với ông Đỗ Mười gần 50 năm, tôi học được rất nhiều, nhưng bài học lớn nhất là cần, kiệm, liêm, chính, chí ... |