Mới đây, chị Trần Hoa, chủ khách sạn Hanoi Passion Suite trên đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã buộc phải sang nhượng gấp khách sạn này với giá 350 triệu đồng do không đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. Khách sạn này, chị Hoa mới đầu tư được một năm và đã ký hợp đồng thuê nhà trong 10 năm với giá 2.700 USD/tháng.
Tương tự, khách sạn Saigon Palace trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) qui mô 27 phòng nghỉ cũng được chủ sang nhượng lại với giá 800 triệu đồng, trong đó 420 triệu là tiền cọc cho chủ nhà cho hợp đồng thuê 10 năm.
Cùng với đó, hàng loạt nhà nghỉ qui mô 10-15 phòng tại Hà Nội đang được rao sang nhượng lại với giá 80-100 triệu đồng kèm theo hợp đồng thuê dài hạn.
Anh Hải, chủ một khách sạn nhỏ trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết chi phí thuê mặt bằng kinh doanh mỗi tháng là 50 triệu đồng. Mặc dù thanh toán theo tiến độ 3 tháng/lần và chủ nhà đã đồng ý hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho đến khi hết dịch, hoạt động kinh doanh vẫn quá khó khăn vì dịch bệnh.
Tương tự, tại khu vực trung tâm TP HCM như quận 1, quận 3, Phú Nhuận, nhiều khách sạn, homestay cũng đang được chủ sang nhượng và bán lại do không có khách trong thời gian dài.
Là một trong những con đường luôn đông đúc khách du lịch và hiếm có khi nào có mặt bằng trống, chủ một khách sạn lớn trên đường lí Tự Trọng, quận 1 có qui mô 120 phòng cũng đành phải rao bán với giá 950 tỉ đồng, bao gồm đất.
Nhiều khách sạn ở khu vực đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cũng đồng loạt được rao bán với giá khoảng 10 - 20 tỉ đồng. Được biết đây là khu vực khách sạn kinh doanh đạt lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/tháng vào thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Để bù đắp cho khoản doanh thu giảm, nhiều khách sạn có qui mô lớn đang thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự tạm thời hoặc luân phiên ca làm việc. Một số đã cắt giảm hơn 50% nhân viên.
Anh Nguyễn Văn Vinh, nhân viên lâu năm tại một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1 được chủ cho nghỉ việc tạm thời từ giữa tháng 3 và phải chuyển sang làm tài xế xe ôm công nghệ.
Anh chia sẻ: "Mỗi tháng khách sạn vẫn trợ cấp cho nhân viên hai triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Mặc dù số tiền không nhiều so với thu nhập nhưng so với anh em ở nhiều khách sạn khác thì vẫn còn tốt, nhiều người còn phải nghỉ không lương, không trợ cấp".
Bình luận về thực trạng này, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho rằng việc người đầu tư khách sạn rút khỏi thị trường có thể sẽ kéo dài trong 3 - 4 tháng tới.
"Không giống như các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản cần thời gian dài hơn để nhìn thấy những tác động đáng kể do dịch bệnh. Khách sạn nói riêng và các sản phẩm bất động sản khác nói chung là những tài sản có giá trị và đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính thanh khoản lại không cao, chính vì vậy chủ tài sản sẽ cố duy trì đến khi không thể tiếp tục giữ tài sản được nữa", ông Chánh lí giải.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến nghị người đầu tư không nên thấy giá giảm mà vội mua khách sạn vào thời điểm này. Theo ông, mức giảm từ 5 - 7% ở thời điểm hiện tại là chưa nhiều, trong 3 - 6 tháng tới thị trường có khả năng sẽ chứng kiến mức giảm sâu hơn do bất động sản khi ấy mới thật sự "ngấm đòn" từ Covid-19.
Theo báo cáo về thị trường khách sạn tại TP HCM của Savills Việt Nam, công suất cho thuê của toàn thị trường giảm xuống mức 48% trong quí I.
Tuy nhiên, con số này được dự báo tiếp tục giảm trong quí sau do biện pháp hạn chế du lịch, giãn cách xã hội của Chính phủ cũng như tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng. Trước diễn biến của dịch bệnh, trong tháng 2 và tháng 3, nhiều phòng khách đặt thuê từ trước đều đã bị hủy.
Để tăng khả năng cạnh tranh, hầu như tất cả hạng phòng đều thực hiện chính sách ưu đãi giá. Trong ba tháng đầu năm, giá phòng trên toàn thị trường đã giảm 14% so với trước đó.