Nhà văn trẻ minh Nhật là một cây viết được nhiều bạn trẻ hâm mộ, anh từng có thời gian du học ở Singapore nên rất thấu hiểu văn hóa nước này |
Lâu lâu trước khi còn ở Sing, tôi hay ăn ở một hàng cháo ếch quanh khu Geylang Serai. Đó là một quán ăn ngon, dễ chịu, phục vụ chu đáo, giá cả phải chăng. Nói chung là ngon rẻ, bổ hay không thì không biết. Đó cũng là một trong những quán đông nhất của khu đó.
Nhưng có một điểm kỳ lạ là hàng cháo ấy không bán nước uống, thay vào đó là một tiệm bán nước nhỏ bên cạnh, phục vụ mọi loại nước trên trời dưới biển. Khách mua cháo ở đây, rồi gọi nước ở kia. Ăn dần dà lâu lâu, có lần tôi hỏi chủ quán cháo ấy rằng sao bà không bán nước luôn, vì với lượng khách đông thế này thì hẳn cũng sẽ kiếm được không ít tiền nước - thứ vốn chẳng phải chế biến, chẳng phải tốn công phục vụ gì nhiều mà lại lãi ra trò.
Bà chủ quán trả lời tôi một câu mà khi đó đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên: "Thì cũng phải để cho hàng xóm kiếm chút tiền chứ. Mình không kiếm thêm được chứ mình cũng có mất gì đâu."
Đó quả là một thứ suy nghĩ rất... lạ.
Lần vừa rồi đi Thái, ngày cuối cùng trước khi ra sân bay, chúng tôi đi ăn tại một quán mì nhỏ gần khách sạn, và lại gặp cảnh tương tự. Khách ăn tại quán gọi đồ uống tại bàn, nhưng trả tiền cho một người chủ chiếc xe bán nước lưu động đậu gần đó, còn bà chủ quán chỉ bán mì, ai làm việc nấy! Có vẻ như tìm cách tối đa hóa lợi nhuận không phải mục đích của tất cả con người trên hành tinh này, có những người chẳng màng tới điều đó. (Một tình tiết nhỏ khá vui ở quán này là khi chúng tôi có chút bất đồng ngôn ngữ, thì một cô bé Việt Nam bán bánh - cũng trên một chiếc xe lưu động - ở gần đó, đã chạy ra "phiên dịch" hộ một cách rất đáng yêu!)
Mỗi khi viết một thứ gì đó về văn hóa sống, làm việc, hưởng thụ, giáo dục... của nước ngoài, tôi thường suy nghĩ rất nhiều. Bởi tôi muốn tránh cảm giác so sánh với văn hóa Việt. Nhưng quả thật, mỗi lần đi ngang qua những con phố nhan nhản những thương hiệu ăn cắp lẫn nhau trên đất nước này, tôi cảm thấy rất nản. Thịt chó Anh Tú Béo, Anh Tú Béo chính hiệu, Anh Tú Béo xịn... Rồi thì quán Ông Già chính hiệu, Ông Già duy nhất, Ông Già cũ... Rồi thì Lạc rang Bà Vân số 1, Lạc rang Bà Vân duy nhất, Lạc rang bà Vân gia truyền.... Chúng ta nhái tất cả mọi thứ có thể, từ cốc trà chanh đến quán ăn gia truyền mà ông bà người khác để lại, từ tên bố mẹ nhà hàng xóm tới cái tăm xỉa răng người mù. Một thứ văn hóa đậm chất Trung Quốc không thể tệ hơn.
Một quán phở Thìn ở Kon Tum. Ở Việt Nam thường có kiểu "kinh doanh chia sẻ" tiêu cực như thế này (Ảnh: phuot.vn) |
Họ, vì muốn kiếm chút tiền cho bản thân, không ngần ngại ăn cắp trắng trợn những gì người khác làm ra - mà có phải của ai xa lạ đâu, của chính những người hàng xóm mình. Họ - thay vì giúp đỡ nhau - lại cố gắng triệt đường sống của lẫn nhau. Họ làm mọi thứ với mục đích muốn kiếm nhiều và nhiều hơn nữa, cho riêng mình.
Tôi nghĩ, kiếm thêm nhiều cho bản thân một chút cũng tốt, dư dả thì làm được nhiều việc hơn. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Khi nhìn những người bán hàng nhỏ lẻ ở khu chợ Thái kia vui vẻ giúp đỡ lẫn nhau, tôi thấy dường như chúng ta thiếu đi một thứ gì đó tôi vẫn thường được dạy trong các cuốn văn mẫu, những quyển giáo dục công dân khi còn nhỏ.
Cùng là người với nhau mà. "Cho họ kiếm chút tiền chứ? Mình không kiếm thêm được chứ mình cũng có mất gì đâu."
Minh Nhật