Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Bệnh viện cũng phải nộp tác quyền | |
Phó Đức Phương: 'Không dừng thu tác quyền nhạc ở quán cà phê' |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. |
Thời gian qua, câu chuyện thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý là một nhạc sĩ nổi tiếng - từng là hội viên của VCPMC, nhưng vì một số lý do đã rút tên khỏi trung tâm – đã có những phát ngôn phản đối việc thu tiền tác quyền âm nhạc hiện nay của VCPMC.
Theo tác giả này, điều mà ông băn khoăn là VCPMC chưa bao giờ công khai việc chi tiền trả cho các tác giả âm nhạc. “Mỗi năm họ đều công bố thu được 80 tỉ, 90 tỉ hay 100 tỉ đồng, theo tôi là để báo cáo thành tích. Thực tế số tiền họ trả cho các tác giả chẳng đáng là bao. Vì thế, họ chẳng bao giờ dám công khai số tiền chi trả thực tế ấy” – vị nhạc sĩ này chia sẻ.
Tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra vào ngày 7.7, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC – đã lên tiếng về thông tin này. Ông khẳng định, không có chuyện VCPMC có gần 100 tỉ đồng gửi ngân hàng như ý kiến của một nhạc sĩ nổi tiếng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho rằng, hiện nay, số đông công chúng và cả cơ quan chức năng vẫn chưa đề cao vấn đề tác quyền âm nhạc.
“Tài sản của tác giả là phải do tác giả quyết định, luật là thế. Âm nhạc phát chỗ công cộng thì nhạc sĩ phải có tiền. Nội dung Công ước Bern nói thế. Tưởng đơn giản nhưng ở Việt Nam, chỉ có mỗi việc kinh doanh âm nhạc phải trả tiền mà mấy chục năm nay vẫn chưa làm xong được”, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.
Để rõ hơn thông tin “có hay không việc số tiền VCPMC trả cho các tác giả chẳng đáng là bao”, Lao Động đã có cuộc trao đổi với một số nhạc sĩ đang là thành viên của VCPMC, đang ủy quyền cho trung tâm thu tiền tác quyền âm nhạc cho các tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh. |
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, vấn đề mấu chốt là phía VCPMC cần minh bạch thông tin: “Tôi mong VCPMC sẽ có một biểu mức cụ thể, chi tiết và khoa học hơn nữa trong việc thu – chi tiền tác quyền. Nhiều hay ít không quan trọng, mà quan trọng là minh bạch để tránh sự nghi kỵ trong các hội viên”.
Nhạc sĩ cũng cho biết, ông ghi nhận những đóng góp của VCPMC với các nhạc sĩ Việt Nam. “Có những nhạc sĩ chưa từng được vợ con ghi nhận vì thu nhập của họ từ tác phẩm trước đây gần như không có. Từ khi VCPMC hoạt động, vấn đề bản quyền âm nhạc được thực thi, nhiều nhạc sĩ có thu nhập đều đặn. Điều đó giúp họ giải quyết được nhiều nhu cầu trong cuộc sống” – tác giả ca khúc “Biển khát” chia sẻ.
Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi chưa có VCPMC thì các tác giả âm nhạc Việt Nam chẳng có xu tiền nào cả. Họ không sống được bằng nghề và không được tôn trọng. Lý do bởi không có ai đi đốc thúc, thu tiền tác quyền cho các nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
“Người ta quỵt hết tiền của chúng tôi. Bây giờ có một người đi thu giúp chúng tôi, họ hy sinh thời gian, một tác giả lừng lẫy như thế lại hy sinh công việc sáng tác để đi làm cái việc không mấy người dám làm, thì chúng tôi phải cám ơn chứ. Thay vì làm cái công việc đi thu tiền hộ ấy, ông Phương hoàn toàn có thể ngồi viết những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Đằng này, ông ấy đã hy sinh như vậy thì mình còn thắc mắc cái gì.
Tôi nghĩ chúng ta đừng so sánh nhiều hay ít, mà phải hiểu rằng chúng tôi đã nhận được những thứ từ không đến có. Từ chỗ không có một đồng nào, bây giờ được họ đưa đến tận nơi thì với tôi một đồng cũng rất đáng trân quý. Theo tôi, các tác giả đừng thắc mắc nhiều hay ít mà là hãy cảm ơn Phương và VCPMC” - nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng chia sẻ, ông tin tưởng vào sự minh bạch của VCPMC. “Trung tâm đang trả tiền tác quyền cho tôi theo từng quý, liệt kê rõ ràng từng hạng mục, từng bài hát của tôi được các đơn vị sử dụng, ở lĩnh vực nào. Cả 1 bộ hồ sơ chi tiết mỗi quý của tôi khoảng 220 trang. Tôi rất tin tưởng vào sự nhiệt tình và minh bạch của Trung tâm” - tác giả ca khúc “Nhật ký của mẹ” cho biết.
Trung tâm tác quyền âm nhạc thu hơn 35 tỷ đồng trong 6 tháng | |
Thu phí tác quyền âm nhạc ở bãi đỗ xe, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng karaoke: Khó hơn… lên trời! |