Trước đó, vào ngày 19/3, ĐHQG TP HCM xác nhận UBND TP HCM đã có chủ trương chính thức trưng dụng kí túc xá ĐHQG TP HCM làm khu cách li tập trung phòng, chống dịch Covid 19. Như vậy, kí túc xá (KTX) phải dọn cấp tốc khoảng hơn 16.000 giường, bao gồm cả KTX khu A và B.
Tôi đã tham gia hỗ trợ dọn dẹp 4 trong 6 ngày ngay sau khi có thông báo cần tình nguyện viên. Một sinh viên “năm thứ 8” trường Nhân Văn là lời giới thiệu mà tôi vẫn hay nói vui cùng các bạn sinh viên lúc dọn dẹp. Nhờ có những ngày làm việc này, tôi được sống lại thời sinh viên nhiệt huyết, cống hiến mà không mong cầu đáp lại điều gì.
Chúng tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng là bảo quản tuyệt đối tài sản của các bạn sinh viên. Bởi khi cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động của ĐHQG TP HCM làm, các bạn sẽ yên tâm hơn. Chúng tôi có hẳn một loạt khẩu hiệu như: Phải “giữ mình” lúc dọn dẹp, không tò mò đụng chạm đồ của sinh viên; dọn là phải sạch từ đầu đến cuối, không bỏ sót thứ gì!
Sáng sớm 7h30, mọi người từ khắp nơi ở Sài Gòn tranh thủ có mặt tại KTX, kiểm tra thân nhiệt và điền khai báo y tế. Đội tình nguyện sẽ bắt đầu làm việc từ 8h sáng đến 12h trưa, sau đó nghỉ trưa đến 1h30 rồi làm tiếp tới khoảng 5h chiều.
Tùy vào tiến độ của từng nhóm và số lượng đồ trong phòng mà có nhóm sẽ xong trễ hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, trên tinh thần chung tay giúp đỡ nhau nên sau ca làm, mọi người đều tự ý thức hỗ trợ các nhóm khác, hoặc vào nhóm khuân vác đồ của nhà hảo tâm, bà con gần xa như thùng carton, nhu yếu phẩm, thức ăn, nước uống vào phòng quản lí.
Mỗi nhóm sẽ có 6 - 8 người và dọn được 18 - 20 phòng trong một ngày. Mỗi tầng trong tòa nhà đều có khoảng 1 - 2 phòng dùng làm kho chứa đồ chung. Theo phân công của ban quản lí, chúng tôi tự giác lấy dụng cụ và tiến hành dọn dẹp từng phòng một. Theo thứ tự là: phân loại giường - kiểm kê tài sản; dán thùng và dọn dẹp đồ đạc vào thùng, di chuyển sang kho theo phân công của trưởng nhà.
Nghe thật dễ nhưng khi làm mới thấy thật khó khăn. Nhiều phòng có khối lượng đồ đạc rất lớn, thậm chí phải mất 2 - 3 giờ mới dọn sạch. Sau khi cán bộ, tình nguyện viên và bộ đội đã thu gom đồ đạc từng phòng, dân quân tự vệ sẽ quét dọn vệ sinh và thêm các vật dụng thiết yếu để người cách li có thể sử dụng.
Những màu áo khác nhau từ các trường Đại học trên địa bàn TPHCM, các CLB tình nguyện, nhóm cựu sinh viên đã tạo nên một sức mạnh phi thường, ai cũng hăng say làm việc dù đây là công việc không được trả công, trong lòng thấy vui hơn vì giúp ích được cho đất nước.
Làm chung với tôi có anh Tuấn - cũng là một cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV đã tham gia từ những ngày đầu tiên. Trước đây anh cũng từng ở KTX nên muốn trở về góp sức trong nhiệm vụ cấp bách này. “Thay vì ở nhà đọc những tin tức không vui trên mạng xã hội về dịch bệnh, rồi lo lắng thì công việc này mang lại cho anh nhiều niềm vui hơn. Đôi khi làm việc tốt không cần đền đáp, cái giá lớn nhất là mong lan tỏa năng lượng tích cực đến nhiều người hơn thôi!”.
Anh Tuấn còn nói thêm: “Mình vui vì nhờ chuyến này mà gặp lại những người bạn cùng trường, cựu sinh viên nhân văn với nhiều bạn sinh viên trẻ và nhiệt huyết khác. Được sống lại thời sinh viên trước kia, cảm nhận rõ sự đồng lòng, nhiệt thành và đoàn kết giữa quân và dân trong công việc”.
Các bạn sinh viên trẻ có người nhà ở Sài Gòn, người phải ở lại làm luận văn, người không thể tiếp tục đi làm thêm đều mong muốn tham gia để hỗ trợ KTX phần nào công việc. Người trẻ nhất trong nhóm tôi là Nguyễn Đăng Khoa, hiện đang học năm nhất Khoa Y- ĐHQG. Cậu trai chuyên bị các chị trong nhóm “bắt nạt” nói vui: “Lúc đầu em khá là hoang mang không biết làm xong có bị đưa đi cách li hay không nhưng sau đó thì lại thấy nước đi “táo bạo” này đem đến sự hài lòng vô hạn”.
Khi tham gia ở nơi đông người, ai cũng lo lắng lây nhiễm Covid 19 nên đều chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. “Em khá lo và nếu có nhiễm bệnh thì lo nhất là gia đình mình. Nhưng em nghĩ các bạn đã có suy nghĩ đi tình nguyện thì chắc chắn sẽ ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân rồi. Bản thân em cũng sợ cách li, xem đó là trải nghiệm có một không hai thôi!”, Khoa nói thêm.
Mỗi ngày “chiến đấu” cùng những người trẻ nhiệt huyết như vậy khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Bản thân mình còn không nghĩ mình tham gia được 4 ngày dài với khối lượng công việc cực lớn như thế. Dù chỉ là đội “chuyển nhà cấp tốc” nhưng chúng tôi thực sự cảm thấy trân quý công sức mà mọi người đã và đang cố gắng cho cộng đồng trong "trận chiến" này. Ai cũng cố gắng nở nụ cười qua lớp khẩu trang che mặt, vì làm việc ý nghĩa nên mọi mệt mỏi đều thấy xứng đáng.
Khi làm việc cũng không thiếu những kỉ niệm khó quên, những tràng cười xua tan mệt mỏi từ nhóm tình nguyện. Bản thân tôi rất vui vì quay về KTX - nơi mình từng ở, dọn từng phòng có cảm giác như quay lại thời sinh viên.
Đôi khi “phát hiện” có túi gạo, nồi cơm điện của sinh viên lại tủm tỉm cười vì KTX hoàn toàn cấm sinh viên nấu ăn trong phòng. Mỗi giờ giải lao, chúng tôi cũng ấm lòng hơn vì được nhận rất nhiều vật phẩm “tiếp tế” từ các nhà hảo tâm ủng hộ như bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa, trái cây… Ngoài đồ ăn nước uống thì thứ quan trọng được thủ sẵn là C sủi, nước tăng lực. Hễ ai thấy mệt có thể uống ngay để cầm sức.
Trong thời điểm dịch corona bùng phát mạnh, hoạt động học tập - sinh hoạt và làm việc đều xáo trộn. Chúng tôi hi vọng cách bạn sinh viên ở KTX hãy yên tâm rằng đồ đạc đều được bảo quản cẩn thận. Thay vào đó, hãy cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể, giữ sức khỏe và cổ vũ cho đội ngũ y tế, quân dân đang ngày đêm chống lại đại dịch.
Trên tinh thần hỗ trợ hết mình, tất cả các “chiến sĩ” trẻ chúng tôi đều hi vọng “Không còn ca nhiễm nào trong những ngày tới, Việt Nam quyết thắng đại dịch”.