Gia Lai
Ngày 23/4, UBND tỉnh Gia Lai vừa phát hành công văn hỏa tốc về việc thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 23/4, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh theo qui định của Bộ Y tế. Khuyến khích chủ các cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện bán mang đi, bán trực tuyến.
Các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép mở cửa đón khách trong nước trở lại. Tuy nhiên, tỉnh vẫn tạm dừng các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, cơ sở làm đẹp, các giải đấu thể thao đông người.
Quảng Nam
Chiều tối ngày 22/4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam từ nhóm nguy cơ cao đã được hạ xuống nhóm nguy cơ thấp nên đề nghị xem xét, cởi mở tới mức tối đa trong tầm kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 tỉnh Quảng Nam đồng ý đề xuất cho mở cửa trở lại quán cà phê, nhà hàng, quán ăn (không bán rượu bia), yêu cầu phải đảm bảo các qui định về phòng dịch.
Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động song phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho người mua hàng, yêu cầu khách hàng thực hiện giãn cách đúng qui định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với hoạt động du lịch, cho phép các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà khách, homestay được đón khách du lịch từ các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp theo công bố của Ban chỉ đạo quốc gia, tổ chức các tour du lịch ngoài trời với số lượng không quá 10 người/tour.
Các hoạt động kinh doanh khác không thiết yếu như quán bar, vũ trường, internet công cộng, massage, rạp hát tiếp tục tạm dừng. Những sinh hoạt tập trung đông người phải đảm bảo không quá 20 người, giữ khoảng cách theo qui định. Các bãi tắm công cộng vẫn bị cấm hoạt động.
Đà Lạt
Sáng ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết, hoạt động lưu trú du lịch trở lại bình thường và đảm bảo các qui định phòng dịch, khai báo y tế. Các khu điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép hoạt động trở lại. Chợ đêm Đà Lạt hoạt động lại và phải đảm bảo các qui định phòng dịch.
Các hoạt động rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao như: Sân bóng đá mi ni, hồ bơi, phòng tập gym, phòng tập yoga, cơ sở thẩm mĩ, làm đẹp được phép hoạt động trở lại. Nhà hàng, quán ăn, uống, các loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu và không thiết yếu được phục hồi hoạt động lại.
Tuy nhiên, cần chú ý các dịch vụ vui chơi giải trí tiếp tục tạm dừng như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, ca nhạc phòng trà. Các dịch vụ này trong toàn tỉnh dừng cho đến khi có thông báo mới.
Cà Mau
Sáng 23/4, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến chỉ đạo về một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau cho phép các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh từ 29/4.
Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, thẩm mĩ, bar, vũ trường, karaoke, bida, rạp chiếu phim, game, internet công cộng tạm dừng hoạt động cho đến khi có văn bản chỉ đạo mới. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, thể thao có tập trung đông người (từ 20 người trở lên) vẫn dừng hoạt động.
Trước đó, sáng 16/4, các quán giải khát, quán ăn, cơ sở kinh doanh thiết yếu ở Cà Mau đã được mở cửa trở lại. Các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại, nhưng chỉ phục vụ cho khách nội tỉnh.
Phú Quốc
Sáng ngày 23/4, tại hội nghị kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Phạm Vũ Hồng cho biết, các hoạt động lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh được trở lại hoạt động bình thường.
Riêng đối với hoạt động lễ hội, tụ điểm karaoke, massage, quán bar... tiếp tục tạm dừng hoạt động đến 30/4/2020.
Tàu chở khách từ đất liền đi các đảo của Kiên Giang hiện được phép hoạt động với tần suất 2 lượt/ngày. Tức là mỗi ngày có khoảng 600 người được đi từ đất liền ra đảo và ngược lại.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, bao gồm cả dịch vụ taxi, xe chạy hợp đồng cũng được phép hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo chở một nửa số khách và thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Đối với đảo Phú Quốc, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống được phép đón khách. Các hãng bay nội địa mỗi ngày cũng được phép bay 2 lượt chở khách đến và đi khỏi đảo, việc đảm bảo an toàn trên các chuyến bay cần tuân thủ theo qui định an toàn phòng dịch của Bộ GTVT.