Tại Toạ đàm "Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam" diễn ra chiều ngày 25/2, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 so với toàn cầu rất sáng. Tăng tưởng GDP hơn 8%, lạm phát thì chỉ 3,6%.
"Thế nhưng chúng ta lại đang lần mò, tìm từng điểm sáng một và mong có được những điểm sáng thì hình như đang có vấn đề gì đó rất nghiêm trọng. Một mặt, khi bàn về nền kinh tế nội địa chúng ta thấy có những khó khăn nhưng nhìn những chỉ số chung của toàn nền kinh tế thì lại thấy ổn. Có lẽ chính sự khác biệt đó làm cho chúng ta nhiều khi có giải pháp đề xuất vẫn khó xử lý được vấn đề", ông nói.
Chuyên gia cho biết, trong cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, những động thái của Chính phủ đang ngày càng quyết liệt và chính sự quyết liệt đó hé ra những hy vọng, những điểm sáng.
Nhưng ông cũng nói thêm: "Các điểm sáng đó có thể tắt bất cứ lúc nào nếu như chúng ta không phản ứng một cách kịp thời, rõ ràng. Đặc biệt là từ phía các bộ ngành."
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chưa bao giờ, cụm từ "hỗ trợ", "giải cứu" thị trường bất động sản xuất hiện nhiều như hiện nay. Nó đến từ nhiều yếu tố bất thường mà có lẽ không cần nhắc lại nguyên nhân.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là vai trò và tác động của lĩnh vực bất động sản đang được quan tâm, nhìn nhận theo hướng tích cực hơn. Chuyên gia cho biết, đang có bàn luận về Bộ Cơ chế Chính sách để nhằm tháo gỡ những khó khăn.
Bộ này sẽ lấy kinh nghiệm từ thực tiễn, gặp doanh nghiệp để nắm vấn đề. Bên cạnh đó là tham khảo những kinh nghiệm quốc tế, cũng như lắng nghe tiếng nói một cách đa chiều.
Còn về cơ chế chính sách hiện nay, theo ông Lực, có hai nhóm là chính sách ngắn hạn và chính sách trung - dài hạn.
Về ngắn hạn phải xử lý những vấn đề trước mắt. Thứ nhất là pháp lý, nếu tháo gỡ được thì lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra. Quan trọng hơn, pháp lý là niềm tin, tháo gỡ sẽ củng cố niềm tin một cách mạnh mẽ.
Thứ hai là vấn đề vốn, năm nay nóng nhất là vấn đề trái phiếu, ước tính sơ bộ có 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn và năm sau là khoảng 110.000 tỷ đồng. Nếu như các doanh nghiệp bất động sản không mua lại trái phiếu thì phần đó vẫn còn. Mặt giải pháp xử lý thì vẫn còn đang thảo luận.
Theo chuyên gia, vốn tín dụng vào bất động sản năm nay cơ bản không có vấn đề gì. Chỉ có hai vấn đề tiếp tục kiến nghị là cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó là kiến nghị liên quan đến việc cân đối lại trọng số rủi ro.
Một dòng vốn nữa là dòng vốn M&A, đang xuất hiện rất nhiều thời gian qua. TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhiều doanh nghiệp M&A đang đề nghị nên cho phép ngân hàng cho vay phần vốn thiếu hụt khi thực hiện thương vụ.
Chuyên gia cho rằng điều này nên cho phép vì hoàn toàn khả thi. "Doanh nghiệp có 70%, ngân hàng tài trợ 30% thì không có vấn đề gì," vị này nói.
Chuyên gia cũng cho rằng, cần hiểu đúng hơn về thông điệp của Thủ tướng tại Hội nghị cuối tuần qua. Doanh nghiệp phải nhìn nhận thẳng thắng những gì mình đã làm được và chưa được để rút kinh nghiệm, chứ không phải doanh nghiệp bị bỏ rơi.