Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cả nước cũng có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp mới, kinh doanh, đầu tư, môi giới bất động sản tăng 34% so với cùng kỳ, tương đương hơn 4.800 doanh nghiệp mới ra đời. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng khoảng 23%, tương đương khoảng 1.000 doanh nghiệp.
Song, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng vừa qua cũng tăng gần 30%, tương đương khoảng 1.200 doanh nghiệp.
Nhìn theo hướng tích cực, tuy số lượng các doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động có ghi nhận tăng nhưng thị trường cũng đón thêm hàng nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng trăm doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn chưa thể phục hồi do dịch bệnh.
Còn theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước lại tiếp tục chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Đất Xanh Miền Bắc, Phát Land, CenGroup,... tiếp tục duy trì hoạt động.
Hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" diễn ra mới đây, CEO Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang nóng tại phía Nam là yếu tố bất khả kháng tác động buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động. Nhiều khả năng đến quý IV doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại.
Từ nay tới cuối năm 2021, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường vì với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó, khi khách hàng muốn đến thăm dự án, rồi phải tiến hành các thủ tục,…
CEO Đại Phúc Land phân tích, trong ngành bất động sản có một số nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các doanh nghiệp chủ đầu tư - là các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư lớn, có các nguồn vay đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn.
Các doanh nghiệp lớn này thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án. Nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp môi giới, chiếm khoảng 60 - 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.
Những doanh nghiệp này đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều.
Theo bà Hương, quý IV/2021, nếu lực lượng này không hoạt động được mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa.
Tại hội thảo trực tuyến "Giá nhà có giảm do Covid-19?" được Forbes Việt Nam tổ chức ngày 12/8, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hoà nhận định, hoàn toàn có thể hy vọng về một kịch bản tương đối tốt cho thị trường bất động sau dịch.
Bởi nếu nhìn sang các thị trường quốc tế, không riêng gì bất động sản mà cả nền kinh tế đều sẽ phục hồi vượt bậc sau dịch bệnh. Nếu Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 10 năm nay, thị trường bất động sản sẽ chuyển sang một trạng thái mới so với giai đoạn trì trệ hiện nay.
Ở góc độ chính sách, ông Nguyễn Mạnh khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chắc chắn sẽ có những chính sách, quyết sách mới và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.
"Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ ban hành một loạt những chính sách mới. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III - IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản", ông Khởi nói.
Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect cũng chỉ rõ, những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời trong quý III do dịch bệnh bùng phát, thị trường có thể sẽ bước vào thuận lợi từ quý IV.
Công ty chứng khoán này cũng chỉ ra ba yếu tố thúc đẩy nhu cầu bất động sản nhà ở trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022.
Thứ nhất, kinh tế phục hồi diện rộng giúp thúc đẩy ngành bất động sản trong thời gian tới. VNDirect quan sát thấy tốc độ triển khai tiêm chủng đang tăng lên nhanh chóng giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới.
Thứ hai, lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp kích thích nhu cầu mua nhà. Theo đó, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2 - 9,5% trong nửa đầu năm vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. VNDirect kỳ vọng Ngân NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng vào năm 2021,đồng thời không nâng lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ ba, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng trong tương lai. VNDirect quan sát thấy Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.
VNDirect cho rằng việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành trong các năm tới.