Những yếu tố đang kìm hãm thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản đã đi được hơn một nửa chặng đường của năm 2021 với không ít những khó khăn. Cộng với các vấn đề nội tại như chính sách, thủ tục pháp lý, lệch pha cung cầu,... vẫn là những điểm nghẽn lớn cần khắc phục nếu không muốn thị trường bị "bóp nghẹt" thêm.
Những yếu tố đang kìm hãm thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Kỳ vọng nhiều chính sách mới ban hành sẽ giúp vực dậy thị trường bất động sản sau dịch. (Ảnh: Khải An).

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản nói chung trong 6 tháng đầu năm có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng đóng băng hay sốt nóng. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. 

Ngoài những tác động tiêu cực của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển, theo Bộ này, thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Thứ hai, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Thứ ba, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch như thông tin về quy hoạch, các dự án được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án,... Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số địa phương thời gian vừa qua.

Thứ tư, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương được điều chỉnh tăng, giá một số vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến,…

Thứ năm, vẫn còn các dự án bất động sản chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội.

Thứ sáu, giao dịch bất động sản sơ cấp khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản.

Thứ bảy, hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt đặc biệt là các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản tự do, không được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn khá phổ biến.

Thứ tám, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở còn chậm, khó khăn kéo dài trong nhiều năm dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện của người dân và ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường bất động sản.

Khắc phục thế nào?

Từ thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản trong thời gian tới. 

Trong đó, các địa phương cần khẩn trương lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Đồng thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường,...

Ông Nguyễn Mạnh khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) mới đây cũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chắc chắn sẽ có những chính sách, quyết sách mới và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.

“Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ ban hành một loạt chính sách mới. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III - IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản", ông Khởi nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.