Nhiều dự án tại Đồng Nai ách tắc do vướng mắc về đất đai

Đồng Nai hiện còn 738 dự án có diện tích 5.535 ha chưa được triển khai thực hiện, những dự án này chủ yếu là hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang nông thôn.

Theo Báo Đồng Nai, UBND tỉnh cho biết, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến nay, tỉnh có gần 2.000 dự án phải thu hồi đất với diện tích thu hồi gần 14.600 ha. 

Đến nay, tỉnh hoàn thành thu hồi đất cho hơn 800 dự án có diện tích hơn 3.400 ha. Số dự án còn lại đang bị ách tắc do gặp vướng mắc về đất đai. Trong đó có nhiều vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển nhượng đất đai, dự án, nguồn gốc đất.

Có những dự án do thiếu các quy định về đất đai đã phải kéo dài thêm 4 - 6 năm chưa hoàn thành như: Dự án Đường ven sông Cái, dự án Đường ven sông Đồng Nai, dự án Đường trục trung tâm TP Biên Hòa, dự án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, dự án KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), dự án KCN công nghệ cao Long Thành, Khu đô thị Amata, Khu đô thị Tam An (huyện Long Thành), KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom),...

Nhiều dự án tại Đồng Nai ách tắc do vướng mắc về đất đai - Ảnh 1.

Dự án Đường ven sông Cái triển khai chậm do vương vê đất đai. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Nguyên nhân chính dẫn đến các điểm nghẽn về đất đai là do Luật Đất đai năm 2013, sau nhiều năm thực hiện đã không theo kịp xu hướng phát triển của thực tế. Điều này dẫn đến các rào cản trong tiến độ thực hiện các công trình, dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý.

Những vướng mắc về đất đai tỉnh hay gặp phải như chưa có khái niệm về đất khai hoang, đất có mặt nước, dẫn đến các địa phương khó giải quyết những trường hợp liên quan đến các loại đất trên cho người dân, doanh nghiệp. 

Đồng thời, việc phân loại đất chưa cụ thể, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chồng chéo, thiếu thống nhất với các loại quy hoạch chuyên ngành khác dẫn đến dự án không thể thực hiện. Thiếu quy định về thu hồi đất đối với dự án gây ô nhiễm môi trường, các trường hợp phải đấu giá đất quy định chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới mà Luật Đất đai chưa quy định khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong giải quyết vụ việc. 

Đơn cử như việc xử lý những trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng để kinh doanh bất động sản (không phải dự án đầu tư), chưa có quy định điều kiện tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thực hiện dự án nông nghiệp hay không.

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021, Đồng Nai có hơn 1.900 dự án trên các lĩnh vực đang được triển khai. Những dự án trên hầu hết phải sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nên các địa phương phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: "Các dự án triển khai đều liên quan đến đất đai, có nhiều trường hợp vì vướng quy định đất đai dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài. Các dự án chậm triển khai, tổng vốn đầu tư bị đẩy lên khá cao, gây khó cho chủ dự án. Đồng thời, dự án, công trình lâu hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.