Nhiều môi giới bất động sản ‘sốt sắng’ đi học chứng chỉ hành nghề

Ghi nhận tại một đơn vị được Sở Xây dựng TP Hà Nội ủy quyền tổ chức kì thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đã tăng gấp 5 lần so với trước đây.

Ngày 28/1 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó quy định mức phạt mới đối với hoạt động môi giới bất động sản.

Theo đó, khoản 1 Điều 59 của Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng với các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ làm sai lệch nội dung; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh.

Trước đây, Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt với các vi phạm về không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết hạn, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa là phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

So với mức phạt cũ, quy định mới đã tăng gấp 4 lần. Đó có thể là lý do khiến lượng người đăng ký học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản gia tăng đột biến trong thời gian qua.

Ghi nhận tại Viện nghiên cứu và phát triển bất động sản (đơn vị được Bộ Xây dựng cấp phép đào tạo các chương trình bất động sản, Sở Xây dựng TP Hà Nội ủy quyền tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới) lượng hồ sơ đăng ký dự thi đã bắt đầu tăng đáng kể từ thời điểm trước Tết Nguyên đán. Hiện có hàng nghìn hồ sơ đăng ký tham gia đợt thi vào tháng 3 tới. Lệ phí cho mỗi hồ sơ đăng ký tại Viện này là 1,6 triệu đồng, bao gồm một buổi ôn thi và lệ phí thi.

"Số lượng môi giới có mong muốn thi chứng chỉ đã tăng khoảng 5 lần so với trước đó. Hầu hết họ đều trong tâm lý sốt sắng muốn được thi càng sớm càng tốt", bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc tế của Viện cho biết.

Cũng theo bà Phương đa số những người có nhu cầu đăng ký thi đều đã có kinh nghiệm làm môi giới thực tế, nay cần thêm chứng chỉ để được hoạt động hợp pháp. Nhóm này chiếm tỷ lệ tới 90% trên tổng số người đăng ký. Trong khi nhóm thi cấp lại do chứng chỉ hết hạn có tỷ lệ ít hơn nhiều.

Đại diện Viện nghiên cứu và phát triển bất động sản cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực, thể hiện sự hiệu quả của Nghị định 16/2022/NĐ-TTg, buộc các môi giới phải làm việc chuẩn chỉ, hợp pháp. Qua đó, chất lượng của môi giới trên thị trường bất động sản sẽ được nâng cao.

Theo số liệu báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến tháng 6/2019, nước ta có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập. Tuy nhiên chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi giới bất động sản thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng, tồn tại hạn chế. Bộ đánh giá nhiều môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản, nặng tính "chụp giật" kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngoài ra còn có tình trạng "lách luật" trốn thuế.

Mức xử phạt trước đây đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề được đánh giá mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe, dẫn đến việc chứng chỉ không được coi trọng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.