Nhìn lại 20 năm Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu

Gia nhập Thuduc House từ những năm đầu mới thành lập, Chủ tịch HĐQT, ông Lê Chí Hiếu đã dẫn dắt công ty ghi nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản trước khi từ nhiệm sau gần ba thập kỷ gắn bó.

20 năm Thuduc House dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Lê Chí Hiếu

Ông Lê Chí Hiếu sinh năm 1957 tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sau khi tốt nghiệp từ trường Đại học Kinh tế TP HCM, ông Hiếu công tác tại Ngân hàng nhà nước, sau đó chuyển về UBND huyện Thủ Đức, làm trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình cho huyện.

20 năm Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu - Ảnh 1.

Ông Lê Chí Hiếu, cựu Chủ tịch HĐQT tại Thuduc House. (Ảnh: Thuduc House).

Năm 1994, ông Hiếu được điều về làm Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà huyện Thủ Đức, một doanh nghiệp nhà nước, tiền thân của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH). Khi đó, công ty vừa thành lập được 4 năm. 

Năm 1997, công ty chính thức chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường với nhiều dự án khu đô thị, chung cư tại ba quận 2; 9 và Thủ Đức (tách ra từ huyện Thủ Đức cũ). Đến tháng 11/2000, UBND TP HCM có quyết định chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành CTCP Phát triển nhà Thủ Đức như hiện tại và bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006 với mã giao dịch TDH. 

Tháng 6/2001, ông Hiếu được bầu làm Chủ tịch HĐQT Thuduc House, khi đó, vốn điều lệ của công ty là 15 tỷ đồng. Trải qua 20 năm, tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên thành 1.126,5 tỷ đồng. Ông Hiếu hiện nắm tỷ lệ sở hữu 1,333% vốn điều lệ tại Thuduc House, còn vợ ông, bà Phạm Thị Xuân Lan nắm 0,113%. 

Nhìn lại 20 năm Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu - Ảnh 2.

Quá trình tăng vốn điều lệ của Thuduc House. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp).

Tính đến cuối năm 2020, Thuduc House đã hoàn tất triển khai hơn 50 dự án bất động sản gồm các dự án khu đô thị mới, các dự án căn hộ chung cư từ trung bình đến cao cấp, các dự án trung tâm thương mại, cụm chợ đầu mối nông sản, và khách sạn cao cấp.

Một trong những điểm nhấn trong sự nghiệp của ông Hiếu khi còn nắm quyền ở Thuduc House là khánh thành thành công chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một trong ba công trình chợ đầu mối lớn nhất TP HCM, bên cạnh chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Chợ được khởi công vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư 182,4 tỷ đồng với quy mô hơn 20 ha, do Thuduc House làm chủ đầu tư.

20 năm Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu - Ảnh 2.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một trong ba công trình chợ đầu mối lớn nhất TP HCM do Thuduc House làm chủ đầu tư. (Ảnh: Thuduc House).

Đơn vị sở hữu chợ này là CTCP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, từng do Thuduc House nắm 100%. Năm 2018, Thuduc House chuyển nhượng 51% cổ phần tại đơn vị này cho các cán bộ chủ chốt tại Thuduc House và tại Chợ Nông sản Thủ Đức và đến tháng 6/2020, Thuduc House đã chuyển nhượng toàn bộ 49% còn lại và không còn nắm cổ phần nào tại chợ đầu mối này.

Theo công ty, đây là chợ đầu mối nông sản trọng điểm của thành phố, có tính chất kinh doanh đặc thù, cần ưu tiên việc đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, quản lý, do đó, công ty không bán ra bên ngoài mà trên thực tế vẫn nắm quyền chi phối, điều hành quản lý chợ.

Theo báo cáo quản trị của Thuduc House, thời điểm cuối năm 2021, ông Hiếu vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty Chợ Nông sản Thủ Đức này.

Bên cạnh đó, nhắc đến Thuduc House, người ta còn nhớ đến loạt dự án thuộc dòng sản phẩm căn hộ Cantavil (khởi đầu từ năm 2003) với Chung cư Cantavil An Phú, Chung cư Cantavil Premier; dòng sản phẩm căn hộ Thuduc House - Apartment (khởi đầu từ năm 2007) với các dự án Chung cư TDH - Trường Thọ, TDH - Phước Bình, TDH - Phúc Thịnh Đức,... hay dòng sản phẩm S-Home (phân khúc trung bình) (khởi đầu từ năm 2015) với dự án S-Home Phước Long, S-Home Bình Chiểu.

Chung cư Cantavil An Phú và Chung cư Cantavil Premier tại TP Thủ Đức thuộc dòng sản phẩm Cantavil của Thuduc House. (Ảnh: Thuduc House).

Dù mang cái tên gắn liền với TP HCM, song, hoạt động bất động sản của Thuduc House cũng trải dài khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam như Hà Nội, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Long An, Cần Thơ, Bình Dương… với các dự án Long Hội City (Long An), Chung cư cao cấp Green Pearl Hà Nội, Khách sạn La Sapinette Đà Lạt, Khu Nhà ở Golden Hill – Phú Mỹ (Vũng Tàu), Khu Đô thị Nam Cần Thơ….

Năm 2020, Thuduc House từng nhận được danh hiệu Doanh nghiệp TP HCM tiêu biểu do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM trao tặng.

Lùm xùm về thuế khiến công ty chìm trong thua lỗ

Đang trên đà đi lên, lùm xùm nợ thuế gần 400 tỷ đồng cùng thông tin loạt lãnh đạo cấp cao liên quan đến vụ án cố tình chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua xuất khẩu linh kiện điện tử đã khiến công ty liên tục rơi vào khủng hoảng. Ông Hiếu từng nhận định đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt hơn 30 năm hoạt động của công ty.

Sau lùm xùm trên, Thuduc House ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 310 tỷ đồng năm 2020 và buộc phải thực hiện chiến lược thu mình, tái cơ cấu vốn góp tại các công ty con, khiến quy mô tài sản doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2021 bị thu hẹp hơn 70% sau một năm.

Sau ba quý kinh doanh đầu năm 2021, nhờ thanh lý các khoản đầu tư mà Thuduc House có lãi 250 tỷ đồng, vượt lãi mục tiêu năm. Song, khoản nộp phạt thuế gần 258 tỷ đồng trong quý IV đã kéo kết quả kinh doanh cả năm đang có lãi xuống mức lỗ sâu kỷ lục 525 tỷ đồng.

Điểm sáng hiếm hoi trong kết quả kinh doanh năm 2021 của Thuduc House là việc công ty đã đẩy sạch toàn bộ 1.030 tỷ đồng nợ vay tài chính, cả trong ngắn hạn và dài hạn. 

20 năm Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Thuduc House dưới thời ông Lê Chí Hiếu kể từ bắt đầu niêm yết vào năm 2006 đến nay. (Tổng hợp: Hiền Minh).

“Sếu đầu đàn” rời đi, Thuduc House loay hoay với kế hoạch trở lại

Bên cạnh lùm xùm thuế, công ty còn trải qua một cuộc khủng hoảng về nhân sự khi cuối tháng 11 năm ngoái, loạt lãnh đạo cấp cao, đảm nhận chức vụ trong HĐQT và Ban điều hành tại Thuduc House bị bắt tạm giam do liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khiến công ty loay hoay với việc đảm bảo nhân sự trong Ban lãnh đạo.

Ngày 8/2, ông Lê Chí Hiếu từ nhiệm. Ngày 11/2, Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Nhường cũng rời khỏi ban lãnh đạo công ty. Giống như ông Hiếu, ông Nhường tham gia vào công ty từ những năm đầu thành lập và được bầu làm Phó Tổng Giám đốc kể từ tháng 6/2001, cùng thời điểm ông Hiếu trở thành Chủ tịch HĐQT. Hai ông cũng là những nhân sự kỳ cựu cuối cùng trong dàn lãnh đạo công ty.

Sau sự rời đi của các lãnh đạo trên, HĐQT Thuduc House hiện tại đều là những cá nhân vừa gia nhập HĐQT chưa đầy hai tháng, gồm ông Lữ Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT tạm thời, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch kiêm thành viên độc lập và hai thành viên khác là ông Đàm Mạnh Cường (kiêm Tổng Giám đốc) và ông Tạ Chí Cường. 

Ban điều hành của Thuduc House cũng còn lại ba thành viên, bao gồm ông Cường, ông Sơn kể trên và Phó Tổng Giám đốc Lê Chí Thủ Khoa (em ruột ông Lê Chí Hiếu). Cả ba cá nhân này vừa được bổ nhiệm vào tháng 11/2021. 

Cuối năm 2021, công ty từng cho biết đang nghiên cứu ba dự án với số tiền cần để nhận chuyển nhượng mỗi dự án khoảng từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, lớn hơn gấp 2 - 3 lần tổng tài sản doanh nghiệp cuối năm 2021. 

Để giảm bớt áp lực dòng tiền, công ty lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp, qua đó thu về số vốn khoảng 1.440 tỷ đồng. Song số tiền này chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu vốn của Thuduc House, do đó công ty cho biết sẽ huy động thêm từ các nguồn vốn vay, vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.