Nhìn lại một thập kỷ dự án metro Cát Linh – Hà Đông trước giờ G lăn bánh

Theo kế hoạch, vào 7h sáng mai (6/11), dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức về đích sau 10 năm xây dựng, trở thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam được đưa vào vận hành khai thác.
Nhìn lại một thập kỷ dự án metro Cát Linh – Hà Đông trước giờ G lăn bánh - Ảnh 1.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức chở khách từ ngày mai (6/11). (Ảnh: Hạ Vũ).

13 km đường sắt, một thập kỷ thực hiện, kéo dài qua 4 kỳ bộ trưởng

Tuyến đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga trên cao và một khu depot, trong đó hai ga trung chuyển là ga Cát Linh và ga Đại học Quốc gia.

Tổng cộng toàn tuyến có 13 đoàn tàu hoạt động, quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm với tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h.

Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2008, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 11/2013.

Tuy nhiên, tới tháng 10/2011, dự án mới chính thức được khởi công, thời hạn hoàn thành và khai thác thương mại lùi sang năm 2015.

Sau đó, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên liên tiếp lùi tiến độ tới tháng 6/2016.

Đến giữa năm 2016, dự án vẫn chưa hoàn thành xây dựng cơ bản. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu tổng thầu phải hoàn tất xây lắp trước ngày 31/12/2016 để vận hành chính thức công trình vào cuối quý II/2017. Tuy nhiên, sau đó tổng thầu một lần nữa xin lùi đến đầu năm 2018.

Sau nhiều lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đóng điện vào tháng 7/2018, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng và lắp đặt thiết bị. Đoàn tàu chính thức chạy thử liên động vào tháng 9/2018.

Cuối năm 2018, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án hoàn thành cơ bản phần xây lắp, phần công việc còn lại chủ yếu liên quan đến các giấy tờ và thủ tục cho giai đoạn chạy thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn và nghiệm thu.

Do thủ tục dự án chưa đủ cở sở để Bộ Giao thông vận tải cho phép chạy thử, kế hoạch lại lùi tới cuối năm 2019, sau Tết Nguyên đán năm 2020.

Khi các thủ tục đã sẵn sàng để chạy thử toàn hệ thống, dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 khiến các nhân sự của nhà thầu Trung Quốc và đơn vị tư vấn ACT (Pháp) không thể nhập cảnh vào Việt Nam nên phải tới tháng 12/2020, việc chạy thử toàn hệ thống mới diễn ra.

Tàu chạy thử hệ thống đoạn qua hồ Hoàng Cầu và tàu ở ga Yên Nghĩa (Hà Đông) vào tháng 12/2020. (Ảnh: Hạ Vũ).

Đến tháng 4/2021, Tư vấn độc lập ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống kèm 16 nội dung khuyến cáo về an toàn cho dự án. Đây là chứng chỉ quan trọng, cơ sở cho các cơ quan nghiệm thu dự án.

Cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của Bộ Giao thông vận tải, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu trước ngày 10/11, Bộ Giao thông vận tải phải bàn giao cho Hà Nội để đưa vào khai thác.

Như vậy, kể từ khi bắt đầu được phê duyệt đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 kỳ bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, gồm các ông Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ

Trong báo cáo về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành và bàn giao cho tổng thầu từ tháng 5/2015. Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án thường xuyên bị gián đoạn bởi hạ tầng kỹ thuật chưa được di chuyển hết, làm ảnh hưởng đến tiến độ một số hạng mục.

Cùng với đó, dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, bao gồm nhiều chuyên ngành, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục, nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Ngoài ra, quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC.

Dự án sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ nước ngoài, có tính đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên các cơ quan thực hiện phía Việt Nam chưa lường hết yêu cầu về kỹ thuật công nghệ.

Bênh cạnh đó, các đơn vị tư vấn lập, thẩm tra dự án cũng chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng nên phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật.

Một nguyên nhân khách quan khác là do dự án trải qua hai đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao đã ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh. Riêng tổng lạm phát trong giai đoạn thực hiện (2008-2011) lên tới 49,83%.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay cũng đã tác động lớn đế tiến độ thực hiện dự án.

Về phía tổng thầu, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chưa có kinh nghiệm trong triển khai dự án theo hình thức hợp đồng EPC, lần đầu thực hiện dự án tại Việt Nam, dẫn đến công tác quản lý điều hành còn nhiều lúng túng, bất cập, thiếu hợp tác.

Chính thức khai thác từ 6/11, phục vụ hành khách từ 5h30 đến 22h30 hàng ngày

Theo kế hoạch, vào sáng mai (6/11), Bộ Giao thông vận tải sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận đưa vào vận hành khai thác.

Ngay sau đó, vào lúc 7h cùng ngày, các đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức vận hành chở khách thương mại.

Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ hành khách miễn phí, mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày.

Sau thời gian trên, trong 6 tháng tiếp theo, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến. Trong 6 tháng tiếp theo sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến.

Nhìn lại một thập kỷ dự án metro Cát Linh – Hà Đông trước giờ G lăn bánh - Ảnh 3.

Sau 10 năm chờ đợi, người dân Hà Nội sắp có thêm một phương tiện công cộng sức chứa lớn, giá vé từ 7.000 đồng/lượt. (Ảnh: Hạ Vũ).

Khi khai thác thương mại, tuyến sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đội ngũ nhân sự phục vụ vận hành khai thác gồm 651 nhân sự theo thiết kế dự án (gồm 41 lái tàu) và 82 nhân sự bổ sung đã được đào tạo, cấp chứng chỉ nghề.

Các đoàn tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm, sau khi bàn giao, đơn vị khai thác vận hành sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định.

Về giá vé hành khách, mức giá được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm trên máy bán vé.

Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi với mức 7.000 - 15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé trên toàn tuyến. Vé tháng gồm hai loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông (không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng, vé tập thể được giảm...

Về kết nối xe buýt, Giám đốc Metro Hà Nội ông Vũ Hồng Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến.

Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cả 12 ga đều bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy dành cho người dân đi tàu.

Trong quy hoạch của Hà Nội, tương lai tuyến sẽ kết nối với Xuân Mai để tiếp tục phát triển dự án. Đồng thời, đây cũng là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao có tính ưu việt của đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết so với các phương tiện chở khách khác đi từ Cát Linh tới Hà Đông hết 45 phút thì đường sắt đô thị chỉ hơn 20 phút, điều này có ý nghĩa rất lớn cho giao thông đô thị Thủ đô.

Việc đưa dự án vận hành khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, giúp hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả tối đa của dự án cần có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng 315,18 triệu USD) so với ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc (13.867,1 tỷ đồng) và vốn đối ứng trong nước (4.134,4 tỷ đồng).

Lũy kế giá trị giải ngân tính đến tháng 10/2021 là 731,25 trên tổng số 868,04 triệu USD, đạt 84,2%.

Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (trước đây là Cục Đường sắt Việt Nam). Tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án.