Lật lại hồ sơ
Trước những thông tin rất cụ thể đã thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án để bắt giữ toàn bộ băng cướp máu lạnh. Danh sách của từng đối tượng đã được xác lập rất chi tiết từ tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí, tập quán sinh hoạt cũng được các trinh sát điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thực ra, đây là lần thứ 3 mà Bộ Công an thành lập chuyên án để điều tra, bắt giữ băng cướp này. 2 lần trước, các chuyên án đều phải dang dở, 2 đời lãnh đạo Cục C14 (nay là C45) ở phía Nam đã chưa thể lật mặt được những kẻ phạm tội. Đến lần thứ 3, nhiệm vụ vẫn vậy nhưng điều quan trọng nhất là từng kẻ đã được “chỉ mặt, điền tên”.
Hồ sơ điều tra của hai chuyên án dở dang trước đây cũng được lật lại. Theo đó, khi tướng Nguyễn Việt Thành (nhân vật nổi tiếng với chuyên án bắt giữ băng nhóm Năm Cam và đồng bọn) đang giữ chức Phó tổng Cục trưởng tổng cục Cảnh sát, phụ trách địa bàn miền Nam đã thành lập chuyên án 405C do ông làm trưởng ban. Mục tiêu của chuyên án này là điều tra vụ cướp tiệm vàng Thanh Tâm ở Củ Chi xảy ra năm 2001.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành |
Sau này khi tướng Việt Thành được thuyên chuyển sang nhiệm vụ mới thì đã bàn giao nhiệm vụ này cho tướng Phạm Nam Tào, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khắp các tỉnh miền Nam liên tục xảy ra các vụ cướp hết sức manh động nên tướng Nam Tào đã quyết định thành lập chuyên án 207C để làm rõ các vụ việc. Lúc này, danh sách những kẻ nghi vấn cũng đã được dựng lên, tuy nhiên do không đủ thông tin nên công tác điều tra vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Với việc hai chuyên án 405C và 207C đã làm lộ diện các đối tượng nghi vấn, kết hợp với các thông tin được anh Quân trình báo, trung tướng Đỗ Kim Tuyến đã ra quyết định thành lập chuyên án mang bí số 108C nhiệm vụ là điều tra, bắt giữ băng cướp bí ẩn. Danh sách các đối tượng nghi vấn được Ban chuyên án xác định gồm: Lê Anh Kiệt; Huỳnh Văn Tiếm; Phan Văn Tưởng; Nguyễn Văn Nhãn…
Bắt đầu từ khi triển khai chuyên án, theo mệnh lệnh của Trưởng ban chỉ đạo, các lực lượng trinh sát đều theo dõi các đối tượng nghi vấn một cách hết sức sát sao. Việc thực hiện nhiều phương pháp cải trang, biện pháp nghiệp vụ riêng nhưng yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính bí mật tuyệt đối vì chỉ cần lộ ra một thông tin mà các đối tượng nghi vấn nắm được thì chuyên án sẽ có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.
Mật phục theo dõi
Quá trình điều tra đang diễn ra một cách hết sức cẩn thận thì Ban chuyên án nhận được thông tin Kiệt đã liên lạc với Tiếm và Tưởng để cùng bàn kế hoạch sẽ đi cướp một tiệm vàng nào đó trong khoảng thời gian tháng 10/2011. Nguồn tin này được một cơ sở hết sức tin tưởng báo về nên Ban chuyên án đã nhận định giai đoạn nước rút đã tới. Lúc này, toàn bộ hoạt động của các đối tượng nghi vấn đều phải được bám sát từng giây.
Thông tin bí mật cho thấy, Kiệt và Tiếm đã lên sẵn kế hoạch chuẩn bị cướp ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn cụ thể vẫn chưa xác định. Trước đó, Kiệt đã đưa tiền cho Tưởng sang Camphuchia mua hai khẩu súng quân dụng dùng để làm hung khí gây án.
Chân dung đối tượng Lê Anh Kiệt |
Sau này, khi vụ án được làm rõ thì trước mỗi lần ra tay nhóm của Kiệt đều trang bị vũ khí hết sức cẩn thận. Tuy nhiên, sau khi gây án xong chúng đều phi tang các hung khí như súng, gậy sắt, đến lần gây án tiếp theo lại mua mới dù phải bỏ ra số tiền đến vài chục triệu.
Với việc băng cướp chuẩn bị kế hoạch để hoạt động trở lại, các trinh sát trong ban chuyên án 108C ngoài việc theo dõi đối tượng nghi vấn ra còn phải nhanh chóng lên kế hoạch kịp thời ngăn chặn chúng không cho động thủ vì như vậy sẽ gây ra những hậu quả hết sức khôn lường. Sau nhiều giờ mật phục, bám sát mục tiêu, các trinh sát điều tra nắm được thông tin rất có thể vào khoảng từ ngày 7 đến 10/10/2011, nhóm cướp này sẽ ra tay.
Đến lúc này, đích thân Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Phó trưởng ban chuyên án đã từ Hà Nội vào miền Nam đều trực tiếp cùng các trinh sát triển khai công tác điều tra. Cùng với lực lượng Cục C45 ở phía Nam, một đội ngũ đông đảo đã được nhập cuộc với tinh thần quyết tâm và cẩn thận cao độ.
Theo kế hoạch mà Kiệt với Tiếm đã thảo luận với nhau, sau khi quyết định thời gian, địa điểm đặc biệt là “con mồi” sẽ thông báo cho Tưởng và Nhãn nhập cuộc. Bên cạnh đó, hai người khác cũng sẽ được thông báo vào kế hoạch nhưng chưa xác định cụ thể.
Công tác theo dõi, bám sát mục tiêu đến buổi chiều ngày 8/10/2011 thì phát hiện ra điều bất thường tại nhà của đối tượng Kiệt. Bám sát theo Kiệt, buổi sáng và buổi trưa, đối tượng này vẫn sinh hoạt một cách hết sức bình thương, không có biểu hiện nghi vấn.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều bất ngờ phát hiện ra Kiệt đi ra khỏi nhà với dáng vẻ bí ẩn. Đối tượng này đi rất nhanh, không tạt ngang mà đi một mạch như thể đến một điểm hẹn đặt trước nào đó. Cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát xác định được, Kiệt có mang theo súng trong người nên bước đầu nhận định, rất có thể đối tượng này đang đến địa điểm mà đồng bọn đang chờ để đi gây án.
Bám theo Kiệt, các trinh sát đi đến quán café có tên Thu Hồng nằm trên đường Lê Văn Lương. Khi đến Kiệt chỉ có một mình, không có bạn. Lúc này, lãnh đạo ban chuyên án nhận định, rất có thể Kiệt đến trước, chờ đến khi hai đối tượng kia đến rồi sẽ cùng đi gây án. Tuy nhiên, lúc này, hai mũi trinh sát bám theo tên Tiếm và Nhãn cũng đang bám sát mục tiêu. Quá trình quan sát cho thấy, cả hai đối tượng này cũng đều có những biểu hiện hết sức đáng ngờ, dường như chúng đang chuẩn bị thực hiện một việc gì đó…
Buổi chiều hôm 8/10/2011, Sài Gòn mưa rất to, trong nhiều vai mật phục, dù thời tiết không ủng hộ nhưng anh em trinh sát vẫn theo sát từng bước di chuyển của đối tượng. Tuy nhiên, chính vào việc trời mưa như vậy mà Ban chuyên án càng có cơ sở nhận định nhóm cướp sẽ ra tay trong ngày hôm nay…
Bài tới: Bắt gọn băng cướp hung bạo