Đam mê thể thao của lãnh đạo thế giới | |
Những cặp vợ chồng chính trị gia nổi tiếng thế giới |
Nữ thủ tướng Angela Merkel là một "hiện tượng" thú vị trên chính trường Đức. Từ một nhà nghiên cứu vật lý, bà trở thành Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes trong nhiều năm liền. Năm 2016, bà cũng lọt top 3 người ảnh hưởng nhất thế giới, xếp sau sau Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người dân Đức ủng hộ bà Merkel, thường gọi bà là “Mutti” (có nghĩa là “mẹ”) Bà ít khi mặc váy mà thường diện bộ âu phục. “Người đàn bà thép” của nước Đức không bao giờ dùng nước hoa, trang điểm qua loa và ít khi đeo đồ trang sức. Ảnh: Euronews |
Ba tuần sau khi Anh kết thúc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), với kết qủa gây xáo động chính trường và biến động ở thị trường tài chính, bà Theresa May chính thức thay thế ông David Cameron trở thành thủ tướng Anh. “Bà đầm thép thứ 2” của nước Anh được kỳ vọng sẽ chèo lái quốc gia này đối mặt với những thách thức trong giai đoạn hậu Brexit, nhờ vào kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng. Ảnh: RT |
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), là người phụ nữ nổi tiếng nhất Myanmar. Từ một cô gái trầm tính, giản dị, bà Suu Kyi trở thành một phụ nữ tự tin, quyết đoán, một biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động của Myanmar. Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đấu tranh bất bạo động vì dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, bà không thể đến nhận giải do bị quản thúc ở Myanmar và phải chờ tới 21 năm sau đó. Ảnh: mid-day.com |
Dù có vẻ ngoài mềm yếu, bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), được đánh giá là nhà đàm phán kiên định cùng sự hiểu biết sâu rộng. Nữ chính trị gia 60 tuổi chưa kết hôn. Hiện bà sống độc thân cùng hai con mèo rất dễ thương đặt tên là Think Think và Ah Tsai tại một căn hộ chung cư ở Đài Bắc. Bà Thái từng tiết lộ, thần tượng của bà là cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP |
Tổng thống đương nhiệm của Chile, bà Michelle Bachelet, được tạp chí Forbes vào danh sách 100 phụ nữ quyền thế nhất thế giới nhiều năm. Bà đảm nhận cương vị người đứng đầu Chile, một trong những quốc gia giàu có nhất Mỹ La-tinh, trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Từng là một bác sĩ khoa nhi, bà Bachelet đã lãnh đạo một liên minh gồm đảng Xã hội, đảng Xã hội Thiên chúa giáo và đảng Cộng sản. Ảnh: CARICOM |
Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), là gương mặt không xa lạ với nền ngoại giao EU. Bà là chính trị gia của Đảng Dân chủ và nhà khoa học chính trị người Italia. Kể từ ngày 22/ 2/2014, bà là Bộ trưởng Ngoại giao Italia. Từ ngày 30/8/2014, bà được bổ nhiệm là Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU (tương đương Bộ trưởng), trở thành vị chính khách trẻ tuổi nhất đảm nhiệm chức vụ quan trọng này. Ảnh: EPA |
Janet Yellen, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cũng là một trong 10 người phụ nữ quyền lực nhất chính trường thế giới năm 2016 do Forbes bình chọn, bên cạnh những cái tên quen thuộc khác. Bà Janet từng phụ trách Cục Dự trữ ngân hàng San Francisco và chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ảnh: Investopedia |
Tuy đã ở độ tuổi 84, nhưng thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Joan Bader Ginsburg vẫn là một trong những gương mặt nữ quyền lực nhất nước Mỹ. Bà cùng hai nữ thẩm phán khác là những người có sức ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống hành pháp của xứ cờ hoa. Bà Ruth là nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền xuất sắc của nước Mỹ đương đại. Được mệnh danh là biểu tượng nữ quyền của thế giới, hình ảnh của bà từng được Hollywood dựng thành một bộ phim điện ảnh trong năm 2015. Ảnh: MSNBC |
Nữ hoàng Anh Elizabeth II là biểu tượng của quyền lực hoàng gia và là người trị vì lâu nhất lịch sử Vương quốc Anh. Ngày nay, vai trò của Nữ hoàng Anh chủ yếu là mang tính nghi lễ và hầu hết các đặc quyền đã được phân chia cho các bộ trưởng chính phủ. Mặc dù vậy, nữ hoàng vẫn nắm giữ một số quyền lực đặc biệt mà ít người biết đến, trong đó có quyền ký các văn bản pháp quy hay không bị truy tố hình sự. Ảnh: AFP |
Bà Christine Lagarde có tên trong danh sách 20 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Forbes bình chọn năm 2016. Bà là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí giám đốc quản lý của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và cũng từng là bộ trưởng tài chính nữ đầu tiên của một nước G8 khi vẫn còn làm việc cho chính phủ Pháp. Những phụ nữ danh tiếng thế giới như Thủ tướng Đức Merkel, “quý bà Myanmar” Suu Kyi hay Giám đốc IMF Lagarde là đại diện tiêu biểu cho phụ nữ thế giới. Họ đang đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa nam và nữ, chống lại đói nghèo và bất công trên toàn cầu. Ảnh: Reuters |