4.500 tỷ đồng tăng vốn VNCB đang ở đâu?
Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CBBank) cho biết 4.500 tỷ đồng đã nằm trong tài khoản tiền gửi của VNCB tại NHNN trong thời gian từ ngày 14/2 đến ngày 26/7/2014 (thời điểm khởi tố vụ án).
Dòng tiền 4.500 tỷ đồng đi vào tài khoản Sở giao dịch NHNN từ ngày 14/2 đến ngày 29/4 (cụ thể ngày 14/2 chuyển 1.500 tỷ đồng, ngày 17/2 chuyển 1.000 tỷ đồng, ngày 29/4/ chuyển 2.000 tỷ đồng).
Đại diện CBBank cũng xác nhận toàn bộ số tiền 4.500 tỷ đồng được VNCB sử dụng, không phải cá nhân bị cáo Phạm Công Danh hay đồng phạm sử dụng. Đại diện tổ giám định NHNN cũng nói không có tài liệu khẳng định 4.500 tỷ đồng được sử dụng cho VNCB hay Phạm Công Danh và đồng phạm.
Bị cáo Phạm Công Danh
Trong khi đó, đại diện điều tra viên vụ án - bà Tăng Thị Nga xác định trong 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh và đồng phạm rút từ BIDV chuyển về VNCB thì có 4.000 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ. Trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cơ quan điều tra đã truy nguyên được dòng tiền.
Cơ quan điều tra cũng đã làm việc với VNCB và xác định số tiền đã hòa chung vào dòng tiền thời điểm đó, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Theo điều tra viên, số tiền này chỉ có thể khắc phục được khi nó còn ở VNCB nhưng dòng tiền đã hòa chung, không còn ở VNCB nên không thể thu hồi được.
Với các diễn biến trên, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét, giảm trừ số tiền này khỏi số tiền xác định thiệt hại 6.126 tỷ đồng của vụ án. Nếu được giảm trừ, thiệt hại vụ án chỉ còn 1.626 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, sau khi lập khống hồ sơ rút 4.500 tỷ đồng từ BIDV, Phạm Công Danh đã chuyển 4.000 tỷ đồng về tài khoản VNCB để thực hiện tăng vốn điều lệ. 500 tỷ đồng khác, Phạm Công Danh và đồng phạm lấy từ 200 tỷ đồng trong gói tín dụng vay từ TPBank, 300 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác.
CBBank đòi 3 ngân hàng bồi thường 6.126 tỷ đồng
Đại diện Ngân hàng Xây dựng (nay là CBBank) có xác định theo cáo trạng, số tiền thiệt hại là 6.126 tỷ đồng tại ba ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Do đó CBBank đề nghị HĐXX buộc 3 ngân hàng này hoàn trả 6.126 tỷ đồng thiệt hại nêu trên. Các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho CBBank trong tổng số tiền trên theo sai phạm của từng cá nhân sau khi HĐXX xem xét.
Luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của Sacombank hỏi đại diện CBBank dựa trên căn cứ nào để tính toán thiệt hại. Đại diện CBBank trả lời theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra tính toán các thiệt hại nêu trên.
Trong khi đó, đại diện TPBank nêu quan điểm Phạm Công Danh thực hiện hành vi sai phạm, làm thất thoát tài sản tại VNCB thì cá nhân Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm. Toàn bộ tiền vay từ TPBank đã được sử dụng với các mục đích như tăng vốn VNCB, trả lãi ngoài cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh... và các mục đích khác.
Sau vụ việc, TPBank không bị thiệt hại mà thiệt hại thuộc về VNCB. Nếu HĐXX phán quyết VNCB bị thiệt hại thì đề nghị HĐXX xem xét thu hồi các nguồn tiền được Phạm Công Danh chuyển sử dụng.