Những doanh nghiệp nào đang chuẩn bị cho “cuộc đua” BĐS công nghiệp năm 2021?

Trong khi nhiều phân khúc của BĐS đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì BĐS công nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng của ngành.

Các "ông lớn" của BĐS công nghiệp

Những doanh nghiệp nào đang chuẩn bị cho “cuộc đua” BĐS công nghiệp năm 2021?  - Ảnh 1.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex, mã: BCM) được biết là một anh lớn của khu công nghiệp Bình Dương với giá trị sở hữu nhiều khu đất công nghiệp đắt giá.

Thông tin từ Nhịp cầu Đầu tư, Becamex sở hữu hơn 10.400 hecta đất kinh doanh khu công nghiệp, chiếm 11,4% trong tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam.

Với 2 ngành chủ lực là phát triển bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị, trong những năm qua hai hoạt động này đã đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn dầu về phát triển khu công nghiệp, khu đô thị.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, bên cạnh cho thuê các diện tích đất còn lại, Công ty sẽ tập trung thu hút các tập đoàn lớn, sở hữu công nghệ sản xuất tiên tiến, có sức lan tỏa cao vào khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng có diện tích lên đến 3.200ha.

Becamex cũng đã đầu tư dự án Khu công nghiệp Cây Trường, thuộc xã Cây Trường, tỉnh Bình Dương với diện tích quy hoạch 700 hecta, dự kiến đưa vào khai thác năm 2021.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP

Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với tính chất hàng hóa và dịch vụ đặc thù là đất và nhà xưởng cũng đang kĩ càng chuẩn bị để chạy đua vào năm 2021.

Theo báo Đầu tư, KBC đang quản lý quỹ đất với quy mô 5.278 ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 5,5% tổng số diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và gần 938,6 ha cho phát triển khu đô thị, dân cư, trong đó, gần 2.500 ha thuộc sở hữu trực tiếp của KBC và các công ty con.

KBC có khả năng thu hút FDI vào các khu công nghiệp bởi được các nhà đầu tư đánh giá cao ở năng lực hỗ trợ khách hàng từ khâu khảo sát đầu tư tới cấp phép và trong suốt quá trình hoạt động.

Cụ thể hơn 80% khách hàng trong khu công nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc).

Tổng công ty IDICO - CTCP

IDICO (Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) được thành lập năm 1994 thuộc Bộ Xây dựng, là một trong những doanh nghiệp lớn về khu công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển 10 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích 3.270 ha, tập trung chủ yếu tại miền Nam.

IDC có sẵn gần 500 ha cho thuê KCN và dự tính phát triển thêm gần 400 ha nữa trong năm 2021 ở Long An và Thái Bình.

Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức

Theo Tạp chí Nhà Đầu tư, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức là đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) – doanh nghiệp tiên phong và dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Quỹ đất của Sonadezi Châu Đức khá lớn. Có thể kể đến như khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức có quy mô 2.287 ha, được quy hoạch gắn kết giữa khu công nghiệp và khu đô thị thương mại, bao gồm: khu công nghiệp (1.556 ha) và khu đô thị Châu Đức kết hợp sân golf tiêu chuẩn quốc tế 36 lỗ (689 ha).

Hàng loạt tập đoàn mở rộng sang BĐS công nghiệp

Những doanh nghiệp nào đang chuẩn bị cho “cuộc đua” BĐS công nghiệp năm 2021?  - Ảnh 2.

(Ảnh: Thanh Niên).

Theo thông tin từ Kinh tế Môi trường, Covestcons – Doanh nghiệp do Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) sở hữu 100% vốn đã mua 24,4 triệu cổ phiếu IDC Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đầu tư xây dựng các dự án phát triển công nghiệp.

Đầu năm 2020, Vingroup đã lấn sân bất động sản khu công nghiệp bằng việc gia nhập với CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ). Hai dự án đầu tiên sẽ được phát triển tại Hải Phòng trong năm 2021 là KCN Nam Tràng Cát (200 ha) và KCN Thủy Nguyên (319 ha).

Cuối tháng 3/2020, Tổng công ty Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát (thuộc Tập đoàn thép Hoà Phát - HPG) đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận để thực hiện dự án đầu tư Khu công nghiệp Bãi Sậy.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) từ 2021 - 2025, công ty sẽ triển khai 9 dự án khu công nghiệp với tổng quỹ đất gia tăng gần 4.000 ha tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.

Nhiều công ty khác cũng phát triển dự án phát triển khu công nghiệp như Phát Đạt (PDR), DRH Holdings (DRH)…

Liệu sẽ có "làn sóng" đầu tư BĐS công nghiệp năm 2021?

Những công ty phát triển BĐS tại Việt Nam đang có sự chuẩn bị kĩ càng trong phân khúc BĐS công nghiệp, sẵn sàng đón đầu và nắm bắt cơ hội khi các nhà đầu tư ngoại tiến vào năm tới.

Theo báo cáo ngành cập nhật của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 369 khu công nghiệp (KCN) được thành lập.

Cụ thể, tổng diện tích 113.300 ha, diện tích thương phẩm 73.600 ha. Trong đó, KCN đang hoạt động là 280 khu, tổng diện tích 82.800 ha, diện tích thương phẩm 56.600 ha; tỷ lệ lấp đầy 70,1%. Còn 89 KCN đang xây dựng, tổng diện tích 30.500 ha, diện tích thương phẩm 16.300 ha.

Báo cáo này cũng chỉ ra nhiều triển vọng cho các công ty đầu tư vào BĐS công nghiệp.

Cụ thể với IDICO, khu công nghiệp Hựu Thạnh là động lực phát triển trọng tâm trong thời gian tới, SCZ với quỹ đất thương phẩm lớn hơn 759 ha cũng sẽ hưởng lợi nhiều từ việc cho thuê, quỹ đất chuyển sang khu công nghiệp của GVR có nhiều lợi thế nhất định. 

Cùng với các nhà đầu tư trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài như Apple, Microsoft, Google, Panasonic...cũng đang có những kỳ vọng lớn khi dịch chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam trong năm 2021.

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.