Những đứa trẻ không có Tết trung thu ở Sài Gòn

Giữa phố đông người, những đứa trẻ gương mặt thơ ngây vẫn vội vã chen chân vào dòng người để mời chào khách mua. Gánh nặng mưu sinh khiến các em không còn biết đến Tết trung thu dù đang rộn ràng khắp Sài Gòn.
nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Bé Thuý Quân (6 tuổi) bán vé số mưu sinh giữa dòng đời trong đêm Trung thu.

Đêm Trung thu, khi mọi con đường, ngõ hẻm của Sài Gòn đèn sao đã rực rỡ, tiếng trống lân, trống ếch đã rộn ràng. Chúng tôi lần theo những con phố để tìm sự yên bình của một ngày rộn rã thì vô tình bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ bất hạnh đang “trôi dạt” trong đêm, một cái Tết mà tất cả thiếu nhi trên cả nước đang nô nức đón nhận tình yêu thương, sự chở che của gia đình thì vẫn còn đó những mảnh đời cơ nhỡ, lạc lõng giữa màn đêm bao phủ.

Dạo quanh các con phố, bên cạnh những đứa trẻ đang được bố mẹ đưa đi phá cỗ đêm trăng với những món quà, chiếc đèn lồng đủ màu sắc bắt mắt thì còn không ít những gương mặt trẻ thơ phải vất vả mưu sinh kiếm sống. Trên tay không có một chiếc đèn ông sao, không bánh nướng, bánh dẻo, mà thay vào đó là những xấp vé số, những rổ đậu phộng nặng trĩu nỗi lo âu về cơm áo gạo tiền.

Thuý Kim (12 tuổi, quê Sóc Trăng) ngồi lặng lẽ bên góc đường Châu Văn Liêm – Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM) với xấp vé số trên tay. Cứ mỗi lần dòng người qua lại dừng chờ đèn đỏ, cô bé lại nhanh nhảu chạy đến từng người mời chào mua vé số.

Trò chuyện với cô bé, chúng tôi được biết Kim sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 7 anh chị em. Gia đình Kim dắt díu nhau từ quê Sóc Trăng lên Sài Gòn kiếm sống qua ngày.

nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Ngoài giờ đi học, Kim phải bán vé số phụ ba mẹ nuôi các anh chị em và thuốc thang.

Mẹ của Kim vốn bị bệnh hiểm nghèo nên không làm được việc nặng, hằng ngày chỉ đi bán vé số. Bảy chị em Kim ban ngày đi học ở một lớp học tình thương, chiều tối lại xuống đường đi bán vé số phụ mẹ tiền thuốc thang. Đang dở câu chuyện, cô bé bỗng nhiên khựng lại khi thấy bên kia đường, có một bé gái trạc tuổi em gái Kim đang nhõng nhẽo ba mẹ mua bánh và lồng đèn để đi phá cỗ đêm trăng. Ánh mắt em đượm buồn, miệng lẩm bẩm “con nhà giàu sướng thiệt chú ha? được ba mẹ chiều chuộng chăm sóc, muốn mua gì cũng có”.

nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Cô bé ngồi lặng lẽ ở góc đường Châu Văn Liêm, thi thoảng đưa mắt nhìn những đứa trẻ được bố mẹ sắm sửa đầy đủ quà bánh để đi phá cỗ Trung thu.

Cách đó không xa, bên kia góc đường Hồng Bàng - Châu Văn Liêm là 2 người em gái của Kim tên Thuý Lệ (11 tuổi) và Thuý Quân (6 tuổi). Cũng giống như chị gái mình, sau giờ đến lớp, Lệ và Quân cũng phải xuống phố bán vé số phụ ba mẹ.

Nhỏ tuổi hơn chị gái mình nên hai cô bé vẫn còn khá ngây ngô, nô đùa cùng nhau. Hai cô bé mắt cứ dán vào những chiếc bánh trung thu được trưng trong tủ kính của cửa hiệu. “Tụi con thích được ăn bánh trung thu ở thành phố, từ bé đến giờ chưa một lần con được nếm thử, con nghe nói bánh trung thu ở đây ngon lắm!”. Khi chúng tôi hỏi về ước mơ của các em, Thuý Lệ và Thuý Quân nói chỉ ước làm sao cho mẹ em được hết bệnh, gia đình em không phải khó khăn như bây giờ và tụi em được vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác.

nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Khi được hỏi về ước mơ, ánh mắt của những đứa trẻ nghèo lại hướng lên bầu trời nhìn những ánh sao trên trời cao như cầu nguyện một điều kì diệu nào đó.

Chia tay với những em nhỏ mưu sinh ở trung tâm thành phố, chúng tôi hướng về “xóm ngụ cư”, nơi những đứa trẻ là con của đội ngũ thợ hồ công trình ở Khu đô thị Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức). Những người sống ở đây đều là dân tứ xứ, làm công nhân cho các công trình xây dựng ở khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Để bám trụ nơi này, họ dựng tạm những ngôi nhà lá thiếu trước hụt sau để làm chỗ che mưa che nắng. Vốn là những người lao động tự do, không đăng kí hộ khẩu nên những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh vì thế các em cũng chẳng đủ điều kiện để được đến trường.

nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Lồng đèn, bánh dẻo phá cỗ đêm Trung thu là điều quá xa xỉ của những đứa trẻ ở "xóm ngụ cư".

Vì sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, không được học hành. Nhưng đám trẻ đã hiểu được và lo toan trước trước tuổi.

Trên tay xấp vé số cùng rổ đậu phộng cắp bên hông, Bin(14 tuổi), được nhóm trẻ bán vé số, nhặt ve chai gọi là anh hai cho biết. Hàng ngày, “đội quân” vé số này phải dậy từ rất sớm để làm việc. Để bán được nhiều thì cả nhóm phải đi hết các quán cà phê, quán ăn ở khắp làng Đại học và sau đó dọc quốc lộ 1A ra Xa Lộ Hà Nội, tính ra mỗi ngày các em phải đi bộ 1 quãng đường lên đến hàng chục cây số.

Với số tiền ít ỏi kiếm được từ việc đi bán vé số và đậu phộng thì chuyện có được chiếc bánh để “phá cỗ” trong đêm Trung thu với các em chỉ là ước mơ quá xa xỉ.

nhung dua tre khong co tet trung thu o sai gon
Trên tay những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi này là \\những xấp vé số, rổ đậu phộng “nặng trĩu” cơm áo.

“Con hôm qua bị mẹ đánh vì đòi được mua bánh Trung thu. Năm ngoái, vào giờ này tụi con được các anh chị sinh viên đến cho quà và dẫn đi xem múa lân, vui lắm. Năm nay, không biết các anh chị ấy có bận học hay còn phải đi chỗ khác nữa mà không thấy ghé đến cho tụi con quà”, Bin nói.

Những bước chân lầm lũi bước trong đêm, trên dọc hành trình của mình, “đội quân” vé số thỉnh thoảng dừng chân, chúng nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa đang nhảy múa tung tăng vời những chiếc đèn lồng mới tinh với ánh mắt thèm khát. Nhưng trên tay chúng vẫn còn đó những xấp vé số, rổ đậu phộng “nặng trĩu” cơm áo nên chúng đành bước tiếp.

Đêm về khuya, cả thành phố chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại những quán nhậu lai rai đêm khuya. Lũ trẻ “xóm ngụ cư” lại í ới gọi nhau trở về, khép lại đằng sau những lời xua đuổi, chua chát của nhiều người. Chúng trở về với nụ cười khi đã bán hết vé số và đậu trong rổ. Lúc này thì tiếng trống lân trống ếch cũng đã chìm sâu vào đêm vắng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.