Nhiều diện tích hồ tiêu bị chết hàng loạt. Ảnh: Trang Anh |
Những ngày đầu năm mới, người dân tại thủ phủ hồ tiêu Gia Lai như ngồi trên đống lửa bởi cây trồng gắn bó với người nông dân nhiều năm nay, giờ đã chết trắng. Những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đang mất ăn mất ngủ tìm giống cây trồng thay thế.
Ông Hồ Hiếu (49 tuổi, trú tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) với gương mặt hốc hác, buồn rầu chia sẻ, vào năm 2000 gia đình ông bán hết toàn bộ vườn tược để từ Huế vào Gia Lai sinh sống và lập nghiệp. Cũng nhờ trồng tiêu nên kinh tế của gia đình ông dần ổn định, sau đó ông mua đất xây dựng được căn nhà lấy chỗ che mưa che nắng cho các thành viên trong gia đình.
Nhận thấy tiêu mang lại hiệu quả cao, gia đình ông bắt đầu mở rộng diện tích lên 1.500 trụ tiêu. Tuy nhiên, tiêu sống chẳng được bao lâu mà bắt đầu vàng lá rồi chết dần.
“Hiện tại, gia đình tôi chỉ còn khoảng 400 trụ tiêu, nhưng cây cũng đã xuất hiện dấu hiệu vàng, rụng lá. Giờ đây, gia đình đang nợ hơn 300 triệu đồng với tiền lãi vẫn phải trả hàng tháng nhưng không có thu nhập, chúng tôi giờ không biết phải làm sao”, ông Hiếu nghẹn ngào nói.
Người dân như ngồi trên đống lửa khi thấy tiêu chết trắng. Ảnh: Trang Anh |
Tương tự, ông Đặng Bá Binh (58 tuổi, trú tại thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho hay, vì cuộc sống ở quê nhà Bình Định khó khăn nên gia đình ông chuyển lên Gia Lai sinh sống.
Khi lên đây, gia đình ông sống nhờ vào cây sắn, ngô…Tuy nhiên, sau một thời gian thấy bà con rủ nhau trồng tiêu để phát triển kinh tế nên gia đình ông cũng bỏ ngang trồng cây lương thực để trồng tiêu.
Với 4 sào đất, gia đình ông trồng khoảng 600 trụ tiêu. Những năm đầu tiêu phát triển tốt, sau khi trừ chi phí gia đình ông cũng thu nhập hơn 300 triệu đồng. Tích góp rồi vay mượn thêm, ông xây nhà để ổn định cuộc sống gia đình. Tuy nhiên nhà vừa xây xong cũng là lúc vườn tiêu của gia đình ông đổ bệnh, chết trắng.
“Tiền nợ ngân hàng, nợ ngoài cộng thêm tiền lãi khiến gia đình tôi chạy vạy khắp nơi cũng không đủ. Con gái tôi năm nay lên lớp 10 cũng phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình không thể lo nổi nữa.
Gia đình tôi lại vay mượn thêm để trồng tiêu, nhưng tiêu phát triển chậm, không biết sau này chết nữa không. Nhưng không trồng tiêu gia đình tôi không biết trồng cây gì nữa”, ông Binh đưa ánh mắt về phía xa nói.
Tiêu vàng úa và chết dần khiến người dân không khỏi xót xa. Ảnh: Trang Anh |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Long Khánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là 2.800 ha. Tuy nhiên, những năm qua do thời tiết thay đổi nên dịch bệnh xuất hiện khiến nhiều ha hồ tiêu bị chết trắng.
Theo ông Khánh, đơn vị đang tiến hành xây dựng dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng sang bơ, sầu riêng…, khuyến cáo nông dân luân chuyển cây trồng từ 2-3 năm đợi diệt hết mầm bệnh trong đất trước khi trồng lại vườn tiêu mới.
Những gốc tiêu đang tươi tốt bỗng đổ bênh, vàng úa rồi chết. Ảnh: Trang Anh |
Còn ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư sê cho biết, việc tiêu chết hàng loạt như những năm qua là do rất nhiều nguyên nhân như thời tiết, dịch bệnh, nắng hạn...
Theo ông Hợp, nếu người dân muốn trồng tiếp tiêu cần luân canh các cây trồng ngắn ngày để diệt mầm bệnh và cải tạo đất trước, sau đó thâm canh, xen canh các loại cây che bóng. Bên cạnh đó sử dụng các công nghệ tưới nước nhỏ giọt để giảm công lao động lại tiết kiệm được nguồn nước, đặc biệt không nên đổ xô trồng một số loại cây mới như cây nghệ, gừng... Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có chuyển đổi một số cây trồng chủ lực như cà phê (8.000 ha), cao su (8.000 ha).
Phó trưởng Phòng Kinh tế khai khống hơn 9,5 tỷ đồng
Cách chức Phó trưởng Phòng Kinh tế - Giám đốc Ban Quản lý khu tiểu thủ công nghiệp TP Buôn Ma Thuột do khai khống ... |
Khách phát hiện giòi trong thùng sữa mới mua, TH Truemilk xác định lỗi khâu vận chuyển
Sau khi khách hàng phản ánh sữa của TH True Milk hư hỏng, có sinh vật lạ, bên phía công ty đã có thông tin ... |