Theo thông báo từ Bộ Công an, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh - cựu TGĐ PVC đã đầu thú. Tuy nhiên, trước đó, trong khoảng thời gian 10 tháng khi ông này trốn ở nước ngoài, không ít lần các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã khẳng định phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bắt bằng được"
Ngày 6/12/2016, VnExpress đã đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tại đây, một cử tri khi nói về việc ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, từng là lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ) bỏ trốn ra nước ngoài đã đặt câu hỏi về vấn đề quản lý như thế nào mà để “con voi chui qua lỗ kim".
Giải đáp ý kiến cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng, lợi ích nhóm là vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà "nước nào, giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng có", nhiều nước mất chính quyền cũng vì tham nhũng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cử tri xã Cổ Loa, Hà Nội. (Ảnh: Võ Hải/VNE) |
"Đảng rất quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đây là cuộc chiến đấu cam go, nhưng không thể không làm”, Tổng bí thư nhấn mạnh và thông tin, cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh. Việt Nam sẽ phối hợp với các nước và “tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu, chúng ta làm theo luật pháp quốc tế và phải có thời gian".
Liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, ngày 17/4/2017, báo Vietnamnet đưa tin: Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng để thảo luận, cho ý kiến các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, yêu cầu tích cực điều tra, khởi tố 11 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC. Trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả 2 tội.
Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”.
Chủ tịch nước: "Dù anh có trốn 5-7 năm vẫn không thoát khỏi pháp luật"
Trước đó, ngày 4/10/2016, theo báo Thanh Niên, tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, 3, 4 (TP.HCM), liên quan đến việc phòng chống tham nhũng mà cử tri đặt ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, không dễ gì mà phát hiện được. Cho nên việc đưa các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng truy tố ra pháp luật là công việc hết sức gian nan cần sự phối hợp, quyết tâm của nhiều cơ quan.
Liên quan đến một số việc cụ thể mà cử tri đề cập như vụ Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát tài sản nhà nước, hay vụ bổ nhiệm cán bộ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan đã vào cuộc đồng bộ, làm tích cực. Cần làm rõ sai sót này thuộc về cá nhân, tổ chức nào, nếu bình thường sẽ rút kinh nghiệm, còn nếu nghiêm trọng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ngoài cùng bên trái) trao đổi với cử tri (Ảnh: Đào Ngọc Thạch/TNO) |
Riêng về vụ làm thất thoát tài sản hàng ngàn tỉ đồng ở PVC, Chủ tịch nước cho biết cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng và đang truy nã trong nước, quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. Về vấn đề này, các cơ quan điều tra đã vào cuộc rất tích cực và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư.
“Chúng ta kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Tôi nghĩ rằng dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa thì sớm muộn đối tượng tham nhũng, vi phạm cũng bị đưa ra ánh sáng và bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Trước đây có một số đối tượng trốn tới 5-6 năm nhưng vẫn không thể thoát được. Cơ quan điều tra cũng bắt được và đưa ra truy tố, xét xử, ví dự như vụ Dương Chí Dũng. Nói điều này, tôi muốn nói dù anh có trốn 5-7 năm vẫn không thoát khỏi pháp luật”, Chủ tịch nước khẳng định.
Trịnh Xuân Thanh đã tiến tới vị trí Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang như thế nào? Sau khi rời Bộ Công thương dưới hình thức luân chuyển cán bộ, Trịnh Xuân Thanh - cựu TGĐ PVC giữ chức Phó Chủ tịch ... |