Những rủi ro cần biết khi tham gia chơi hụi

Có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm.

Chúng tôi muốn mở công ty hoạt động kinh doanh về hụi thì cần những gì? Về vốn tối thiểu là bao nhiêu? Thuế thì đóng thuế môn bài hay thuế thu nhập doanh nghiệp? Những rủi ro pháp lý khi tham gia hụi?

Độc giả: Vũ Phượng

Ảnh minh họa.

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Bộ luật dân sự 2005 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:

Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Theo quy định trên thì hụi là một hình thức hoạt động, giao dịch về tài sản của một nhóm người với nhau tuỳ theo thoả thuận của họ. Xét mối quan hệ hụi họ, bản chất của việc chơi hụi là một hình thưc để dành dụm của cải, một loại giao dịch dân sự dưới dạng hợp đồng. Đây là sự tổ chức dây chuyền, tập trung vận động được nhiều người tham gia đóng góp việc vay và cho vay của nhau, thể hiện đầy đủ đặc điểm của một hợp đồng vay tài sản. Do đó, nếu các bạn muốn chơi hụi với nhau thì chỉ cần có hợp đồng thỏa thuận, không cần phải thành lập doanh nghiệp.

Mặt khác, hiện nay theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, không có ngành nghề kinh doanh là kinh doanh hụi do đó nếu bạn muốn thành lập doanh nghiệp với mục đích là cho vay thì đó có thể là dịch vụ cầm đồ hoặc cho vay tài chính. Hiện nay pháp luật không qui định vốn pháp định khi thực hiện hoạt động kinh doanh về dịch vụ cầm đồ, đối với dịch vụ cho vay tiền dưới hình thức là công ty cho thuê tài chính thì vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.

Như đã phân tích ở trên, đối với hoạt động chơi hụi là giao dịch dân sự của 01 nhóm người với nhau do đó sẽ không phát sinh nghĩa vụ thuế.

Nếu bạn kinh doanh dịch vụ cầm đồ hay công ty cho thuê tài chính thì có nghĩa vụ đóng thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, một trong những nghĩa vụ của chủ hụi hay người được ủy quyền cầm giữ tiền hụi là “giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi”.

Do vậy, nếu những người này vi phạm nghĩa vụ thì phải có trách nhiệm “giao các phần hụi đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có. Ngoài ra, chủ hụi cũng phải trả lãi nếu giao chậm (mức lãi này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản của ngân hàng).

Trong trường hợp, người cầm tiền đã cầm toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn, ngoài trách nhiệm pháp lý mà người đó phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, đối với những thành viên tham gia hụi, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh hụi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh hụi theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở hụi; phần không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.

Những rủi ro pháp lý đối với cá nhân tham gia hụi

Trước hết, có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm.

Dây hụi thực chất là một vòng tròn mắc xích, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích bị đứt (không đóng tiền hụi) thì sợi dây xích sẽ bị đứt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người chưa hốt hụi. Ràng buộc đến trách nhiệm của người chủ hụi (hay còn gọi là bể hụi)

Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức mà những người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi, thật giả lẫn lộn.

Không loại trừ khả năng người chủ hụi, vì mục đích xấu, đã làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi. Chẳng hạn có 10 người chơi thì nói là 20 người, số tiền đóng là 10 triệu/tháng thì nói là 20 triệu/tháng, giấy tờ sổ sách không rõ ràng, sau khi thu tiền, thay vì giao cho người hốt hụi trong tháng thì thực sự… không có ai cả. Sau khi gom tiền được vài tháng, chủ hụi sẽ biến mất.

Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo hoặc nhẹ dạ, chủ quan của chính mình. Mà việc giải quyết tranh chấp thì không hề đơn giản, giấy tờ chứng cứ mơ hồ do không có giấy tờ chứng minh việc giao nhận tiền hụi.

Vì vậy, chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Và cần lưu ý những điểm sau:

- Chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà to cửa rộng, vàng vòng phô trương, quan hệ rộng… Mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ hụi.

- Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu? Nguồn thu nhập như thế nào? Phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Có không ít trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng hụi nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi hụi khác.

- Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp. Tóm lại, là như một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi.

- Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.