Gần đây, giới thạo tin V-pop kháo nhau chuyện một “ông trùm” làng giải trí đang để ý đến nhóm Ngọt, một ban nhạc nổi tiếng ở địa hạt indie Hà Nội, dạo này đang gây chú ý trong Nam. “Hợp đồng nghe nói cũng lớn và ông bầu này quyết tâm đưa nhóm này lên vị trí số 1”, nguồn tin chắc nịch.
“Ngã ngửa” với Indie Việt
“Ông trùm” đó không ai khác ngoài Quang Huy, Giám đốc Công ty WePro, nơi từng cho ra lò những hợp đồng âm nhạc bom tấn với Ưng Hoàng Phúc, H.A.T hay Sơn Tùng M-TP. Nổi tiếng với những quyết định làm thay đổi cả thị trường âm nhạc phổ thông nên chuyện Quang Huy đụng tay xuống thị trường nhạc ngầm (underground) đương nhiên gây chú ý.
“Chẳng phải vậy đâu”, Quang Huy vừa cười vừa bộc bạch, “nhiều người hỏi tôi chuyện đó nhưng kỳ thực tôi chưa làm gì cả. Chỉ có điều duy nhất đúng: nhóm này chơi nhạc hay quá, tôi chỉ biết họ mới đây, nghe xong mà cứ ngã ngửa. Indie Việt bây giờ là một thế giới lạ lùng, những nhóm nhạc như Ngọt thật sự đang mang đến sự mới mẻ, cái họ thiếu chính là một thị trường thật sự”.
Nói về thị trường thì ông bầu này nổi tiếng với những bản hợp đồng khuấy động cùng quan điểm có tài mà không bán được sản phẩm thì vô nghĩa. Vì thế, để kéo Sơn Tùng M-TP về với mình vào năm 2014, Quang Huy chỉ “mồi” một câu đơn giản: “Về với anh, em sẽ là số 1”, và sau đó, gần như Sơn Tùng M-TP “đong” cả thị trường nhạc trẻ suốt nhiều năm trời. “Sơn Tùng là một tài năng, nếu tôi không gắn với cậu ấy thì phí quá”.
“Phí quá!” là cụm từ cảm thán đã trở nên lạc điệu ở cộng đồng indie. Bởi từ nhiều năm nay, thị trường chính thống (mainstream) chẳng còn nhiều khe hở cho những nghệ sĩ indie tài năng lách vào, ngoài Sơn Tùng M-TP hay Soobin Hoàng Sơn. Nghe riết thành quen, rất nhiều tài năng bị “phí quá” mà vẫn cứ phải loay hoay tìm hướng sáng.
Sơn Tùng xuất thân từ underground, thừa trải nghiệm để cảm sự khát khao khi trồi lên “up-ground” lớn như thế nào. Đó là cảm giác được thừa nhận, được sống với nghề một cách chuyên nghiệp, được tận cùng với âm nhạc mà không phải suy nghĩ những thứ ngoài đam mê…
Nhóm nhạc Ngọt cũng vậy. Đã gần 5 năm nay, kể từ khi chính thức ra mắt ở Hà Nội vào năm 2013, nhóm nhạc này vẫn được xếp ở chiếu dưới thị trường chính thống, dù tài năng của họ có thể nhìn từ những show diễn tại Hà Nội chưa bao giờ dưới 3.000 người.
Đó là một con số kinh khủng nếu chiếu vào thị trường biểu diễn của địa hạt chính thống, V-pop nguội dần vài năm gần đây, nếu không gắn thêm mác tài trợ hay event thương hiệu núp bóng.
Cả bốn chàng trai nhóm Ngọt đang đại diện cho một “thế lực” ở tầng ngầm chờ cơ hội trồi lên ánh sáng. Âm nhạc của họ đầy ắp tươi mới, tìm tòi, phá cách. Ở đó, những sáng tác mang đậm tính cá nhân được đề cao. Nó khác hẳn với mô-típ sáng tác thường thấy với quan điểm “bài hát này sẽ đại diện cho rất nhiều người”. Ở Ngọt hay những nhóm indie khác, họ không đại diện cho ai ngoài chính mình. Như ở bài Em dạo này, là một câu chuyện rất cá nhân “Em dạo này có đi xa cuối tuần/Em dạo này có gặp Vy và Xuân?” được lồng ghép tài tình trong điệu valse vui tươi kèm tiếng guitar jazz ngúng nguẩy để kết bằng câu hát “Dạo này em có đi trà đá Hồ Gươm?”. Tính “cá nhân” ấy năm ngoái đã đưa Em dạo này của Ngọt trở thành một trong những bài hát được yêu thích nhất.
Hình ảnh trong bài hát một khi đã khu biệt trong phạm vi hẹp thì khi đã thích nó, sẽ khó rời.
Cả một cộng đồng đông đảo người nghe đang rất yêu thích những sáng tác như vậy. Chẳng hạn như những sáng tác của nhóm Gỗ Lim, đã rất “ăn” thị trường khi họ nói về keo dính chuột, về người đàn bà làm đầu hay chuyện xếp hàng thẳng lối… Chính những tư duy qua lăng kính ấy lại nhận được sự đồng cảm.
“Các bạn đứng nghiêm của nhóm Gỗ Lim là một bài hát rất nghệ thuật, độc đáo và khá hiếm nhạc sĩ sáng tác thể loại âm nhạc này tại Việt Nam. Nó nói về những điều như văn hóa xếp hàng, về những lề lối, áp đặt của con người trong cuộc sống... Với tôi, đây là bài hát có ca từ và tinh thần xuất sắc nhất hiện giờ trong số các bài hát đương đại. Ca khúc thể hiện được nhiều điều với tính ẩn dụ rất cao”, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng chia sẻ.
Nhạc sĩ Đức Trí nhận định, năm 2017 chứng kiến một sự thay đổi đậm nét giữa chuyện nghe gì và xem gì. Càng ngày hành vi nghe nhạc của công chúng trẻ càng chuyển hướng xuống dưới, ở indie hơn là địa hạt giải trí bên trên.
Bởi vấn đề của nhạc Việt hiện giờ là bề nổi đang thiếu hẳn một diện mạo riêng. Âm nhạc na ná nhau, thời trang từa tựa nhau, xuất hiện tại những event cùng một phong cách, cùng chung những sở thích về phát ngôn bản thân, gia đình và xã hội…
Có nền âm nhạc chuyên nghiệp nào phát triển thật sự từ một khuôn đúc?
Những nghệ sĩ indie dường như đứng ngoài mọi dòng chảy âm nhạc “phía trên”, họ cũng không can dự vào những cuộc chiến boléro, cũ - mới mà âm thầm thông tiếp nhánh chảy riêng. Ở đó, chẳng hạn như trang nghe nhạc trực tuyến SoundCloud - bản doanh của indie Việt, rất nhiều sáng tác mới được trình làng, rất nhiều tiếng vỗ tay số ngân vang như một sự khích lệ đam mê. Khích lệ thôi, bởi những tiếng vỗ tay ấy không mang lại doanh thu, vốn đang chảy mạnh ở phía trên.
Những Ngọt, Cá Hồi Hoang, Thái Vũ, Trang… đang là điểm đến của người nghe nhạc trực tuyến, nhưng họ vẫn phải loay hoay với những dự kiến cuộc đời.
Thái Vũ là một ví dụ. Tháng 7/2017, đêm nhạc của chàng ca sĩ/sáng tác indie này cháy vé ở nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), phải tổ chức thêm một đêm bonus với dòng người xếp hàng dài qua hai dãy phố để chờ mua vé.
Ít ai biết những sáng tác của chàng trai sinh năm 1995 này được thai nghén trong bốn bức tường ký túc, nơi mà chỉ cần nghe tiếng gảy đàn là bị kỷ luật. Vậy mà những Phút ban đầu, Thằng Nam khóc, Đông kiếm em, Lạ lùng… được “lén lút” ra đời và gây chú ý.
Với kha khá sáng tác mới, Vũ đang định vị mình là một chàng indie có màu riêng, cá tính và rất được hâm mộ. Nhưng để trồi lên mainstream lại là vấn đề của quản lý, ê-kíp, độ rung thị trường và cả may mắn.
Đến với âm nhạc đã khó khăn và để lăn lộn cùng nó là một chuyện không đơn giản. Ngày mà ca khúc Phút ban đầu được mua độc quyền vài triệu đồng đã làm anh mất ngủ. Kể thêm, cũng thời điểm ấy, có cặp nghệ sĩ âm nhạc mainstream đã ký hợp đồng chụp quảng cáo vài shot hình áo cưới, thu về hơn 20.000 USD. Cái gì thuộc về thị trường sẽ để thị trường quyết định, ai cũng hiểu điều ấy, nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn mong rằng dòng chảy ấy nếu được nắn lại, sẽ tạo thêm được nhiều giá trị.
Một nhà văn đã nói rằng: “Ở thời sấp ngửa câu view này, chúng ta đã moi sạch và bị moi sạch vốn cảm xúc thực của mình, để rồi bơm trở lại và được bơm trở lại những cảm xúc pha chế”.
Nhạc phổ thông Việt đang ngồn ngộn view pha chế với sắc diện của một chiếc mặt nạ tươi cười nhưng… bất động. Còn điều gì đang diễn ra đằng sau cái mặt nạ thì đó là câu hỏi bị bỏ ngỏ. Bởi khi sự hào nhoáng của thị trường âm nhạc tăng lên, sự kiên nhẫn sẽ giảm đi. Chúng ta thường nói về một sự lâu bền của thị trường âm nhạc nhưng tâm lý lại cực kỳ ngắn hạn bởi những manh mún, ăn xổi, thiếu định hướng và cả việc thiếu những cá nhân tạo xu hướng. Hay V-pop đang tự cho rằng đã miễn nhiễm thì không cần phải chích ngừa?
Không hẳn, nhưng cánh cửa cho câu hỏi này vừa được hé mở.
“Đã đến lúc rồi”
Đó là câu nói của nhạc sĩ Thanh Bùi, người đứng đằng sau Soul, ngôi trường đang ươm mầm những tài năng âm nhạc. Anh cũng là người sáng lập Soul Live Project, nơi đang tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc có chất lượng. Chính tại đây, Thanh Bùi đã chứng kiến đêm diễn của Ngọt cháy sạch vé chỉ sau ba ngày công bố diễn tại Sài Gòn hay đêm nhạc của Cá Hồi Hoang đã không còn một chỗ đứng.
“Đã đến lúc chúng ta phải tạo ra cơ hội cho những nghệ sĩ triển vọng như Ngọt, Cá Hồi Hoang có đất trình diễn và phát triển”, Thanh Bùi khẳng định.
Nhạc sĩ này cũng nhấn mạnh: “Tôi sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ các bạn trẻ tài năng - những nhóm nhạc indie, nhằm tạo nên những cộng đồng mạnh để có thể phát triển tư duy về việc thưởng thức âm nhạc của mọi người. Mình có thể bắt đầu bán từ 700 vé, 1.000 vé, 5.000 vé, 10.000 vé… Âm nhạc là phải mua, phải thưởng thức một cách văn minh. Mọi người cần phải bắt đầu có trách nhiệm với thị trường âm nhạc, không thể tiếp tục để chất xám của nghệ sĩ Việt Nam bị bán rẻ nữa, vì âm nhạc chính là một phần văn hóa của chúng ta”.
Ai nói chứ thầy giáo/nhạc sĩ/ca sĩ/nhà sản xuất âm nhạc Thanh Bùi lên tiếng thì có thể tin được. Sáu năm trước, khi mở Soul, ai cũng nghĩ anh chơi nổi. Nhưng giờ đây, học viện âm nhạc này có hơn 700 học viên mỗi khóa và quan điểm dạy nhạc của ông thầy này cũng rất rạch ròi: “Không phải là làm âm nhạc nổi tiếng hơn mà là âm nhạc đem đến cho con người mình điều gì. Vậy thì phải đi đường xa, mà muốn xa thì phải thật đam mê”.
Trước đó, Thanh Bùi cũng rất đam mê nhưng như anh nói là… sai hướng. Thị trường nhạc Việt đã “quật” cho chàng nhạc sĩ này nhiều trải nghiệm ra trò bởi những đố kỵ trong nghề, đến nỗi có lúc anh định bỏ tất cả để về Úc tiếp tục sự nghiệp âm nhạc xa xứ.
Và rồi một hôm, khi đang ngồi trên taxi và loay hoay suy nghĩ xem thị trường này đang thiếu cái gì, bỗng dưng Thanh Bùi tự trả lời, “nó thiếu tâm hồn” (soul). Ngay sau đó, về đến nhà anh đã viết chữ “soul” ra giấy. Trường Soul ra đời từ lúc ấy và cũng từ ấy, Thanh Bùi biết chắc mình sẽ ở lại Việt Nam.
“Tôi không theo thị trường và những cái tôi đang làm bây giờ hy vọng là tạo nên thị trường. Tôi muốn định hướng cho thị trường vì đã đến lúc rồi. Những nghệ sĩ indie Việt cần phải được nhận sự tôn trọng nhiều hơn ở thị trường chính thống”, Thanh Bùi đúc kết.
Nhạc sĩ Đức Trí cũng hy vọng như vậy, dù như anh nói “tôi chưa có nhiều niềm tin”.
Niềm tin ở đây được đúc kết bằng tuổi nghề hơn 30 năm của anh và anh hiểu thị trường nhạc Việt vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều nghệ sĩ vẫn phải âm thầm trong bóng tối để chờ ánh sáng chiếu vào.
Vở nhạc kịch Tiên Nga mới đây là một câu trả lời của Đức Trí khi cho rằng sản phẩm tốt có đại chúng hay không. Vé cháy liên tục. Bản thân anh, người làm nhạc cho vở này, cũng phải vất vả lắm mới tìm được đôi ba vé mời gia đình đi xem.
“Tôi vẫn luôn tin rằng khi mình làm những điều tử tế thì công chúng sẽ không quay lưng. Bởi dự án này chúng tôi đã thai nghén nhiều năm trời, đã sống với nó, chắt chiu với nó thì chắc chắn khán giả sẽ hiểu và ủng hộ”, nhạc sĩ Đức Trí nói.
Vậy một sản phẩm chắt chiu nhiều năm thai nghén, mất gần nửa năm cặm cụi sáng tác, có đem đến thu nhập bằng ngồi ghế giám khảo truyền hình vài đêm? Anh chọn cái nào? “Tất nhiên tôi chọn vế đầu. Tôi thích sự cặm cụi, thích ở trong khoảng không yên tĩnh để sáng tác. Vài năm nay, tôi ra ngoài và ngồi ghế giám khảo không hẳn vì chuyện tiền nong, bởi tôi biết, nếu những người như tôi không ngồi thì những tài năng nhạc Việt sẽ rất thiệt thòi”.
Nhạc sĩ Đức Trí nghe rất nhiều, nhất là nhạc của cộng đồng indie vài năm gần đây và anh luôn cảm thấy có lỗi khi những gương mặt ấy không trở thành đại chúng. “Những Ngọt, Cá hồi hoang, Trang… khiến tôi luôn bất ngờ. Rồi cả những thí sinh trong các chương trình như Sing My Song, Ban Nhạc Việt đã làm tôi sửng sốt. Họ trẻ và đầy tài năng. Cái thiếu là họ không có sân chơi công bằng cho mình và việc tôi ngồi đó có ý nghĩa khích lệ và hun đúc họ. Nhiều khán giả đã nhắn tin cho tôi rằng không ngờ nghệ sĩ trẻ nhiều người giỏi thế. Tôi tin họ sẽ còn gây bất ngờ nhiều nữa”.
Âm nhạc phổ thông Việt giống như đang ở ngã tư, chỉ đi khi đèn xanh và dừng khi đèn đỏ. Nhưng giờ đang là tín hiệu đèn vàng, không biết nên đi hay dừng lại.
Bất cứ khi nào bạn chứng kiến một nền công nghiệp âm nhạc thành công, thì hãy biết rằng có những ai đó đã can đảm đưa ra những quyết định sống còn. Hãy nhìn K-pop, nhìn thêm thị trường indie của Anh, Mỹ, nơi sự sáng tạo, tính kỷ luật, sự đào thải khắc nghiệt được xem như vấn đề sống còn mang tính quyết định của mỗi cá nhân thì sẽ thấy V-pop đề cao mức an toàn đến trống rỗng thế nào. Đáng tiếc nữa, V-pop chưa bao giờ cho thấy đó là một thị trường thích hợp để nung nấu và xúc tiến sự sáng tạo lẫn trưởng thành.
Và các nghệ sĩ indie Việt, khi nào họ sẽ ra ánh sáng như quán tính của vinh quang?
Chỉ sợ rằng sự huy hoàng phút chốc không phải là vĩnh cửu.
Cung Tuy