Ninh Thuận: Chờ ý kiến Thủ tướng về dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối do tư nhân đầu tư

Bộ Công thương vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Trung Nam — Thuận Nam kết hợp Trạm biến áp (TBA) 500kV và các đường dây đấu nối tại tỉnh Ninh Thuận vào Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Dự án phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện trạng lưới điện truyền tải trên địa bàn khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng khoảng 800MW, trong khi hiện nay có khoảng 1.180MW dự án điện gió, ĐMT đưa vào vận hành làm quá tải lưới điện 110KW nên phải tiến hành giảm phát để tránh quá tải.

Việc giảm áp gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư và nguồn thu của địa phương, theo đó UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo Thủ tướng thực hiện cơ chế đầu tư Dự án nhà máy ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải điện trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây đấu nối do công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất.

Theo Bộ Công Thương, Dự án phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai Dự án góp phần đáp ứng cam kết của Chính phủ đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

dien mat troi trung nam

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận. (Ảnh: TNG)

Việc đầu tư Nhà máy ĐMT Trung Nam — Thuận Nam kết hợp TBA 500 kV và các đường dây đấu nối cơ bản phù hợp với chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước như Nghị quyết số 115/NQ- CP.

Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong quý IV/2020, trong đó tiến độ thi công TBA 33/220/500 kV và các đường dây đầu nối sẽ được tập trung thi công đảm bảo hoàn thành đóng điện trước quý IV/2020.

Đồng thời đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo chủ trương của Chính phủ chấp thuận cho Ninh Thuận phát triển đến công suất 2.000 MW đến năm 2020.

Bộ Công thương cũng nhận định việc bổ sung Dự án trong giai đoạn hiện nay góp phần bổ sung nguồn cho hệ thống, giảm nguy cơ thiếu điện miền Nam, giải quyết vấn đề quá tải hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

"Đây là phương án của Nhà đầu tư và UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo phương án này, Nhà đầu tư thay EVNNPT thực hiện đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân (15,5 km) là một phần của Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân. Tại Văn bản số 3947/EVN-KH ngày 26 tháng 7 năm 2019 của EVN, EVN có ý kiến đồng thuận, kiến nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận Công ty Trung Nam đầu tư các công trình lưới điện theo đề xuất của Nhà đầu tư", văn bản nêu rõ.

Chưa có tiền lệ về việc đầu tư bàn giao với chi phí 0 đồng

Phía Trung Nam cam kết sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản , đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng).

Theo Bộ Công thương, trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lí vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và EVNNPT.

pho thu tuong dien mat troi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận trong chuyến làm việc với tỉnh Ninh Thuận hồi tháng 10/2019. (Ảnh: TNG)

Nếu Nhà đầu tư thực hiện phần hạ tầng truyền tải đúng tiến độ cam kết vào năm 2020 thì TBA Thuận Nam vận hành sớm 4 năm, đường dây 500 kV Thuận Nam - TBA 500 kV Nhiệt điện Vĩnh Tân vận hành sớm 2 năm so với tiến độ được duyệt, vừa tiết kiệm chi phí cho ngành điện vừa kịp thời giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.

"Đối với trường hợp đề xuất của Nhà đầu tư là chưa có tiền lệ, tuy nhiên, Nhà đầu tư cam kết bàn giao 0 đồng hạ tầng truyền tải sau khi đầu tư nên đánh giá hiệu quả, lợi ích chung thì phương án đầu tư này là chấp nhận được và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát huy nguồn lực kinh tế - xã hội tham gia thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải", Bộ Công thương cho biết.

Nhiều nhà đầu tư ĐMT và điện gió tại Ninh Thuận cho rằng, về cơ bản họ rất ủng hộ chủ trương trên. Tuy nhiên cần làm rõ, trong tổng công suất đầu tư thì Trung Nam được dùng bao nhiêu, còn bao nhiêu % là công suất chia sẻ cho các nhà máy khác, phương án huy động, chia sẻ vốn đầu tư với các nhà máy khác được tính toán như thế nào để đảm bảo việc đầu tư cũng như chia sẻ công suất được công bằng và hiệu quả.

Ngoài ra, mặc dù Công ty Trung Nam đã có các cam kết tại về tiến độ đưa vào vận hành TBA 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam — Nhiệt điện Vĩnh Tân, tuy nhiên, trường hợp Công ty Trung Nam không hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải đúng tiến độ cam kết, làm chậm tiến độ đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân theo qui định hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 đã kết.

Trong trường hợp này, EVN phải trả cho Nhà đầu tư NMNĐ BOT Vân Phong 1 các chỉ phí theo PPA đã kết mà vì không do lỗi của EVN. Vì vậy, trường hợp giao Công ty Trung Nam thực hiện đầu tư hạ tầng truyền tải, cần ràng buộc trách nhiệm của Công ty.

Để Nhà đầu tư lường trước các vấn đề rủi ro có thể xảy ra, xác định được hiệu quả của Dự án và đảm bảo thực hiện theo các cam kết, theo ý kiến Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cần có ý kiến chính thức về giá điện áp dụng cho Dự án.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam — Thuận Nam kết hợp Trạm biến áp 500 kV và các đường dây đấu nối tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư.

dien mat troi

Trung Nam được xem là nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió lớn nhất tại Ninh Thuận. (Ảnh: Khải An)

Dự án có công suất 450 MW, diện tích sử dụng đât để xây dựng nhà máy ĐMT Thuận Nam khoảng 553,7 ha, dự kiên hoàn thành đưa vào vận hành trong quý IV/2020.

Phương án đấu nối xây dựng Trạm biến áp (BA) 33/220/500 kV Nhà máy ĐMT Trung Nam — Thuận Nam với quy mô công suất 3x200MVA. Giai đoạn năm 2020 lắp trước 02 máy biến áp (MBA) 900MVA vận hành đồng bộ với nhà máy, 01 MBA dự phòng cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực trong tương lai.

Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép từ TBA 500 kV Nhà máy ĐMT Trung Nam — Thuận Nam về TBA 500 kV Vĩnh Tân, dài khoảng 15,5 km.

Xây dựng 04 mạch đường dây 220kV từ TBA 500 kV Nhà máy ĐMT Trung Nam — Thuận Nam rẽ nhánh lên trục đường dây 220kV Tháp Chàm — Vĩnh Tân, dài khoảng 1 km. Đầu tư mở rộng 02 ngăn lộ 500 kV tại TBA 500 kV Vĩnh Tân.

Tổng mức đầu tư: khoảng 11.814 tỉ đồng. Trong đó: Nhà máy ĐMT Trung Nam — Thuận Nam khoảng 9.493 tỉ đông; Trạm biến áp và các đường dây đấu nối khoảng 2.321 tỉ đồng. Nguồn vốn: tỉ lệ vốn tự có 30%, vốn vay 70%.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.