Những vất vả, áp lực trong nghề khiến không ít giáo viên mầm non bỏ nghề, không nhận nhiệm sở. |
Nỗi niềm cô giáo mầm non (P1): Xoay như chong chóng! |
Bỏ nghề đi... bán cơm
Học chuyên ngành giáo dục mầm non, cô T. T có thời gian 2 năm dạy một trường mầm non tư thục trên địa bàn Q. Tân Phú. Nói về quãng thời gian ngắn gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ, cô cho biết: “Sau khi ra trường, vì không xin được vào mầm non công lập nên nộp đơn vào tư thục và được nhận làm. Công việc đòi hỏi phải đi từ sáng sớm đến tối mịt, cộng thêm hàng loạt việc không tên như lau dọn phòng học, vệ sinh cho các bé, phụ huynh gây áp lực, hiệu trưởng khắt khe nên luôn căng thẳng, mệt mỏi”.
Cũng theo T, người yêu cô thấy bạn gái vất vả nên bàn cho T nghỉ việc, đứng ra kinh doanh riêng. “Tôi quyết định bỏ nghề và mở quán cơm kinh doanh vì cũng tính đến chuyện đám cưới, gia đình nội ngoại xa hai bên nên sau này có thể linh động thời gian chăm con. Nhiều người nói lấy vợ giáo viên có thời gian cho gia đình nhưng tôi thấy đi từ sáng đến tối, mình hay con ốm cũng không nghỉ được thì làm gì có thời gian”, T chia sẻ.
T cũng không ngần ngại cho biết doanh thu quán cơm hơn hẳn lương giáo viên và cô có nhiều thời gian cũng như không còn bị áp lực như trước. Hỏi T có nhớ nghề không, cô gái trẻ chia sẻ: “Có chứ! Nhưng tùy mỗi người mà chọn điều kiện thích hợp cho mình thôi”.
Hà Linh, cô giáo dạy một trường mầm non chuyên biệt cũng chia sẻ về công việc của mình. Những giáo viên mầm non chuyên biệt như Linh phải chăm sóc trẻ đặc biệt, trẻ bị tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, tăng động, chậm phát triển... Mỗi bé sẽ có một giáo án riêng và cô giáo phải chăm vất vả hơn các bé bình thường khác rất nhiều.
“Tuy nhiên, phụ huynh nhiều người không đồng cảm, thấy con tiến bộ chậm là trách giáo viên, quy kết giáo viên, các bé cũng khó nên bạn bè em nhiều người chuyển sang xin vào các trường dạy trẻ bình thường khác hoặc chuyển nghề cho đỡ vất vả”, Linh cho biết.
Theo tìm hiểu, phần đông giáo viên mầm non bỏ nghề vì công việc vất vả, mất nhiều thời gian và luôn chịu áp lực từ nhiều phía nhưng đồng lương chưa tương xứng.
Hiện, thành phố đang thiếu giáo viên mầm non, nhất là giáo viên trẻ. |
Thường xuyên thiếu giáo viên mầm non
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa qua, thành phố hiện có hơn 1.100 trường mầm non với 335.000 học sinh và hơn 22.000 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay, dù đã gần kết thúc học kỳ I năm học 2016-2017, TP HCM vẫn thiếu 781 giáo viên mầm non. Tại các trường mầm non còn có tình trạng giáo viên sau khi trúng tuyển không nhận nhiệm sở hoặc công tác một thời gian rồi bỏ việc.
Thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy trong khoảng thời gian 3 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND TP về hỗ trợ giáo dục mầm non, vẫn có 144 giáo viên mới tuyển dụng đã nghỉ việc, bỏ việc.
Cô Nguyễn Thị Vân - giáo viên trường mầm non Lan Anh (Q.3) cho biết con số thống kê trên với giáo viên mầm non không có gì lạ bởi quá nhiều áp lực khiến nhiều bạn trẻ ái ngại khi chọn công việc này để yêu và gắn bó. Hay một số người quá kỳ vọng vào nghề nên đã bỏ nghề sau một thời gian ngắn.
Từ kinh nghiệm bản thân, cô Vân tâm sự: “Đôi khi, nếu không vững tinh thần thì chắc cũng khó mà gắn bó được với nghề dù rằng rất yêu trẻ”. Theo cô, không nói đến những áp lực từ công việc, sự phối hợp của phụ huynh là điều khiến nhiều cô nuôi dạy trẻ mệt mỏi.
“Cô muốn dạy bé tự lập, tự cất quần áo vào giỏ. Bé gấp chưa gọn, chiều về phụ huynh mở cặp con ra thấy vậy đã mắng cô sao không gấp cho bé? Bé bị sổ mũi, cô bận chưa kịp lau cho con, phụ huynh cũng ý kiến. Đã có phụ huynh đòi hỏi cô làm hết cho con, đến khi vào lớp 1, bé không dám đi vệ sinh vì không có ai lau rửa, lúc này cũng quay lại trách ngược cô rằng vì cô!”, cô Vân kể.
Chính bởi những điều trên đã làm giáo viên chán nản, không đủ yêu nghề, gắn bó được lâu với nghề bên cạnh hàng loạt các vấn đề khác như: lương thấp, tính chất công việc vất vả...
Chuyên viên Phòng Giáo dục Q. Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn quận. Theo bà, tổng số giáo viên mầm non ở quận là 530 giáo viên nhưng riêng năm học 2016 – 2017, phòng thống kê danh sách có 14 giáo viên bỏ nhiệm sở.
Bà Thu Trang cho biết: “Công việc chăm sóc trẻ vất vả, những người bỏ nhiệm sở đa phần là giáo viên trẻ, họ thấy làm ở các trung tâm nhiều lựa chọn hơn, thoải mái hơn, khối lượng sổ sách không nhiều, công việc cũng đỡ hơn nên bỏ nhiệm sở”.
Theo báo cáo của HĐND TP HCM, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 01, TP có 13.375 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng mức hỗ trợ 25% tiền lương/tháng; hơn 1.000 cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp giảng dạy nhóm trẻ 6-18 tháng tuổi nhận hỗ trợ thêm 35% lương/tháng. Riêng với GVMN mới ra trường được tuyển dụng, chế độ hỗ trợ lương thực hiện theo lộ trình: năm đầu hỗ trợ 100% lương cho 451 GV; năm thứ 2 hỗ trợ 70% lương cho 445 GV, 100% lương cho 461 GV; năm thứ 3 hỗ trợ 50% lương cho 442 GV và 453 GV nhận hỗ trợ 70% lương. |
(còn nữa)