11h trưa, giờ này đáng lẽ Hồng Như (nhân viên thiết kế) đang ở công ty cặm cụi làm việc thì cô phải chịu đựng tiếng hát phát ra từ karaoke của nhà hàng xóm.
Đi ra rồi lại đi vô, đóng cửa rồi mở cửa. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, hàng xóm vẫn không ngừng hát và Như vẫn không biết chương trình văn nghệ bất đắc dĩ kia bao giờ mới kết thúc.
15 ngày cách li xã hội. Như nghĩ đến rồi chợt thở dài.
Không riêng gì Hồng Như, Hạnh Tâm (30 tuổi, nhân viên sale) cũng cùng chung cảnh ngộ.
Khu phố cô ở là một con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Bốn ngày công ty cho mọi người "work frome home" - WFH (làm việc tại nhà) là 4 ngày Tâm phải thưởng thức màn karaoke xuyên trưa, thâu đêm của hàng xóm.
Mà không chỉ một nhà, có đến 2 nhà cùng chung đam mê. "Mình có cảm giác như đang chứng kiến màn song đấu vậy. Nhà này hát nhà kia hát, không tập trung làm việc được", Tâm than thở.
Khánh Linh (34 tuổi, nhân viên hành chính) chịu đựng nỗi khổ khác từ chính bản thân cô. Ở nhà làm việc, chiếc giường trở nên cám dỗ Linh khi cô không phải di chuyển đoạn đường hơn 4 km đến văn phòng và điểm danh cho kịp giờ làm việc.
Mọi thứ thay đổi từ lúc Linh ngồi vào chiếc bàn trong căn phòng 20 m2 để đọc bản kế hoạch. Cứ ngồi hơn 30 phút, Linh bứt rứt, nghịch điện thoại rồi ngã mình vào chiếc giường. Linh thừa nhận bản thân rất khó tập trung khi ở nhà.
"Mình vốn quen với môi trường công sở cả chục năm nay, chưa bao giờ kì nghỉ Tết lại kéo dài đến như vậy nên thật sự đây là khoảng thời gian khó khăn để mình thay đổi thói quen", Linh bày tỏ.
Đối với nhiều ông bố, bà mẹ, việc vừa trông con vừa đảm bảo công việc trong thời gian này là một thử thách không nhỏ. Ảnh: Duy Hiệu.
Không chán nản hay buồn ngủ như Linh, anh Nguyễn Minh Diệu (38 tuổi, Phó trưởng phòng pháp chế) lại bị xao nhãng, khó tập trung bởi các thành viên trong gia đình.
Thay vì đều đặn mỗi ngày, vợ chồng anh Diệu mất 45 phút để đưa 2 con trai đến trường thì đã mấy tháng nay, 2 đứa con được nhà trường cho nghỉ ở nhà phòng tránh dịch Covid-19. Vậy là Diệu tiết kiệm được nhiều thời gian để bắt đầu công việc sớm hơn.
Thế nhưng bù lại, việc quán xuyến 2 cậu con trai nhỏ cũng đủ khiến đôi vợ chồng tất bật cả buổi sáng. Khi vợ dọn dẹp nấu nướng thì anh phải trông 2 đứa con, hầu như khoảng thời gian tĩnh để cho anh tập trung công việc rất ít.
"Tôi chưa chuẩn bị để làm việc tại nhà cho đến khi mọi thứ diễn ra trước mắt. Nhưng biết sao giờ, đặt vào hoàn cảnh thì mình phải cô gắng thích nghi thôi", anh Diệu cười xòa.
Trò chuyện với Khánh Linh, cô gái này chợt nhắc đến một đoạn trong tác phẩm Mùa Lạc của Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
Quả thật đoạn văn này phù hợp với hoàn cảnh của nhiều người trong những ngày bao trùm bởi dịch bệnh này, "phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới".
Để tập cho bản thân bớt chán nản, buồn ngủ khi ngồi vào bàn làm việc, Linh cố gắng sửa soạn và sắp đặt mọi thứ giống với khi cô ở công ty. Thay vì mặc một bộ đồ pijama nhàm chán, Linh mặc trang phục tươm tất để trông mình xinh đẹp dù không ra khỏi nhà, cắm một bình hoa thạch thảo yêu thích, khởi động vài động tác thể dục nhẹ nhàng rồi mới ngồi vào bàn làm việc. Nhờ vậy, "cơn buồn ngủ" ít ghé thăm cô gái này hơn.
Còn với Hồng Như và Hạnh Tâm, tiếng karaoke của hàng xóm dù khó chịu, bức bối nhưng họ cũng không còn nơi nào để trốn tránh trong 15 ngày cách li này.
Như thì chịu đựng, cắm headphone thay thế cho tiếng nhạc hàng xóm rồi làm việc. Còn Tâm, cô chọn cách góp ý với nhà ở cạnh hát âm lượng vừa đủ nghe và đóng bớt cửa lại để không quá ảnh hưởng đến cô và những người xung quanh.
"Thật ra họ cũng vẫn hát và mình hiểu là ở nhà những ngày này chán quán thì biết làm gì hơn. Nên thôi, khó chịu, bực bội cũng đành chịu chớ cũng đâu thể làm gì khác. Những ngày này, chịu đựng tiếng karaoke và tập thích nghi còn hơn là dương tính", Hạnh Tâm vừa cười vừa nói.
Còn với những người phải vừa trông con vừa làm việc như anh Diệu, anh chịu khó dậy sớm hơn thường lệ và đi ngủ muộn hơn, tranh thủ lúc con của anh ngủ để làm những việc còn dở dang.
Thời gian ban ngày, anh và vợ thống nhất, san sẻ công việc nhà để chia thời gian có thể vừa làm việc, vừa có người chơi cùng con. Lúc nào mà kẹt quá thì hai vợ chồng lại cho các con xem tivi.
"Ở nhà nhiều cùng con đúng là cũng vất vả. Nhưng cứ nghĩ tích cực là hiếm khi nào mới có thời gian rảnh cực chẳng đã này để gần gũi các con hơn. Công vệ khó khăn, trì trệ là tình trạng chung chứ cũng không riêng gì mình nên chịu khó vậy", anh Diệu nói.
Trần Nhật Vũ (31 tuổi, nhân viên truyền thông) thì đối mặt với sự thay đổi thói quen của đại bộ phận người yêu thể thao. Những ngày đi làm, Vũ đều dành 4-5 buổi một tuần để gym ở phòng tập. Anh duy trì việc tập luyện cũng được 2 năm nay.
Cách li xã hội, đóng cửa các cơ sở kinh doanh nên phòng gym của Vũ cũng không ngoại lệ. Nhưng cơ thể của anh thì không thể nào chờ đợi 15 ngày cách li và không biết có kéo dài hơn không. Vậy nên Vũ mua tạ, thảm và một vài dụng cụ cơ bản, nhỏ gọn về tập tại gia.
Dù không thể nào được như phòng tập nhưng mà Vũ quan trọng bản thân có tập luyện để không bị ì sau thời gian cách li.
Hai tuần cách li, hạn chế ra khỏi nhà và buộc phải thay đổi nhiều thói quen là thời gian khó khăn đối với nhiều người. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19 thì mỗi người đều cùng thay đổi thói quen để "sống khác".