Nới room tín dụng, thị trường bất động sản có được hưởng lợi?

Đại diện một ngân hàng cho biết, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chu vay bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế.

Hôm 7/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông báo về kết quả điều hành tín dụng và định hướng những tháng cuối năm. Theo đó, căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức này. 

Những ngày qua, thông tin các ngân hàng nới room tín dụng đã thu hút sự quan tâm lớn của những tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường bất động. Nhiều nhà đầu tư hy vọng cơn khát vốn của thị trường thời gian qua sẽ được giải toả.

Tuy nhiên, mới đây, trao đổi với TTXVN, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, việc cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục hạn chế.

Cụ thể, theo vị lãnh đạo Sacombank, ngân hàng này vừa được cấp thêm room tín dụng 4%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.

Đáng chú ý, bà Diễm nhấn mạnh, room tín dụng được cấp thêm sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Thêm nữa, bà Diễm nhận định một số ngân hàng hiện rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, khan vốn nên phải cân đối tốt được dòng vốn mới có thể cho vay ra. Tại Sacombank, tuy thanh khoản dồi dào nhưng tốc độ tăng trưởng huy động và tín dụng sẽ được kiểm soát chặt và chia ra cho 4 tháng cuối năm để đảm bảo tăng trưởng theo đúng mục tiêu.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chủ trương hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên để phục hồi nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…  Đối với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là lĩnh vực thuộc nhóm tiềm ẩn rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu.

Từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã có các động thái cụ thể liên quan đến việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực này. Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phân khúc bất động sản tại các địa phương có dấu hiệu chững lại, thanh khoản thấp, nguồn cung hạn chế trong thời gian vừa qua.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.