Nóng chuyện tăng phí, mất tiền

Giải pháp để giảm phí sử dụng thẻ ngân hàng là các bộ, ban, ngành cần có sự phối hợp để tăng đơn vị chấp nhận thẻ, đặc biệt là áp dụng đối với các dịch vụ công

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 132 triệu thẻ ngân hàng (NH), gấp 1,4 lần so với dân số. Tuy nhiên, các chủ thẻ đang phải gánh quá nhiều loại phí và mức phí còn cao. Thông tin được đưa ra tại diễn đàn Toàn cảnh NH 2018: hướng tới phát triển bền vững do NH Nhà nước (NHNN) phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ở Hà Nội sáng 8-5.

Tăng phí hợp với lộ trình (?!)

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ NH Việt Nam, Phó Tổng giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khẳng định Thông tư 35/2012 của NHNN cho phép các NH được thu phí ATM nội mạng kể từ tháng 3-2013 với lộ trình áp dụng tối đa là 1.000 đồng/giao dịch rút tiền. Sau đó, tăng dần lên 2.000 đồng và từ năm 2015 trở đi tăng lên 3.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, phần lớn các NH vẫn đang áp dụng mức thu 1.000 đồng/giao dịch, chỉ có một số đang tiến đến mức trần theo lộ trình cho phép. "Hội là nơi bảo vệ quyền lợi của các NH thành viên nên chúng tôi đang cân nhắc rất nhiều về mức phí hiện nay vẫn còn thấp so với khung quy định" - ông Tuấn nói.

nong chuyen tang phi mat tien
Ngân hàng liên tục tăng các loại phí gần đây khiến người dùng bức xúc Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính NH Nguyễn Thị Mùi đặt câu hỏi: "Khách hàng nói NH tận thu phí dịch vụ, dẫn đến phí chồng phí, ông Tuấn lại nói tăng phí là thỏa đáng nhưng mức thu bao nhiêu mới là vấn đề? Các NH cũng nói thu phí như vậy là quá thấp, để hòa vốn đầu tư một cây ATM có thể phải thu 7.000 đồng/giao dịch và luôn có xu hướng tăng. Vậy làm thế nào để có mức phí thẻ hợp lý, hài lòng cho cả 2 bên. Có phải cứ đầu tư cho ATM bao nhiêu thì phải phân bổ hết cho người sử dụng bấy nhiêu không?".

Ông Tuấn cho rằng mức 7.000 đồng/giao dịch là đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, tiếp quỹ… duy trì một ATM trong nhiều năm. Trong thực tế, có máy ATM đã vận hành được 16 năm, với lượng rút tiền mặt nhiều như ở Việt Nam thì việc xuống cấp là không tránh khỏi, dẫn đến chất lượng có thể đi xuống so với các nước khác và chi phí vận hành cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được đưa ra để tham chiếu, không phải để xác định phải thu cao bằng chi phí vận hành. Bởi trong thực tế, tăng phí cũng không thể đủ bù lỗ hoạt động đầu tư máy ATM.

Cũng theo ông Tuấn, các nước đã không dùng tiền mặt thành thói quen nên phí thấp. Còn đặc thù của Việt Nam là 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hóa, dịch vụ. "Việc đưa ra lộ trình tăng phí chỉ là bất đắc dĩ. Đến thời điểm sử dụng 20% thanh toán thẻ thì các NH sẽ phải giảm đi chứ không tăng lên nữa. Giải pháp đưa ra là các bộ, ban, ngành cần có sự phối hợp để tăng đơn vị chấp nhận thẻ, đặc biệt là áp dụng đối với các dịch vụ công" - ông Tuấn gợi ý.

Còn thẻ từ, còn rủi ro mất tiền

Liên quan đến vấn đề bảo mật và rủi ro thanh toán, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (thuộc NHNN), cho biết Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, năm 2017 chỉ bằng khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới (theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như VISA-MasterCard). Hệ thống công nghệ của NH trong thời gian gần đây được trang bị đầu tư khá tốt, tội phạm mạng thấy khả năng thành công rất thấp nên chuyển hướng sang đối tượng dễ tổn thương hơn là khách hàng.

Không phủ nhận sự nỗ lực của các NH trong nâng cấp, đầu tư công nghệ nhưng bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng các vụ mất tiền ngày càng nhiều, đặc biệt là mất tiền tại NH. Bà đề nghị cần có thống kê bao nhiêu phần trăm do lỗi công nghệ của chính NH, do khách hàng sử dụng sơ ý lộ thông tin, do cán bộ NH vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chỉ khi xác định thấu đáo mới có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, gửi tiền vào NH vẫn là kênh an toàn nhất hiện nay nhưng qua các vụ việc vừa xảy ra, vấn đề bảo mật an toàn đang xấu đi không? "Có 2 lý do chính là kỹ thuật và con người. Trong đó, nguyên nhân do con người là chủ yếu, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Nguyên nhân từ con người sẽ dễ xử lý hơn vì nếu xử lý về công nghệ sẽ rất tốn kém, khó thực hiện" - ông Hiếu phân tích và khuyến cáo cần cấm hình thức giao dịch tiền mặt tại nhà đối với khách hàng để giảm thiểu rủi ro.

Theo ông Đào Minh Tuấn, chừng nào còn dùng thẻ từ thì còn phải đối mặt với rủi ro mất tiền. Trên thế giới cũng đã đặt vấn đề chuyển đổi sang thẻ chip nhưng 25 năm qua kết quả chưa được như mong muốn. Tại Việt Nam đã có lộ trình chuyển đổi, được quy định thực hiện từ năm 2020 đến 2022.

XEM THÊM

nong chuyen tang phi mat tien Lại tăng phí rút tiền ATM nội mạng lên 1.500 đồng/lượt

Từ 12-5, Agribank sẽ tăng phí rút tiền nội mạng từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch. Nếu tính thêm thuế VAT, chủ thẻ ...

nong chuyen tang phi mat tien Đối mặt 'ông trùm' buôn tạng phía Bắc

Trong mắt của những tay cò dắt mối bán thận, Hà Nội là mảnh đất màu mỡ khiến nhiều người từ mọi miền đổ về ...

nong chuyen tang phi mat tien Các ngân hàng lớn tại Việt Nam đang thu phí của khách hàng như thế nào?

Hiện tại các ngân hàng ở Việt Nam đang đưa ra khá nhiều mức phí sử dụng dịch vụ cho các khách hàng, và không ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.