'Nóng' cuộc đua giao hàng nhanh

Ngày càng nhiều “ông lớn” ngoại gia nhập thị trường giao hàng nhanh tại Việt Nam, đẩy cuộc đua lên một tốc độ mới, khốc liệt hơn.
avatar_1567399097767

Cuộc đua giao nhận hàng hóa đang ngày càng trở nên sôi động. (Ảnh: Ngọc Dương).

Đua nhau tăng tốc

Ngày 28/8, Grab tuyên bố rót thêm 500 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới, để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics. Trong đó, lĩnh vực giao nhận thức ăn và hàng hóa bên cạnh dịch vụ vận tải của Grab sẽ được tiếp tục đẩy mạnh.

Trước đó 1 tuần, Dostavista - công ty mẹ của dịch vụ giao nhận MrSpeedy Việt Nam - đến từ Nga đã công bố nhận được vốn đầu tư mới 15 triệu USD để phát triển dịch vụ này tại Đông Nam Á. 

Mới chỉ có mặt ở Việt Nam hơn 1 năm, MrSpeedy đã ước tính có khoảng 6.000 tài xế cùng hơn 2.000 khách hàng. 

Hồi đầu năm, ứng dụng giao hàng Lalamove (Hong Kong) cũng gọi vốn thành công 300 triệu USD từ 2 quỹ đầu tư tài chính. Đơn vị này tuyên bố sẽ tập trung phát triển nền tảng công nghệ, ứng dụng và tích hợp các công nghệ mới, và tiếp tục hành trình mở rộng thị trường tại châu Á.

Trước sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu nước ngoài lớn, một số doanh nghiệp (DN) trong nước cũng bắt đầu tăng tốc. 

Tháng 7 vừa qua, Giao Hàng Nhanh đưa vào kho phân loại tự động 100% đầu tiên tại Hà Nội và kho thứ hai tại TP HCM sẽ hoàn thành trước tháng 11/2019. Công ty này cho biết cũng vừa khởi công xây dựng một kho có tổng diện tích 50.000 m2 tại Hà Nội để sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo...

Có thể thấy, tốc độ và chất lượng dịch vụ giao nhận là “vũ khí” cạnh tranh hàng đầu giữa các hãng và cũng là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay. Các chợ điện tử, nhà bán lẻ lớn đều cam kết sẽ giao hàng trong thời gian ngày càng ngắn. Thế Giới Di Động cam kết giao hàng trong vòng 30 phút, FPT Shop giao hàng trong vòng 60 phút, hay Tiki giao hàng trong 2 giờ.

 Không chỉ dừng lại ở việc giao hàng thông qua mạng lưới tài xế sẵn có, mới đây, Grab còn bắt tay với Vietjet triển khai dịch vụ giao nhận hàng hóa từ điểm đầu tới điểm cuối với thời gian cực nhanh: chuyển hàng giữa TP HCM - Hà Nội chỉ mất 5 giờ đồng hồ.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị, nhận định đây là giai đoạn khốc liệt để giành thị phần trong dịch vụ giao hàng. 

Lợi thế sẽ thuộc về các DN lớn, các đơn vị gọi được vốn từ các quỹ đầu tư... “Yếu tố tốc độ là quan trọng nhất trong lĩnh vực giao nhận. Giai đoạn cạnh tranh, các siêu ứng dụng có nhiều dịch vụ sẽ có lợi thế hơn vì có lượng khách hàng lớn, lấy dịch vụ có lãi bù cho dịch vụ giao nhận để kiên trì bám trụ. Đây là cuộc chơi dài hạn, chấp nhận đầu tư lớn, xây dựng các kho hàng cũng như liên kết với nhiều đơn vị khác. Các DN nhỏ, những bạn trẻ khởi nghiệp nếu không có nguồn tài chính lớn sẽ dễ bị đào thải”, ông Hòa nhấn mạnh.

Áp lực hạ tầng giao thông?

Xu hướng kinh tế chia sẻ là tất yếu nhưng “cuộc đua tốc độ” cũng đang gây áp lực lên mạng lưới giao thông vốn đã thường xuyên ách tắc tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM. Với phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy, sự gia tăng của càng nhiều DN giao nhận đồng nghĩa mỗi ngày sẽ có hàng trăm ngàn nhân viên giao hàng (shipper) thường xuyên di chuyển ngoài đường. 

Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ kẹt xe, gây ùn tắc giao thông mà còn đi ngược lại với chủ trương hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy vào khu vực nội đô mà 2 thành phố lớn nhất cả nước đang theo đuổi.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT Việt Đức, nhận định: Nếu biết tận dụng, những dịch vụ này không những không gây ảnh hưởng mà trái lại còn góp phần thúc đẩy giao thông công cộng phát triển. Trong tương lai, khi các công ty công nghệ như Grab triển khai thêm các dịch vụ kết nối xe buýt với hệ thống xe máy điện, xe đạp điện, phương tiện giao nhận hàng hóa sẽ trở thành một phần của hệ thống giao thông công cộng.

Theo ông Tuấn, ở Nhật, mỗi phường có vài trạm phân phát và để chuyển hàng từ trạm đến tận tay người dân, người ta sử dụng xe đạp, xe ba gác hoặc xe máy điện. Đối với nhiều nước giao thông công cộng phát triển, họ thậm chí giao hàng bằng xe buýt và chuyển tiếp bằng nhiều loại phương tiện khác. Tuy nhiên với đặc thù đô thị TP CM nhiều đường nhỏ, ngõ ngách như hiện nay, xe máy là phương tiện tối ưu nhất để thực hiện di chuyển hàng hóa.

Nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với thực tế này

Mùa thu 2017, Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố thử nghiệm quy định cấm dịch vụ chuyển phát nhanh hoạt động trong các khung giờ cao điểm tại những con đường đông đúc nhất thành phố. Đồng thời, phát triển các giải pháp xử lí tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm đô thị, theo viễn cảnh các công ty sẽ sử dụng robot để chuyển phát những đơn hàng tại nhà. Các máy bay trực thăng không người lái được điều khiển từ xa để giao hàng trên không, và những chiếc xe hơi điện tự lái không phát ra tiếng động để giao hàng vào ban đêm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.