Novaland, Alpha King bàn chuyện xoay sở tìm hướng đầu tư khi trung tâm Sài Gòn không còn tìm được 1 ha đất trống nào

“Gần như không thể tìm ra quỹ đất trống nào ở trung tâm TP HCM hiện nay với diện tích khoảng 1ha đảm bảo đầu tư một dự án xứng tầm cho khu trung tâm, nó cực hiếm và cực quý”, Phó Giám đốc cấp cao Kinh doanh và marketing của Alpha King - ông Will Học Nhân, khẳng định. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp bất động sản đang dịch chuyển dần ra ven TP HCM, bằng nhiều hình thức và sản phẩm đầu tư.

"Nút thắt" quan trọng nhất khiến nguồn cung các phân khúc bất động sản TP HCM từ đầu năm đến nay sụt giảm nghiêm trọng liên quan vấn đề pháp lí.

Theo các doanh nghiệp, luật đất đai có nhiều thay đổi, khiến việc cấp phép dự án chậm được triển khai, điều này tạo tâm lí e dè trong việc phát triển dự án mới. Song song đó, bài toán khó nhất cho thị trường bất động sản TP HCM hiện nay chính là quỹ đất tại trung tâm hầu như không còn.

Quỹ đất tại trung tâm TP HCM đang rất hiếm và quý

Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản, 9 tháng năm 2019, nguồn cung thuộc các phân khúc tại TP HCM đã sụt giảm nghiêm trọng, bức tranh chỉ có phần sáng sủa hơn vào quý III vừa qua.

img5105-1556563118407285138022

Khu vực trung tâm TP HCM hầu như không còn quỹ đất trống. (Ảnh: Phúc Minh).

Báo cáo của CBRE cho biết loại hình căn hộ - vốn là phân khúc giao dịch sôi động nhất tại TP HCM, nhưng tổng lượng cung chào bán ra thị trường chỉ 21.619 căn, giảm 3% so với cùng kì năm ngoái. 

Riêng quý III, số căn hộ chào bán đã chiếm hơn 60% tổng nguồn cung. Số căn hộ trên xuất phát từ 10 dự án, nằm rải rác tại nhiều khu vực. Trong đó, quận 2 có 3 dự án, quận 7 có 2 dự án, các quận 6, 9, Bình Tân, Tân Phú mỗi nơi 1 dự án. Quận 1 cũng góp 1 dự án nhưng số lượng căn hộ chào bán rất khiêm tốn, chỉ 150 căn.

Với sự phân bổ này, có thể thấy, nhà đầu tư đang dạt ra nhiều quận vùng ven của TP HCM. Nếu như đầu năm, khu Đông với các quận 2, 9, Thủ Đức khá sôi động, thì trong quý III, một số dự án tại các khu vực khác như Tân Phú, Bình Tân đã lộ diện. 

"Quỹ đất quy mô 1 hecta trong trung tâm TP HCM hiện nay là rất hiếm và cực quý", ông Will Học Nhân, Phó Giám đốc cấp cao Kinh doanh và marketing của Alpha King khẳng định. 

Theo ông Nhân, nguyên nhân là khi phát triển, bao giờ khu vực lõi trung tâm cũng được ưu tiên phát triển đầu tiên. Ngoài ra hiện nay, nếu có được đất ở trung tâm thì chuyện giải phóng mặt bằng là không dơn giản, vì giá quá cao. Bên cạnh đó, quy định gần đây cũng không cấp phép cho các dự án chung cư mới trong thành phố, khi mật độ dân số đang ngày tăng gây áp lực cho cơ sở hạ tầng.

CAN_4024

Ông Will Học Nhân khẳng định quỹ đất 1 hecta trong trung tâm TP HCM hiện nay là rất hiếm và cực quý. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Alpha King chính là chủ đầu tư của dự án hiếm hoi được chào bán trong năm nay tại trung tâm quận 1, trong bối cảnh quỹ đất "rất hiếm và cực quý". 

"Chúng tôi rất may mắn xây dựng khu chung cư cuối cùng trong trung tâm", ông Will Học Nhân cho biết tại một sự kiện lớn về bất động sản vừa diễn ra tại TP HCM.

Các quận vùng ven, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nóng

Trước thực tế quỹ đất hạn chế hiện nay, các công ty bất động sản đang tích cực chủ động tiếp cận quỹ đất mới, không chỉ là khu vực trung tâm mà bắt đầu mở rộng ra vùng ven. 

Phó Tổng giám đốc CBRE Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định đô thị thuộc các quận rìa trung tâm như Bình Chánh, quận 9… sẽ là nguồn cung chính cho thị trường bất động sản TP HCM trong các năm tới. 

img5095-15565638491691687775975

Khu vực phía Đông thành phố gồm 3 quận 2, 9 và Thủ Đức được xem là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp bất động sản di di dời ra vùng ven. (Ảnh: Phúc Minh).

Không chỉ quận vùng ven, hiện nhiều doanh nghiệp đang mở rộng ra các tỉnh quanh TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để phát triển dự án. 

"Sự dịch chuyển này khiến giao dịch mua bán đất nền lẫn các phân khúc khác của thị trường bất động sản vùng ven đang sôi động hơn bao giờ hết", ông Kiệt nhận định.

Ông Will Học Nhân giải thích thêm khi giá bất động sản tại khu trung tâm quá cao, không phải ai cũng có thể chấp nhận được mức giá cao đó thì bất động sản vùng ven tất nhiên sẽ được thì trường đón nhận. Đó cũng là lí do khiến thị trường ngoại thành TP HCM sôi động lâu nay.

Đáng chú ý, theo thống kê của Anpha King, dù nguồn cung bất động sản trung tâm TP HCM hạn chế nhưng nhu cầu của thị trường vẫn rất cao. Vì vậy, giá bán chắc chắn sẽ đẩy lên cao trong thời gian tới. 

"Chi phí đất trung tâm TP HCM rất đắt, kinh nghiệm của tôi cho thấy mức giá cao hơn 10-15% so với các nơi còn lại trong thành phố. Khi đầu tư, chủ dự án cũng phải thận trọng. Tương lai gần, giá bất động sản trung tâm chắc chắn tăng, đây là vấn đề cung cầu, đặc biệt là các sản phẩm siêu cao cấp. Giá bán ra đã gồm chi phí đất, đầu tư và các giá trị gia tăng khác", ông Nhân khẳng định.

Hướng đến sản phẩm khác xa khu trung tâm

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên - Giám đốc cấp cao Tài chính doanh nghiệp của Novaland cũng có cùng nhận định về các "nút thắt" hiện nay khiến giá bán các căn hộ hiện hữu trong trung tâm TP HCM sẽ tăng cao thời gian tới.

Ông cho rằng không riêng thị trường căn hộ mà các dự án văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại cũng sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

du_an_15_zing-crop

đa dạng hóa sản phẩm ra vùng ven để giải quyết bài toán quỹ đất tại trung tâm TP HCM và cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường là cách nhiều doanh nghiệp đang hướng tới. (Ảnh: Zing).

"Nhà đầu tư chúng tôi bắt đầu tìm kiếm xa hơn, nhìn ra khu vực ngoài, tìm kiếm những nơi có hạ tầng tốt để phát triển", ông Phiên nói.

Lãnh đạo Novaland cho biết trước sức ép của bài toán quỹ đất, doanh nghiệp  đang tập trung vào 3 trụ cột chính. 

Thứ nhất là tiếp tục xây dựng khu dân cư để ở như thời gian qua, và phân khúc căn hộ từ trung đến cao cấp vẫn duy trì, dù mức giá được dự báo sẽ tăng nhưng vấn đề là tự thị trường sẽ điều chỉnh, nhất là các thống kê cho thấy tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng tăng.

Để giải quyết bài toán quỹ đất, Novaland bắt đầu đưa ra những sản mới ở khu đô thị thuộc các tỉnh ven TP HCM.

"Trụ cột thứ ba là bất động sản nghỉ dưỡng, chúng tôi đang phát triển các dự án ở Phan Thiết, Hồ Tràm để theo kịp xu hướng du lịch tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng, sân bay quốc tế cũng đang được phát triển tại các tỉnh này", ông Nguyễn Thái Phiên cho biết về kế hoạch dịch chuyển, đưa các dự án ra khỏi trung tâm TP HCM.

Lãnh đạo Novaland cho rằng đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là cách giải quyết những khó khăn hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện.