Chiều 1/3, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã có cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư để tổng kết kết quả kinh doanh năm 2020 và tình hình kinh doanh mùa Tết 2021.
Tham dự cuộc gặp mặt có Chủ tịch HĐQT MWG ông Nguyễn Đức Tài, CEO MWG ông Trần Kinh Doanh và CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh ông Đoàn Văn Hiểu Em cùng các nhà đầu tư.
Trong cuộc gặp gỡ đầu năm, MWG đã công bố doanh thu tháng 2/2021 đạt khoảng 10.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu mùa Tết năm nay đạt hơn 21.500 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2020.
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba tại Việt Nam, có gần 100 cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) nằm trong các khu vực bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế số lượng khách hàng được phục vụ.
Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chuỗi này trong mùa cao điểm.Tổng doanh số của TGDĐ và ĐMX trong tháng 2/2021 đạt hơn 8.800 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Trong tháng 2, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) tiếp tục mở thêm 21 cửa hàng mới. Như vậy đến nay chuỗi ĐMS đã có 388 cửa hàng và đang theo đúng tiến độ để đạt mốc 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
Về Bách Hoá Xanh (BHX), với 1.756 cửa hàng và kênh BHX online, chuỗi này ghi nhận doanh thu khoảng 3.900 tỷ cho 2 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ, mặc dù BHX chỉ hoạt động 20/28 ngày trong tháng 2/2021.
Dự kiến, cuối năm 2021, chuỗi BHX sẽ có khoảng hơn 2.000 cửa hàng, trong đó có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn 500m2. Công ty cho biết sẽ duy trì tốc độ mở mới trung bình khoảng 30 cửa hàng/ tháng để tập trung nâng cấp cửa hàng 500m2 và cải thiện biên lợi nhuận.
Về triển vọng ngành bán lẻ năm 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG dự báo là "không ngon lành", thậm chí một số lĩnh vực có thể đi lùi. Theo ông Tài, đánh giá tổng quan về sức mua của người tiêu dùng, tức số tiền mà họ có thể chi ra để mua sắm sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Nguyên nhân đến từ công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn tới thu nhập giảm. Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhiều người cảm thấy tương lai có rủi ro do đó cũng sẽ hạn chế chi tiêu so với các giai đoạn khác.
ông Nguyễn Đức Tài
Năm nay sức mua của thị trường không có gì thú vị, nghĩa là không có tăng trưởng ngon lành, thậm chí một số lĩnh vực còn có thể đi lùi. Trong bối cảnh đó, làm sao để có thể tiếp tục đi về phía trước, tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận thì đó là bài toán mà các doanh nghiệp phải giải. Doanh nghiệp nào giải tốt thì sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Chủ tịch HĐQT MWG
"Năm nay sức mua của thị trường không có gì thú vị, nghĩa là không có tăng trưởng ngon lành, thậm chí một số lĩnh vực còn có thể đi lùi. Trong bối cảnh đó, làm sao để có thể tiếp tục đi về phía trước, tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận thì đó là bài toán mà các doanh nghiệp phải giải. Doanh nghiệp nào giải tốt thì sẽ tiếp tục tăng trưởng", ông Tài dự đoán.
Dự báo xu hướng là vậy, song ông chủ của MWG vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho hai chuỗi TGDĐ và ĐMX trong năm 2021. Theo ông Nguyễn Đức Tài, năm nay có 3 việc chuỗi này cần làm để tiếp tục mở rộng và phát triển.
Thứ nhất, tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng chuỗi ĐMX và TGDĐ, đặc biệt là chuỗi ĐMS hoàn tất 700 cửa hàng để hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2021. Mục tiêu cuối năm 2022, thị phần điện thoại của MWG ở mức 50% - 52%, điện máy 55% - 60%.
Hiện tại, theo ông Tài, thị phần bán điện thoại của MWG tại Việt Nam đã tăng từ 45% lên 48% trong năm 2020, đối với điện máy là 38%. Cả hai nhóm này đều đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay và năm sau, cố gắng cuối năm sau vượt mốc 50% đối với điện thoại và xấp xỉ 60% đối với điện máy.
Thứ hai, đối với chuỗi điện thoại, điện máy hiện tại, cố gắng cân đối để đưa thêm nhiều nhóm hàng, sắp xếp lại layout để có thể kinh doanh thêm nhiều sản phẩm khác. Thứ ba là tối giản chi phí ở mức thấp nhất có thể và tìm thấy cơ hội gia tăng lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Về biên lợi nhuận gộp, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, cả hai chuỗi TGDĐ và ĐMX trong năm qua đạt 23% lãi gộp, đây là con số "khá cao rồi" và trong bối cảnh hiện tại thì "hơi khó để gia tăng lãi gộp".
Tuy nhiên, theo vị thuyền trưởng của MWG thì không phải là không có cách để cải thiện chỉ số này như gia tăng hiệu quả chi phí và gia tăng lợi nhuận, đẩy hàng độc quyền, hàng OEM, nhóm hàng có biên lợi nhuận cao như phụ kiện,… Ông Tài kỳ vọng năm 2021 lãi gộp của hai chuỗi này sẽ tốt hơn mức 23%.
Trong cuộc gặp gỡ, liên quan đến kế hoạch phát triển chuỗi BHX trong thời gian tới, ông Trần Kinh Doanh cho biết MWG đặt mục tiêu hoà vốn EBITDA ngay trong cuối năm 2021. Cải thiện lãi gộp của BHX cũng sẽ được chú trọng, trong đó có hai động lực chính.
Thứ nhất, lãi gộp cải thiện nhờ có được thương lượng mua hàng tốt hơn từ các nhà cung cấp. Theo ông Doanh, chuỗi BHX đã mang lại tăng trưởng doanh thu rất cao cho các nhà cung cấp. Đơn cử năm 2020, một nhà cung cấp A nào đó đã ghi nhận sản lượng tăng từ 2 đến 2,5 lần khi BHX tiêu thụ sản phẩm cho họ. "Trên thị trường, không có nhà bán lẻ nào làm được điều này", ông Doanh khẳng định.
Do đó, MWG sẽ dễ dàng đạt được những thoả thuận tốt hơn đối với các nhà cung cấp. Thứ hai đó là BHX có kế hoạch phát triển các nhóm ngành hàng với thương hiêu của riêng mình và đội ngũ BHX đang làm công việc này rốt ráo.
Hiện tại, trong khoảng 3.000 - 3.500 mặt hàng bày bán ở BHX, nhóm sản phẩm riêng đã lên 500 - 600 sản phẩm. MWG có kế hoạch phát triển lên 1.000 mã hàng trong năm nay. Điều này cũng sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Năm 2021, ông Doanh kỳ vọng lãi gộp chuỗi BHX gia tăng thấp nhất thêm 2% nữa và đó là "số ít". Năm 2020, chuỗi này ghi nhận lãi gộp ở mức 25%, như vậy, nếu theo ông Doanh tối thiểu lãi gộp BHX năm nay sẽ ở mức khoảng 27%.
Trước câu hỏi của nhà đầu tư về việc sau giai đoạn này BHX có tiếp tục tăng trưởng nữa hay không, CEO MWG khẳng định vẫn có thể bởi quy mô thị trường còn có thể lớn hơn 2-3 lần nữa và "mình chưa nhìn thấy điểm dừng cho lĩnh vực kinh doanh này".