NSƯT Đăng Dương: 'Với nhạc thính phòng, không phải cứ khó là bỏ!'

Vào hai đêm 17 - 18/5, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Hồng Vy - những tên tuổi nổi bật hiện nay của dòng nhạc thính phòng cổ điển sẽ tổ chức đêm nhạc đặc biệt mang chủ đề “Tình yêu và đam mê - Plaisir d’Amour”. Trước đó, một số tiết mục biểu diễn trong live concert “Mặt trời của tôi” của NSƯT Đăng Dương đã giành giải Cống hiến 2017 cho hạng mục “Chương trình của năm”. Nhân dịp này, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Đăng Dương.

Sự bất ngờ ngọt ngào!

- Thưa NSƯT Đăng Dương, từ đâu mà ý tưởng về đêm nhạc được thực hiện?

Ý tưởng cho đêm nhạc này đến từ… hai đêm nhạc khác. Đó là chương trình “Tình yêu và đam mê” mà chúng tôi đã làm ở TPHCM năm 2016 và liveshow “Mặt trời của tôi” do tôi thực hiện năm 2017 tại Hà Nội. Kết thúc công việc, anh em ngồi với nhau thường nói về dự định tiếp theo. Chúng tôi hiểu rằng có những khán giả thực sự yêu thích dòng nhạc, tiếng hát của mình, vậy mình sẽ mang âm nhạc tới những khán giả như thế trong sự ấm cúng gần gũi.

nsut dang duong voi nhac thinh phong khong phai cu kho la bo

NSƯT Đăng Dương (ảnh nhân vật cung cấp).

- Gần hai năm trước, sau khi anh và đồng nghiệp biểu diễn, khán giả đứng lên vỗ tay rất lâu. Điều ấy có ý nghĩa gì với một nghệ sĩ hát nhạc “kén” người nghe?

Nhớ lại không khí ấy, cảm giác lâng lâng giờ vẫn còn trong tôi. Điều đó vượt xa cả sự mong đợi của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng khi mình chân thành, mang tới một thứ âm nhạc đẹp đẽ, sạch sẽ thì sẽ được khán giả đáp lại cũng bằng sự chân thành và một tình yêu lớn. Qua đó, khán giả có thể thấy dòng nhạc này hoàn toàn không kén người nghe. Nếu họ mở lòng đón nhận những điều trước giờ mình có thể chưa quen, chưa nghe nhiều, biết đâu điều họ nhận được sẽ là sự bất ngờ ngọt ngào.

- Theo đuổi dòng nhạc này, đâu là điều khó khăn nhất với anh? Kinh phí tổ chức lớn, đội ngũ nghệ sĩ đông, sân khấu quy mô... là điều không dễ?

Tất cả những điều bạn nêu đều là những khó khăn mà những nghệ sĩ như chúng tôi gặp phải. Chúng tôi khó mà có thể làm được những liveshow hoành tráng như các ca sĩ nhạc trẻ hay các dòng nhạc thịnh hành khác. Một không gian biểu diễn đủ tốt cho dòng nhạc thính phòng mà chi phí vừa phải là điều khó với chúng tôi. Nếu chương trình làm với nguyên dàn nhạc giao hưởng thì đã rất khó rồi, nhưng làm với chỉ một cây đàn piano và giọng hát thôi cũng chẳng dễ. Nhưng chẳng lẽ trong đời cứ thấy khó là bỏ, dễ mới theo? Nếu thế tôi bỏ hát cổ điển từ khi mới vào nghề rồi. Tôi đã theo nghề hơn 20 năm nay, chẳng phải to tát gì nhưng cũng có được những thành tựu đủ cho mình tự hào. Tôi cũng có những khán giả của riêng mình. Vậy khó thì khó, cứ làm đi, mãi rồi cũng quen, cũng thấy hết khó.

- Tại sao các nghệ sĩ lại chọn các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tiêu biểu trong khoảng hơn 60 năm trở lại đây? Cụ thể đó sẽ là những tác phẩm nào và phần biểu diễn có gì mới?

Chúng tôi dự định sẽ làm nhiều chương trình, sẽ có những buổi diễn chuyên về nhạc cổ điển thế giới, những đêm diễn theo nhiều chủ đề. Với đêm diễn đầu này, tôi cùng NSƯT Hồng Vy, nghệ sĩ piano Thuyên Hà muốn gửi đến công chúng những gì vốn rất gần gũi với người yêu nhạc Việt Nam một thời, những bài hát có thể đánh thức những kỷ niệm, ký ức đẹp trong mỗi người. Khán giả sẽ được nghe những bài hát sáng tác từ thời chiến của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du…đến những ca khúc sáng tác trong giai đoạn giao thời của nhạc sĩ Hoàng Dương, An Thuyên… và những ca khúc trong thời đại mới của Dương Thụ, Đức Trịnh, Trần Mạnh Hùng… Tất cả đều được biểu diễn theo phong cách thính phòng kinh điển với tiếng hát và tiếng đàn piano.

Dòng nhạc này, cái mới không thể theo chuẩn của nhạc đại chúng là phải hát khác đi, phá phách hay nổi loạn, mà càng chuẩn mực thì càng hay. Chúng tôi sẽ hát rất chuẩn mực với những bài hát có phần đệm piano gắn liền với tác phẩm chứ không theo kiểu mỗi lần hát là một lần phối mới của nhạc nhẹ. Tôi tin, cùng với tiếng đàn, tôi và Hồng Vy sẽ được hát trong một không gian mà ở đó không có khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, chỉ có những tình cảm được trao gửi. Nếu gọi là mới thì có một chút khác với những chương trình trước đây, chúng tôi sẽ hát và trò chuyện với khán giả về những tác phẩm mình biểu diễn, tình yêu âm nhạc. Khán giả có thể tham gia vào câu chuyện đó để rồi họ sẽ càng yêu hơn những bài hát mình vốn đã yêu.

- Là giọng hát tiêu biểu, đã thành danh với dòng nhạc thính phòng - cổ điển, anh đưa ra ý tưởng gì để đóng góp nhiều hơn? Ở thời đại công nghệ số với sự cạnh tranh của phương tiện nghe nhìn, chỉ đam mê thuần khiết của nghệ sĩ liệu đã đủ hay chưa?

Tôi nghĩ mỗi người có thể đóng góp tốt nhất bằng cách hãy cứ chịu khó làm việc, trong âm thầm cũng được, để nuôi dưỡng đam mê của mình. Thực ra khán giả của dòng này cũng không ít đâu. Bây giờ đời sống phát triển, kinh tế khá lên, nhiều gia đình cho con em đi học nhạc từ nhỏ, bản thân bố mẹ ông bà cũng muốn tìm hiểu xem thế giới âm nhạc có những gì kỳ diệu mà hấp dẫn trẻ em đến thế. Vậy nên chúng ta đang dần có được một lớp khán giả cho những dòng nhạc kinh điển, từ các em nhỏ trong các trường nhạc, đến cả gia đình các em. Chẳng hạn lần biểu diễn này, trong số những khán giả đã mua vé, có nhiều các học sinh và phụ huynh từ các lớp nhạc mà tôi, Hồng Vy và Thuyên Hà từng tham gia giảng dạy. Không phải họ mua để ủng hộ thuần túy đâu. Họ cũng luôn chờ đợi những đêm nhạc như thế này.

Hi vọng tài năng trẻ du học sẽ về nước

- Vừa là nghệ sĩ đồng thời cũng là người thầy dìu dắt các thế hệ học trò, NSƯT Đăng Dương nhận xét gì về thế hệ trẻ với đam mê, tài năng thính phòng?

Hàng năm các trường nhạc từ Trung ương tới địa phương vẫn tuyển sinh đều đặn, các cuộc thi hát vẫn được tổ chức và từ đó có nhiều tài năng xuất hiện. Bên cạnh các em theo đuổi những dòng nhạc đang ăn khách thì cũng không hiếm em quyết tâm theo đuổi nhạc thính phòng, cổ điển. Các em ấy hiểu rõ một câu rất cơ bản của ông cha ta: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Mình yêu nghề và theo đuổi đến cùng, thì cũng sẽ có thành tựu. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy những không ít tài năng âm nhạc thực thụ của dòng nhạc này. Nhìn các em ấy tỏa sáng trong những chương trình lớn, trang trọng, cả trong và ngoài nước, tôi thấy vui mừng và có đầy niềm tin.

- Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy có những sinh viên chuyên ngành thanh nhạc đang du học tại nước ngoài, đã đoạt những giải thưởng Quốc tế như Ninh Đức Hoàng Long. Nhưng một số người trong số họ muốn ở lại nước ngoài. Có phải vì môi trường trong nước không lý tưởng?

Mỗi người có lựa chọn cho mình, cá nhân tôi luôn tôn trọng những lựa chọn ấy. Có thể môi trường quốc tế sẽ giúp các em được làm nghề nhiều hơn, có cơ hội tiến xa hơn. Một số nghệ sĩ opera đến từ châu Á đã đạt đến những vị trí rất cao trên thế giới, thì chúng ta hoàn toàn hy vọng ngày nào đó sẽ có những ca sĩ trẻ Việt Nam được tỏa sáng như vậy, như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã làm được với tiếng đàn piano của mình. Nhưng tôi cũng hy vọng là sau khi đã thành công ở ngoài biên giới, các bạn ấy sẽ trở về, để đem tiếng hát đến với khán giả và góp phần đào tạo các thế hệ đàn em.

- Quan niệm về dòng nhạc thính phòng vẫn còn nhiều “định kiến” về giới hạn thưởng thức. Điều này liệu có thể được xóa bỏ?

Để xóa bỏ những định kiến về dòng nhạc này thì cả nghệ sĩ và khán giả cần phải mở lòng với nhau nhiều hơn. Nghệ sĩ cũng đừng nghĩ nhạc của mình là cao cấp, là khó nghe, là kén khán giả… mà hãy cứ trân trọng từng bài ca mình hát, từng khán giả đến với mình. Khán giả thì hãy coi mỗi dịp đi nghe nhạc là một trải nghiệm trong đời mình, để biết thêm những điều có thể mà trước đây vì định kiến mà mình đã không lựa chọn thưởng thức. Chúng ta hãy đến với nhau bằng tình yêu thuần khiết dành cho âm nhạc, thì cả hai bên sẽ đều nhận được những gì xứng đáng.

Cảm ơn NSƯT Đăng Dương về cuộc trò chuyện!

nsut dang duong voi nhac thinh phong khong phai cu kho la bo NSƯT Đăng Dương: Quyết làm show, dù phải... 'cắm sổ đỏ'

Người cuối cùng trong bộ ba Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn quyết định làm show ("Mặt trời của tôi", 14 - 15/10 ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.