Ths. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Trao đổi với chúng tôi về tiêu chuẩn sức khoẻ sơ tuyển vào Học viện Toà án, trong đó yêu cầu thí sinh nữ không nặng quá 60 kg, Ths. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, qui định này nhằm hướng tới một nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, có sức khỏe, bản lĩnh đạo đức mà còn có hình thức đẹp, đồng đều khi ra trường.
Tuy nhiên, có một số nội dung cần phải xem lại cho phù hợp với các qui định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện nay, sao cho đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong lĩnh vực học tập.
Ông Cường nêu rõ: Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan hiện nay đều qui định quyền bình đẳng của mọi công dân trong lĩnh vực học tập và làm việc, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo... Pháp luật nên hạn chế có những qui định có tính chất rào cản để đảm bảo các quyền bình đẳng, tự do của công dân trong lĩnh vực học tập.
Đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù như công an, quân đội, phi công... và một số lĩnh vực đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, phải có đạo đức, bản lĩnh chính trị tốt thì mới có thể đưa ra những qui định hạn chế để tuyển chọn người cho phù hợp với đặc điểm đặc thù công việc.
Còn đối với các lĩnh vực khác thì không nên đưa ra những qui định cấm cản để đảm bảo cơ hội lựa chọn nhân tài cũng như đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân. Đặc biệt lưu tâm, giúp đỡ những người có nhược điểm về thể chất, khiếm khuyết để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng và cơ hội phát triển...
Cũng theo LS Đặng Văn Cường, Học viện Tòa án hiện nay do Tòa án nhân dân tối cao quản lí. Tuy nhiên trường này không phải là trường chỉ đào tạo cán bộ cho ngành tòa án. Nói cách khác, không phải mọi sinh viên ở trường này đều ra trường để làm thẩm phán, cán bộ tòa án.
Việc đào tạo, tuyển chọn thẩm phán, cán bộ tòa án hiện nay có những qui định riêng về thi tuyển công chức, thi tuyển thẩm phán. Bởi vậy nếu có những qui định yêu cầu về chiều cao, cân nặng, lí lịch... đối với các sinh viên của trường này là không thực sự cần thiết.
Những qui định về chiều cao, cân nặng, tiêu chuẩn đạo đức cụ thể nên qui định hoặc khuyến khích đối với đối tượng làm việc trong ngành tòa án như thẩm phán, cán bộ tòa án. Khi tuyển dụng thẩm phán hoặc tuyển dụng cán bộ tòa án mới có thể đưa ra những tiêu chuẩn này hoặc những qui định khác cho phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực.
Ảnh minh họa: Tri thức trực tuyến.
Thực tế có nhiều em học tại Học viện Tòa án nhưng không được tuyển dụng làm công chức, cũng không được bổ nhiệm làm thẩm phán. Thậm chí có nhiều người trong ngành tòa án vẫn chuyển công tác và ngoài doanh nghiệp làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
Bởi vậy, nếu qui định cứng như vậy thì sẽ cản trở quyền học tập của các công dân và không thu hút được nhân tài. Những qui định này chỉ nên để ở mức độ khuyến khích chứ không nên cấm đoán, hạn chế một cách cứng nhắc như vậy.
Qui định về tuyển dụng, bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ công chức tòa án và thẩm phán có nhiều thay đổi trong những năm qua, đặc biệt là việc thay đổi nghề nghiệp giữa những người làm trong khối cơ quan này với khối doanh nghiệp, kinh doanh tự do cũng có những thay đổi.
Do đó, không nên hạn chế quyền lựa chọn nghề nghiệp cũng như quyền học tập của công dân. Còn đối với thẩm phán thì đã có tiêu chuẩn, điều kiện riêng, chỉ cần áp dụng những tiêu chuẩn, điều kiện đó là đủ.
"Chiều cao, cân nặng của con người không phải bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian đặc biệt là việc béo hay gầy, thay đổi trọng lượng cơ thể. Có những học sinh, sinh viên thường thấp bé, gầy nhưng khi trưởng thành, trở thành cán bộ lại to béo quá khổ, hoặc có những em sinh viên to béo nhưng khi ra trường đi làm lại có thể giảm cân.
Việc đưa thêm các qui định về chiều cao, cân nặng cũng có thể nảy sinh những tiêu cực khi cân đo, gây tác động tâm lí không tốt cho những người có khiếm khuyết về cơ thể hoặc những người không đảm bảo chiều cao, cân nặng như nhà trường đưa ra...", LS Cường cho biết thêm.
Giáo dục 07:02 | 28/05/2019
Giáo dục 08:08 | 26/05/2019
Giáo dục 19:15 | 08/05/2019
Giáo dục 06:31 | 30/04/2019
Giáo dục 06:30 | 13/04/2019
Giáo dục 19:47 | 12/04/2019
Giáo dục 10:51 | 12/04/2019
Giáo dục 10:09 | 10/04/2019