Theo tin tức trên báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 7/9, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản thuộc Sở NN-PTNT của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và bắt quả tang 4 cơ sở chế biến nông sản tại chợ đầu mối Phú Hậu (thành phố Huế) do các bà Võ Thị Mai, Dương Thị Mỹ Dung, Dương Thị Thu và Đặng Thị Ngọc Anh làm chủ đang sử dụng một chất dạng bột không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tẩy trắng các loại bắp chuối và mít non sau khi được thái lát mỏng để làm thực phẩm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành thu giữ tại các cơ sở trên gần 2kg bột dùng tẩy trắng, gần 10kg bắp chuối và mít non đã thái lát mỏng, đang được ngâm tẩy.
Các cơ sở khai nhận, mỗi ngày, mỗi một cơ sở đã chế biến, ngâm tẩy và phân phối cho các nhà hàng, quán ăn và các bà nội trợ tại các chợ ở thành phố Huế khoảng 100kg mít non và bắp chuối. Bắp chuối và mít non khi để lâu sẽ có màu đen vì vậy để các thực phẩm trên trở nên tươi trắng, bắt mắt người tiêu dùng thì họ đã mua chất bột nói trên về pha với nước để tẩy trắng các loại thực phẩm này.
Cũng theo các chủ cơ sở chế biến nông sản thì họ đều không biết loại bột tẩy trắng trên có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu nhưng được bày bán rất phổ biến tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố Huế.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục phân tích, kiểm nghiệm chất tảy trắng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở chế biến nông sản của bà Võ Thị Mai đang dùng chất lạ tẩy bắp chuối và mít non. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng). |
Báo Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn. Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng. Thực phẩm bị ngâm chất tẩy trắng có thể gây ra các triệu chứng từ đau bụng đến nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác như tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đau bụng, và mất nước. Vi khuẩn có hại là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên các bệnh do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Theo thạc sĩ Phùng Văn Trung, Viện Công nghệ hoá học TP.HCM, các chất tẩy trắng được người kinh doanh lạm dụng là hoá chất công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khoẻ con người. “Các hoá chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine… đều là những hoá chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất bởi những tác dụng tức thì của nó” - Thạc sĩ Trung cho biết.
Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho biết không nên lạm dụng quá chất tẩy trắng. Khi sử dụng hóa chất ngâm thực phẩm cần hiểu rõ tác dụng của nó và sử dụng phù hợp với hóa chất với từng loại thực phẩm. “Đúng loại nào, dùng loại ấy. Nếu sử dụng tràn lan, không đề trên nhãn mác là dùng cho thực phẩm tức là không dùng để tẩy đồ ăn được. Trong quá trình tẩy, thì các chất tồn dư như kim loại nặng vẫn tồn dư trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe”.
Thông tin trên báo Người Đưa Tin, GS.TS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cũng cho biết: “Việc sử dụng hóa chất một cách tự phát để tẩy trắng thực phẩm là rất nguy hiểm, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. Các hoá chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine... đều là những hoá chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất. Việc sử dụng hoá chất tẩy trắng một cách bừa bãi trong chế biến thực phẩm rất có hại cho sức khoẻ người sử dụng. Vì thế, không được phép sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm, chỉ vì mục đích đánh lừa thị giác mà không kiểm soát được liều lượng cũng như cách thức sử dụng. Đối với đồ ăn, đã dùng đến hóa chất là không nên dùng, nhất là với lưu huỳnh và axit photphoric. Về tính chất hóa học, lưu huỳnh có tác dụng tẩy trắng, nhưng việc sử dụng lưu huỳnh để tẩy trắng phải có quy trình công nghệ và phải có sự kiểm soát”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)