Trong tháng 7, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao hơn 60,4 ha đất đợt 1 để thực hiện dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.
Diện tích đất kể trên có 15,7 ha đất ở tại đô thị gồm đất nhà ở liền kề và đất nhà ở kết hợp thương mại; diện tích đất còn lại được giao thuộc đất ở tái định cư, đất nhà ở cao tầng, đất nhà ở xã hội, đất trung tâm thương mại,...
Đơn vị nhận giao đất được nhắc tới là CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM), một tập đoàn đa ngành có trụ sở tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Không chỉ có dự án này, trong vài năm trở lại đây, doanh nghiệp này liên tục có những động thái đầu tư lớn vào loạt dự án tại Thanh Hóa với tổng vốn lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại huyện Thọ Xuân với diện tích gần 54 ha, tổng vốn 1.400 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư Sao Mai tại xã Xuân Thịnh và Thọ Dân, diện tích gần 53 ha, tổng vốn 435 tỷ đồng; Bệnh viện Quốc tế Sao Mai Thanh Hóa gồm 450 giường bệnh với tổng vốn 700 tỷ đồng;...
Khu đô thị mới Sao Mai Minh Sơn và Thị trấn Triệu Sơn tại Huyện Triệu Sơn, quy mô 43,4 ha, tổng vốn đầu tư 474 tỷ đồng đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Thanh Thuấn quê tại xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, ông Thuấn làm việc tại Sở xây dựng An Giang từ năm 1977. Năm 1979, ông là cán bộ Sở quản lý nhà đất An Giang. Đến năm 1982, ông Thuấn được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước An Giang.
Từ năm 1986, ông bắt đầu tham gia vào điều hành kinh doanh với chức Giám đốc Công ty Liên doanh Kiến trúc An Giang. Đến năm 1992, ông Thuấn được cử làm Giám đốc xí nghiệp Xây dựng Tây Sông Hậu thuộc Công ty Xây dựng Miền Tây, Bộ Xây Dựng.
Năm 1997, ông Thuấn ra riêng thành lập CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (tiền thân của Sao Mai Group ngày nay), hoạt động thi công xây lắp công trình xây dựng. Thời kỳ này, Sao Mai được biết đến như là "con chim đầu đàn" trong thi công xây lắp công trình của tỉnh An Giang trước khi mở rộng hoạt động tại nhiều tỉnh thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang,...
Tới năm 2007, Sao Mai đã đầu tư sang lĩnh vực thủy sản thông qua việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vàm Cống qui mô 23 ha tại tỉnh Đồng Tháp. Toàn bộ quĩ đất của cụm công nghiệp chỉ dành riêng cho các công ty con, công ty liên kết của Sao Mai là CTCP Đầu Tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI (Mã: IDI), CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy Sản (Trisedco, Mã: DAT) xây dựng các nhà máy liên quan đến chuỗi nuôi trồng chế biến xuất khẩu thành phẩm và sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra.
Đến nay, Sao Mai có ba văn phòng đại diện, 6 chi nhánh, 11 công ty con và hai công ty góp vốn. Tổng số nhân sự tính tới 31/12/2020 là trên 12.000 người. Vốn điều lệ của tập đoàn là gần 2.589 tỷ đồng.
Các công ty con, công ty góp vốn và các chi nhánh trực thuộc Tập đoàn Sao Mai. (Nguồn: Tập đoàn Sao Mai; Đồ họa: Alex Chu).
Bên cạnh lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, Sao Mai Group đã mở rộng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại ĐBSCL trong khoảng gần chục năm qua.
Theo báo cáo của Sao Mai Group, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như Dự án Khu dân cư Bắc QL 91, Thị trấn Cái Dầu, Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; Khu dân cư Bình Khánh, Khu dân cư Tân Hiệp.
Năm 2020, Sao Mai khởi công Dự án Khu đô thị mới Sao Mai Tây thị trấn Cái Dầu với vốn đầu tư ước tính gần 800 tỷ đồng, trên diện tích gần 62 ha, được triển khai thi công trong giai đoạn 2020 - 2025.
Ngoài ra, Sao Mai cũng đang xúc tiến đầu tư một loạt dự án tại ĐBSCL như Dự án khu đô thị mới phường 10, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Khu đô thị mới Sao Mai Bình Khánh 4 tại phường Bình Khánh, TP Long Xuyên quy mô 38,66 ha, tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng; Khu đô thị mới Sao Mai Tây Khánh 4, 5 tại phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang quy mô 62 ha, tổng vốn đầu tư 1.220 tỷ đồng; Khu đô thị mới Sao Mai Tân Châu tại phường Long Thạnh, Thị xã Tân Châu, An Giang quy mô 99,8 ha, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng; Khu đô thị mới Sao Mai Thốt Nốt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ quy mô gần 182 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.365 tỷ đồng;
Ngoài các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, Tâp đoàn còn có hơn 10 dự án đang chờ cấp phép đầu tư như dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang), Khu đô thị mới Sao Mai Cầu Đinh 1 (Tịnh Biên, An Giang), Khu đô thị mới Sao Mai Mỹ An (Chợ Mới, An Giang),…
Đến cuối quý II/2021, Sao Mai ghi nhận tồn kho bất động sản hơn 900 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 330 tỷ đồng cuối quý I. Ngoài ra, tài sản dở dang tại các dự án KĐT Bình Long hơn 400 tỷ, Khu du lịch Trà Sư 46 tỷ, Khu văn phòng tại HCM hơn 47 tỷ, Khu dân cư Lam Sơn Sao Vàng 42 tỷ,...
Hiện ông Lê Thanh Thuấn là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 50 triệu cổ phần, tương đương 19,31% vốn điều lệ của Tập đoàn Sao Mai. Ngoài ông Thuấn, nhiều người thân của ông cũng đang công tác tại Sao Mai Group và sở hữu cổ phần tại Sao Mai Group.
Năm 2019, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Sao Mai Group cũng đã được bàn giao lại cho con gái ông Thuấn là bà Lê Thị Nguyệt Thu. Ông Thuấn đóng vai trò là Tổng Giám đốc điều hành hoạt động toàn Tập đoàn.
Giai đoạn 2012 – 2017, Sao Mai Group doanh thu thuần trung bình các năm khoảng 1.300 tỷ đồng, lãi ròng dưới 200 tỷ đồng. Tới năm 2018, Sao Mai có sự tăng trưởng đột biến khi doanh thu thuần đạt 8.887 tỷ đồng, tăng 323% so với năm trước, lãi sau thuế đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 613%.
Lãi lớn từ lĩnh vực chế biến thuỷ sản, Sao Mai cũng bắt đầu nhảy vào cuộc chơi năng lượng mặt trời. Năm 2018, Sao Mai đã đầu tư dự án Nhà máy điện (NMĐ) mặt trời Sao Mai với công suất 104 MW tại tỉnh An Giang với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Năm 2020, Sao Mai tiếp tục đầu tư vào nhiều dự án như NMĐ mặt trời Sao Mai (giai đoạn 3 và 4) với giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh và tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sao Mai. (Nguồn: Tổng hợp báo cáo tài chính các năm của Sao Mai; Đồ họa: Alex Chu).
Năm 2020, khi các lĩnh vực cốt lõi trước đây chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó, doanh thu lĩnh vực bất động sản giảm tới 25%, thủy sản giảm 14% do xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, châu Âu bị sụt giảm.
Bù lại, sau hai năm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời, Sao Mai ghi nhận doanh thu ở mảng này tăng trưởng mạnh 127% so với cùng kỳ, đạt 515 tỷ đồng.
Năm 2021, Sao Mai đặt kế hoạch doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, tăng khoảng 22%.
Với lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn sẽ ưu tiên tập trung cho các dự án như cụm NMĐ mặt trời Sao Mai Đắk Nông 875 Mwp (tỉnh Đắk Nông); Dự án NMĐ mặt trời kết hợp trồng cây dược liệu 450 Mwp (tỉnh Đắk Lắk); Cụm dự án điện mặt trời Sao Mai Đồng Tháp,...
6 tháng đầu năm 2021, Sao Mai ghi nhận 311 tỷ đồng doanh thu từ điện mặt trời. Với giá vốn 91 tỷ đồng, Sao Mai đạt mức lãi gộp 220 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt trên 70%.
Với lĩnh vực bất động sản, Sao Mai cũng cho biết sẽ tập trung ưu tiên thực hiện trước các dự án như Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng (Thanh Hóa); Khu dân cư Sao Mai Tây Thị trấn Cái Dầu (An Giang);...
Lĩnh vực thủy sản sẽ không mở rộng kinh doanh mà chỉ giao dịch với khách hàng truyền thống. Công ty duy trì vùng nuôi cá tra liên kết 300 ha và tạo chuỗi sản xuất khép kín.