Ông Đặng Hùng Võ: Định giá đất hàng loạt chỉ cần đạt 80% giá thị trường

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng cần thay đổi cách nhận thức về định giá đất. Theo ông, Nhà nước chỉ cần quan tâm tới cơ sở dữ liệu về giá đất trên các hợp đồng chuyển nhượng để định giá hàng loạt. Kết quả của định giá hàng loạt chỉ cần đạt mức 80% giá trị thị trường.

Sáng 5/10, tại Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, vấn đề quy định về giá đất và tổ chức định giá đất đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự.

 Toàn cảnh Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trong tham luận gửi tới hội thảo, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra ý kiến mong muốn thay đổi cách nhận thức về định giá đất. Theo ông, Nhà nước không cần quan tâm tới các phương pháp định giá đất cụ thể vì chi phí cao. Thay vào đó, chỉ cần quan tâm tới cơ sở dữ liệu về giá đất trên các hợp đồng chuyển nhượng để định giá hàng loạt. 

"Kết quả của định giá hàng loạt chỉ cần đạt mức 80% giá trị thị trường. Khi cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp đấu giá đất hoặc đấu thầu việc sử dụng đất của các dự án đầu tư", ông Đặng Hùng Võ cho hay.

Đề cập về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu  Dũng, khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. 

Thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, việc sử dụng hình thức đấu thầu, đấu giá không chỉ đảm bảo giá của bất động sản do thị trường quyết định mà còn giảm thiểu tham nhũng, "cơ chế xin - cho” khi thẩm quyền quyết định hành chính thuộc về một người, cũng như sự “nhũng nhiễu” của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về thủ tục hành chính.

Băn khoăn tính minh bạch trong xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi

Nêu ý kiến về xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi đất, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho rằng, hiện nay đang thiếu công khai, minh bạch, dân chủ và có sự không công bằng, tương xứng giữa giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi và giá trị được bồi thường. 

Theo chuyên gia, ngoài việc bỏ khung giá đất, các quy định trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hầu như không sửa đổi theo hướng khắc phục được các bất cập đang tồn tại. 

Điểm đ khoản 1 Điều 129 của Dự thảo có quy định nguyên tắc “Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định”. Tuy nhiên, các quy định này không đủ tạo ra cơ chế để bảo đảm việc tư vấn này là “độc lập, khách quan, trung thực” như trong quy định mà Dự thảo đã nêu. 

Để khắc phục những bất cập trên về giá đất, theo PGS.TS Phan Trung Hiền, cần bổ sung vào dự thảo nguyên tắc “Việc định giá đất phải công khai, minh bạch và dân chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình.” 

Dự thảo cần quy định công khai tất cả các chứng thư định giá đất và hồ sơ, quy trình định giá đất cho người dân có đất bị thu hồi trên các phương tiện truyền thông địa phương. Song song đó, việc xác định giá đất cụ thể nên tiến hành theo hai bước, gồm: quy trình chuyên môn và quy trình hành chính. 

Quy trình hành chính (phê duyệt giá đất cụ thể) có thể có Chủ tịch UBND, các Sở ngành và UBND cấp huyện tham gia. Quy trình chuyên môn (hội đồng thẩm định giá đất) nên giao cho các chuyên gia tư vấn độc lập, còn thành viên thuộc các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh nếu có tham gia cũng phải dưới 50% thành phần của Hội đồng thẩm định.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.