TS. Trần Du Lịch: Đi tìm giá đất thị trường chẳng khác nào 'tìm lá diêu bông'

Theo TS. Trần Du Lịch, việc đầu cơ đất đai đã đẩy giá lên cao, tạo nên cái gọi là "giá đất thị trường" vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp.

Ngày 21/9, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”, với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương, các sở ngành TP HCM, chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư và người dân bị vướng mắc trong quá trình sử dụng đất. 

 TS. Trần Du Lịch phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Phát biểu tại toạ đàm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, việc sử dụng hiệu quả đất đang gặp hai vấn đề lớn. Đó là tình trạng lãng phí đất do trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, xây "đô thị ma" nhưng không có người ở, chỉ có các đầu cơ "ôm" đất. 

"Việc đầu cơ này đã đẩy giá đất lên cao, tạo nên cái gọi là "giá đất thị trường" vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp. Tôi phản đối những người hay đem giá nhà đất TP HCM so với Tokyo, New York… Họ quên một điều là thu nhập quốc dân của các quốc gia này gấp mấy chục lần nước ta", chuyên gia phân tích.

TS Trần Du Lịch nhận định việc tìm giá thị trường chẳng khác nào "đi tìm lá diêu bông". Tại TP HCM, với mỗi miếng đất thì mật độ xây dựng và tầng cao khác nhau sẽ quyết định mức giá khác nhau nhưng trong Luật Đất đai lại chưa đề cập đến vấn đề này. 

"Đối với phương án đền bù với các trường hợp bị thu hồi đất, cần xem lại và lưu ý bất cập hiện nay. Chúng ta làm theo kiểu người dân "trúng số" hoặc "xui xẻo" khi người mất đất thì thiệt hại, người sau lưng lại hưởng lợi", tiến sỹ nêu ý kiến.

Về vấn đề làm luật, ông Trần Du Lịch ví von "như đan lưới, muốn bắt tất cả các loại cá". Luật nên phân cấp, phân quyền cho địa phương, luật chỉ quy định những vấn đề liên quan quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề thuộc quan hệ dân sự thì không nên đưa vào Luật Đất đai mà nên trả về cho Luật Dân sự...   

Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia nhận định Dự thảo Luật Đất đai còn rườm rà, muốn làm cần phải đối chiếu với các luật khác, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

"Không thể cứ đầu nhiệm kỳ Quốc hội ra luật, cuối nhiệm kỳ Quốc hội lại sửa. Luật pháp phải mang tính ổn định",  ông Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề xác định giá đất, bên cạnh TS. Trần Du Lịch, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã tham gia góp ý tại toạ đàm.

"Về giá đất, chúng tôi rất khổ tâm vì ách tắc. Nên có "phần cứng" là khung giá đất nhưng "phần mềm" là hệ số mềm (hệ số k) để điều chỉnh. Như vậy, TP HCM và các tỉnh, thành dễ định giá đất", ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM đưa ý kiến.

Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn Dương Văn Phúc cũng nêu vấn đề, giá đền bù đất nông nghiệp đã ổn hơn các năm trước nhưng thực tế so với giá thị trường thì rất khác, chưa hài hòa.

"Đất nông nghiệp tại TP HCM, trên giấy chứng nhận là đất trồng lúa thì định giá đất giá trị rất thấp, dù nó có nằm trong quy hoạch khu dân cư và người dân chưa có điều kiện để thực hiện thủ tục chuyển đổi đất", ông Dương Văn Phúc nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.