Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trung Nguyên không bị ai thâu tóm

Ông chủ Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ nói, tự tay điều hành mọi chuyện lớn nhỏ ở tập đoàn, không bị ai thâu tóm và "không bị điên" như quan điểm của vợ.

Ngày 3/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử kín vụ li hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) tiếp tục với phần tranh luận. Sau phiên làm việc buổi sáng, ông Vũ chia sẻ thông tin liên quan đến các nội dung đang được tòa xem xét. Trước các yêu cầu của bà Thảo, Hội đồng xét xử phải 4 lần hội ý sau đó mới tiếp tục xử.

Về việc bà Thảo cho rằng chồng có vấn đề về sức khỏe, đề nghị tòa giám định lại tâm thần, ông Vũ nói "rất buồn", và khẳng định mình khỏe mạnh. 

"Qua (tôi) làm sao mà bệnh, chẳng lẽ tôi hiểu biết hơn người bình thường là có tội, là bệnh sao? Điều này có thể kiểm chứng từ người bảo vệ, giúp việc, lái xe... của tôi", ông Vũ nói.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trung Nguyên không bị ai thâu tóm - Ảnh 1.

Ông Vũ đến toà. (Ảnh: Hữu Khoa).

Tòa phúc thẩm tạo điều kiện cho ông Vũ và vợ hòa giải, hàn gắn hôn nhân như trong kháng cáo của bà Thảo. Bà Thảo mong muốn đoàn tụ "để chăm sóc sức khỏe cho chồng" và sẽ rút lại tất cả các yêu cầu chia tài sản, nhưng ông Vũ từ chối.

Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên giải thích vụ án kéo dài quá lâu, mọi việc đã đi quá xa, đến nay đã không còn điểm dừng.

 "Vợ chồng sống với nhau phải bằng cái tâm thật lòng chứ không phải bằng một thứ gì khác, đau đớn lắm. Tôi đang là bị đơn chứ không phải nguyên đơn", ông nói.

Ông Vũ cho biết hồi năm 2015, TAND TP HCM nhiều lần cho hòa giải. Hai vợ chồng ông nói chuyện trong phòng riêng, thẩm phán khuyên nhủ nhưng bà Thảo cương quyết li hôn. "Giờ toà đưa vụ án ra xét xử thì nói người ta xử ép, không cho đoàn tụ, sao làm như vậy được", ông Vũ nói.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trung Nguyên không bị ai thâu tóm - Ảnh 2.

Ông Vũ nói lí do đề nghị toà xử kín.

Quá trình vụ án được đưa ra xét xử cũng như tại tòa chiều 3/12, bà Thảo nhiều lần khẳng định thời gian ông Vũ lên núi thiền không điều hành hoạt động của công ty nên nhiều nhóm lợi ích đang thâu tóm, dịch chuyển tài sản của gia đình bà ra khỏi Trung Nguyên.

Về vấn đề này, ông Vũ khẳng định là "bịa đặt" và không có ai thâu tóm Trung Nguyên. Việc ông lên núi thiền và trải qua thử thách tâm linh là sự thật, nhưng không vì thế mà bỏ bê việc điều hành công ty. 

"Từng cái tách, cái đế lót li, cho đến mô hình phát triển công ty mấy em ấy (nhân viên) đều phải trình cho tôi duyệt", ông Vũ nói.

Chủ tịch Trung Nguyên cho biết thời gian công an vào công ty để điều tra từ tố cáo của bà Thảo kéo dài nhiều tháng. Mọi hoạt động trong công ty dường như tê liệt, đến việc chi tiền cũng không thể thực hiện được. Nhiều nhân viên bị tổn thương, nhưng vì họ thương ông nên phải nhẫn nhịn, chứ không đã bỏ đi hết. 

"Tôi không muốn giành giật cái gì cả, nhưng vợ muốn đưa mình vào nhà thương điên thì không thể chịu đựng được", ông Vũ nói.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Trung Nguyên không bị ai thâu tóm - Ảnh 3.

Bà Thảo tại toà ngày 2/12. (Ảnh: Hữu Khoa).

Hiện, hai người con lớn của ông Vũ đang học tại Australia, được người thân của ông chăm sóc. Hai con nhỏ vẫn ở với mẹ, học tại quận 2, và đều có người phụ việc chăm sóc. "Vì tôn trọng các con, tôi đồng ý để cô ấy nuôi dưỡng, rồi sắp xếp người thân qua chăm sóc. Tôi nói với mấy đứa là, lớn lên các con sẽ hiểu", ông Vũ chùng giọng khi nhắc đến các con.

Hồi cuối tháng 3, TAND TP HCM cho bà Thảo và ông Vũ li hôn. 4 người con sống với mẹ, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm. Đối với tài sản còn lại, ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và trả lại bà Thảo số tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu.

Bà Thảo kháng cáo, cho rằng tòa "thiên vị ông Vũ", đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Ông Vũ yêu cầu cấp phúc thẩm chia cho mình 70% tài sản. VKS kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm.

Sau 3 lần hoãn xử do bà Thảo ốm, sáng 2/12 TAND Tối cao tại TP HCM lần đầu xét xử phúc thẩm. Phía bà Thảo đưa ra 4 đề nghị: thay đổi HĐXX vì cho rằng không khách quan; trưng cầu giám định lại năng lực hành vi dân sự của ông Vũ; triệu tập một số người liên quan vắng mặt trong đó có các ngân hàng; triệu tập công ty giám định liên quan đến việc định giá giá trị tài sản của Trung Nguyên. Tuy nhiên các yêu cầu này đều bị tòa bác.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.