Ông Đinh La Thăng từng thay đổi lời khai

Bản kết luận điều tra có đề cập tới việc ông Đinh La Thăng từng khai nhận lại hành vi phạm tội khi UBKT Trung ương vào làm việc tại PVN.

Theo bản KLĐT vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì ông Đinh La Thăng – Chủ tịch HĐQT PVN có 4 hành vi vi phạm trong vụ án này. Cụ thể:

Thứ nhất, về chủ trương góp vốn vào OJB và Thỏa thuận tham gia góp vốn số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và OJB

Theo lời khai của ông Thăng, trước khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank – OJB), ông Thăng đã trao đổi nhiều lần với ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh và bà Phan Thị Hòa (thành viên HĐQT PVN) trong việc PVN tham gia góp vốn vào OJB, việc này được thể hiện trên Giấy xác nhận ngày 28/3/2017 và ông Thăng đã cung cấp cho CQĐT để giải trình nội dung này.

Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố điều tra, ông Thăng khai nhận lại: khi UBKT Trung ương vào làm việc tại PVN để có tài liệu xác nhận việc đã trao đổi xin ý kiến thống nhất trong HĐQT trước khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, thời điểm ông Thăng đang là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã điện thoại nhờ ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa và ông Đỗ Văn Đạo (nguyên Thành viên HĐQT năm 2008) xác nhận việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào OJB.

Sau đó, ông Thăng nhờ bà Bùi Thị Nguyệt (trước đây là Ban kiểm soát PVN, nay là Trưởng Ban tổ chức nhân sự PVN) đến trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào giấy xác nhận ngày 28/3/2017 cho ông Thăng mà không có việc thông qua HĐQT hay tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.

Thứ hai, lần góp vốn thứ nhất 400 tỷ đồng theo Nghị quyết số 7289/NQ-DKVN ngày 1/10/2008 để nắm giữ 20% vốn điều lệ mới của OJB.

Về vấn đề này, kết quả xác minh tại PVN thể hiện, từ việc ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ (TTCP) xin chủ trương, đến khi ra Nghị quyết để thực hiện góp vốn ông Thăng cũng không chờ ý kiến của TTCP.

Ngoài ra, tài liệu xác minh còn cho thấy, ngày 14/10/2008, Bộ Tài chính có Công văn số 12144/BTC-TCDN gửi VPCP và PVN về việc góp vốn mua cổ phần của PVN.

Cụ thể công văn có yêu cầu: “để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OJB, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sang để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho hoạt động kinh doanh của OJB, xác định giá trị thực cố phiếu của OJB để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư này”.

Vậy nhưng, khi nhận được công văn này, ông Thăng không chỉ đạo PVN thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Lời khai của ông Hùng, ông Cảnh và bà Hòa thể hiện, ngày 30/9/2008, HĐQT có tổ chức cuộc họp do ông Thăng chủ trì. Tại đây, ông Thăng trao đổi việc PVN góp vốn mua cổ phần của OJB và từ đó các ông bà này mới biết được chủ trương PVN góp vốn vào OJB.

Cũng theo lời của các nguyên Thành viên HĐQT PVN, các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành đều do ông Thăng ký mà không thông qua HĐQT.

Còn ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN thì khai, ông Sự là người ký nháy các vào văn bản và Nghị quyết xin ý kiến của TTCP nhưng chưa có phản hồi thì ông Thăng đã ký Nghị quyết để PVN thực hiện góp vốn 400 tỷ mua cổ phần OJB.

ong dinh la thang tung thay doi loi khai
Theo Bản KLĐT của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thì ông Thăng đã từng khai nhận lại hành vi phạm tội của mình (Ảnh: Nhật Anh)

Thứ ba, lần góp vốn thứ hai bổ sung 300 tỷ đồng theo Nghị quyết số 4658/NQ-DKVN ngày 31/5/2010 nâng tổng số vốn góp của PVN tại OJB lên 700 tỷ đồng

Ngày 21/5/2010 và ngày 29/5/2010, ông Thăng có ý kiến “đống ý tăng vốn” trên báo cáo của Ban TGĐ và trên báo cáo của Ban kiểm soát PVN về việc góp vốn. Trong đó, ông Vũ Khánh Trường – Thành viên HĐQT PVN (được ông Thăng ủy quyền) ký Nghị quyết số 4658/NQ-DKVN về việc chấp thuận phương án tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng của OJB và PVN góp bổ sung để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn điều lệ mới của OJB.

Đến ngày 6/8/2010, ông Thăng ký văn bản số 6873/DKVN đề nghị TTCP chấp thuận phương án góp vốn bổ sung vào OJB trong đợt tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng (được chia làm 2 giai đoạn).

Ngày 7/10/2010, VPCP có công văn số 7119/VPCP-ĐMDN gửi PVN truyền đạt chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ với nội dung: “PVN rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn, trước hết đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt các dự án trọng điểm dầu khí…Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ OJB”

Vấn đề này, ông Thăng khai nhận, việc ký Nghị quyết trước khi có ý kiến của TTCP là để thống nhất trong HĐQT để ban hành chủ trương. Sau khi báo cáo TTCP và được đồng ý bằng văn bản thì mới chuyển tiền để mua cổ phần tại OJB. Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn ngày 25/10/2008 thì đã có ý kiến của TTCP nên không vi phạm.

Thứ tư, lần góp vốn thứ 3 thêm 100 tỷ đồng theo Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011 nâng tổng số vốn góp của PVN tại OJB lên 800 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn điều lệ của OJB.

Ngày 10/5/2011, ông Thăng ủy quyền điều hành HĐTV cho Nguyễn Xuân Thắng từ ngày 16/5 đến ngày 18/5/2011.

Ngày 16/5/2010, căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Ban tài chính kế toán (Ninh Văn Quỳnh), Ban TGĐ (Nguyễn Xuân Sơn – giữ chức vụ Phó TGĐ), kết quả biểu quyết của các thành viên HĐTV (Thắng, Liêm, Trường, Đức) Nguyễn Xuân Thắng ký Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của OJB lên 5.000 tỷ đồng xuống 4.000 tỷ đồng. PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng nâng tổng số vốn góp lên 800 tỷ đồng để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ của OJB.

Vấn đề này, ông Thăng trình bày việc góp vốn bổ sung số tiền 100 tỷ đồng theo Nghị quyết 4266 để nâng số vốn góp lên 800 tỷ ông Thăng nhận thấy việc góp vốn này là trái với quy định của khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Tuy nhiên, do bận đi công tác tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng đã ủy quyền điều hành HĐTV cho ông Thắng. Do vậy, ông Thăng cho rằng không liên quan đến việc ban hành Nghị quyết số 4266 ngày 16/5/2011.

Như vậy, xuyên suốt từ khi ký Thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm để PVN góp vốn vào OJB, ông Thăng đã không thông qua HĐQT, đồng ý chủ trương, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa có ý kiến của TTCP, ký quyết định phân công người đại diện 20% phần vốn góp của PVN tại OJB giai đoạn 2008 – 2011.

Từ đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ông Thăng đã làm trái khoản 4 Điều 16 (nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT), khoản 1 Điều 20 (chế độ làm việc của HĐQT), Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-TTg ngày 14/3/2007 của TTCP.

Ngoài ra, ông Thăng còn làm trái với khoản 3 Điều 27 (quyền hạn của HĐQT) Quy chế quản lý tài chính Cty mẹ-PVN ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 quy định: “trình TTCP phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng, đầu tư ra ngoài Cty mẹ…”

Đồng thời hành vi của ông Thăng còn làm trái với chỉ đạo của TTCP tại công văn số 3780/VPCP-ĐMDN ngày 6/6/2008 của Văn phòng Chính phủ và trái với khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”

Hành vi vi phạm nêu trên của ông Đinh La Thăng đã gây thiệt hại cho PVN là 800 tỷ đồng

Bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ đề cập đến lời khai của các “bộ sậu” trong tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

ong dinh la thang tung thay doi loi khai Điểm lại 11 tội danh hình sự sắp bị bãi bỏ
chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.