'Ông hoàng sá xị' Chương Dương lún sâu vào khủng hoảng

Chương Dương vừa trải qua một năm kinh doanh đáng quên với khoản lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006.  

Sản lượng tiêu thụ giảm hơn 7 triệu lít khiến doanh thu thuần trong giai đoạn cuối năm 2017 của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã CK: SCD) giảm 47% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 88 tỷ đồng. Tiết kiệm triệt để chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn không giúp công ty thoát khỏi một quý kinh doanh bết bát với khoản lỗ 17 triệu đồng.

Trong khi thị trường đồ uống duy trì đà tăng trưởng ổn định thì doanh thu và lợi nhuận của “ông hoàng sá xị” lại đồng loạt giảm mạnh. Lũy kế cả năm ghi nhận 339 tỷ đồng doanh thu và 2,2 tỷ đồng lỗ trước thuế. Đây là năm đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006, đồng thời kém xa chỉ tiêu 494 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, phía kiểm toán trong báo cáo tài chính hồi giữa năm từng nhấn mạnh, nếu áp dụng chuẩn mực kế toán thì công ty phải trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc cho nhân viên ước tính khoảng 9 tỷ đồng, đồng nghĩa lợi nhuận sẽ giảm thêm một khoản tương ứng.

Tính đến cuối năm, tổng giá trị tài sản của công ty xấp xỉ 240 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền, các khoản tương đương tiền và phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu tài sản.

ong hoang sa xi chuong duong lun sau vao khung hoang

Hàng loạt khó khăn bủa vây khiến Chương Dương ngày càng khó tìm lại vị thế "ông hoàng sá xị".

Khó khăn của Chương Dương, cũng như nhiều doanh nghiệp truyền thống khác là việc chậm thích nghi với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như hạn chế vốn đầu tư.

Hiện, công ty vẫn vật lộn với công nghệ sản xuất từ những năm 2000 nên nhiều sản phẩm muốn tung ra thị trường số lượng lớn đều phải thuê gia công bên ngoài. Điều này khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Công ty từng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013-2017 tăng trưởng doanh thu bình quân 10-15% mỗi năm. Thế nhưng, qua mỗi năm công ty lại giảm dần chỉ tiêu bởi sức ép cạnh tranh khi các hãng nước giải khát nước ngoài xâm chiếm thị phần nội địa.

Đối mặt với thực tế này, thương hiệu sá xị hơn 40 năm tuổi liên tiếp “phản đòn” bằng chính sách giảm giá sản phẩm và tăng chiết khấu thương mại cho nhà phân phối. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty thừa nhận việc này chỉ mang lại tác dụng tích cực trong ngắn hạn là hoàn thành chỉ tiêu sản lượng và lợi nhuận, nhưng chưa đủ giúp công ty phát triển ổn định và bền vững.

Chiến lược phân phối và bán hàng tồn tại nhiều lỗ hỏng cũng là một trong những điểm yếu cốt tử của Chương Dương. Đơn cử như việc công ty chỉ tập trung cho một số nhà phân phối mà lơ là mở rộng thị trường, thiết lập mạng lưới điểm bán hàng. Số lượng và ngân sách dành cho nhân viên tiếp thị tăng dần đều trong những năm gần đây nhưng hiệu quả hoạt động lại tương đối mờ nhạt.

Phương Đông

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.