2020 bắt đầu bằng hãng bay Delta Airlines kỉ niệm năm thành công nhất trong lịch sử, với lợi nhuận năm 2019 kỉ lục 1,6 tỉ USD cùng 90.000 nhân viên của mình.
Nhưng ăn mừng chưa được bao lâu, các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, đã khiến cho du lịch hàng không gần như ngừng trệ, hãng bay rơi vào tình cảnh chảy máu tiền mặt và sẽ còn giảm thêm 10 sân bay từ mạng lưới vốn đã cắt giảm mạnh mẽ từ trước đó.
Ngay cả khi Delta và các hãng hàng không lớn khác ở Mỹ cắt giảm mạnh mẽ các chuyến bay của mình, trung bình họ vẫn thiếu 23 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa. Mất từ 350 triệu đến 400 triệu USD mỗi ngày do các chi phí như tiền lương, tiền thuê nhà và bảo trì máy bay, có giá trị vượt xa số tiền họ đang thu vào.
Theo Airlines for America, một nhóm thương mại hàng không, cho biết lưu lượng hành khách đã giảm khoảng 94%, một nửa trong số 6.215 máy bay của ngành công nghiệp hàng không Mỹ đang đỗ tại các sân bay lớn và đường băng bị bỏ trống.
Dù chịu sức tàn phá như một suy thoái khủng khiếp càn quét qua, viễn cảnh tương lai ngành hàng không thậm chí sẽ còn trở nên ảm đạm hơn nữa khi chưa có vắc-xin ngừa Covid-19.
Ngay cả khi người dân bắt đầu bay trở lại, ngành công nghiệp này cũng sẽ có thể phải trải qua những biến chuyển mới, giống như những gì đã xảy ra sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ.
Cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đẩy nhiều hãng hàng không, đặc biệt là những hãng nhỏ vào tình trạng phá sản, hay khiến họ trở thành mục tiêu "màu mỡ" để tiếp quản.
Lo ngại về sức khỏe sẽ khiến các hãng bay phải tái cấu trúc lại chỗ ngồi, và dù các hãng có cố gắng lôi kéo khách hàng bằng những chiến dịch giảm giá, khi kết quả vẫn không đủ lấp đầy các chuyến bay, phải tăng giá vé.
Ông Henry Harteveldt, Chủ tịch Atmosphere Research Group - một công ty phân tích du lịch ở San Francisco, Mỹ, cho rằng các hãng vận tải hàng không có thể sẽ tiếp tục để trống ghế "cho đến khi nhu cầu bay vượt quá 2/3 so với thời điểm trước đại dịch".
Trước đó, dù đã vận động thành công một gói cứu trợ khổng lồ từ chính phủ liên bang Mỹ, một nửa trong số khoản tiền này sẽ được sử dụng để chi trả cho tiền lương nhân viên, dự kiến đến tháng 9 khoản tiền này sẽ hết sạch.
Không có tầm nhìn xa nào có thể chuẩn bị cho một đại dịch như Covid-19
Ngay cả hãng Southwest Airlines, đã báo cáo có lợi nhuận năm thứ 47 liên tiếp vào tháng 1/2020, cũng thông báo dự kiến mất trung bình từ 30- 35 triệu USD mỗi ngày trong tháng 6.
American Airlines, hãng bay lớn của Mỹ có khoản nợ cao nhất, đang đặt mục tiêu giảm lỗ xuống còn 50 triệu USD/ngày cho đến cuối tháng tới.
Delta và United Airlines cũng là những đại diện có lợi nhuận tăng sau vài năm có lãi, hiện đã chuẩn bị cho một năm 2020 u ám với hầu như không có doanh thu từ hành khách bay nào.
Để ngăn chặn việc chảy máu tiền mặt, các hãng hàng không đã tiến hành giảm mọi chi phí có thể cắt giảm được, đóng cửa hàng chục phòng chờ sân bay từng được coi là yếu tố quan trọng để thu hút khách thường xuyên đi lại, như nhân viên các ngân hàng đầu tư.
Ngoài ra, các hãng còn trì hoãn tuyển thêm nhân sự và tiền thưởng, cắt giảm ngân sách quảng cáo và công nghệ, trì hoãn các đượt cải tạo lại cabin máy bay.
American Airlines đã cho toàn bộ phi đội bay gồm 34 chiếc Boeing 757 và 9 chiếc Airbus A330-300 "về vườn" trước thời hạn dự kiến. Southwest Airlines đã giảm hơn một nửa số lượng đơn đặt hàng cho chiếc Boeing 737 Max của mình.
Các hãng hàng không Mỹ đã cắt giảm mạnh mẽ lịch trình bay tới 90%, và dù có muốn, các hãng bay này cũng không thể cắt giảm nhiều hơn được nữa.
Các lịch trình bay thường được lên kế hoạch trước vài tuần, trong khi nhiều chi phí cho chuyến bay như chi phí cho phi hành đoàn và phi công, đều là những chi phí cố định.
Ngoài ra, gói cứu trợ khủng của chính phủ liên bang Mỹ trong tháng 3 đã yêu cầu các hãng hàng không phải tiếp tục cung cấp dịch vụ ở mức tối thiểu, hơn nữa chỉ đỗ máy bay cũng ngốn kha khá chi phí cho các hãng.
Song, dù chỉ có thưa thớt hành khách, các hãng hàng không có thể thu được một khoản tiền từ việc chuyên chở hàng hóa theo cùng chuyến bay.
Mong muốn bảo toàn tiền mặt, các hãng hàng không cũng không khuyến khích khách hàng của mình hoàn tiền, thay vào đó sẽ cung cấp các phiếu giảm giá cho những chuyến đi trong tương lai.
Tuy nhiên, việc này đang dấy lên các vấn đề về mặt pháp lí ở Mỹ, hành khách được quyền hoàn tiền cho các chuyến bay bị hủy.
Ông Nicholas Calio, CEO tập đoàn thương mại hàng không Airlines for America, cho rằng nếu hoàn trả tất cả các vé của các chuyến bay bị hủy, các hãng bay có thể sẽ bị phá sản.
Ngành công nghiệp này cũng đang dựa vào sự tự nguyện của nhân viên, để tiết kiệm chi phí. Đã có hơn 100.000 nhân viên tự nguyện chấp nhận ít giờ làm hơn, lương thấp hơn hoặc nghỉ hưu sớm hơn.
Hiện tại, Mỹ đã dành ra 25 tỉ USD để trả lương cho lực lượng lao động đến hết tháng 9, miễn là các hãng bay không áp dụng các biện pháp cho nghỉ không lương hay cắt giảm lương.
Nhưng một số hãng hàng không đang gần vi phạm các giới hạn này. Nhiều CEO của các hãng bay đã ra dấu hiệu rằng, khi những biện pháp bảo vệ này hết hạn, họ sẽ buộc phải sa thải nhân sự.
CEO Southwest Airlines Gary Kelly trong tháng 4, đã cảnh báo các nhân viên rằng nếu không có sự phục hồi mạnh mẽ nào trong tháng 7, hãng hàng không có thể sẽ thu hẹp qui mô.
Khi có dấu hiện phục hồi, người dân lại ngại… bay
CEO của các hãng hàng không và các nhà phân tích đều cho rằng sẽ mất nhiều năm để họ có thể bay như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Và ngay cả tại thời điểm đó, sự phục hồi sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào các tiến bộ y khoa, điều kiện nền kinh tế và mức chịu rủi ro mới của cộng đồng người dân.
Đơn cử như Trung Quốc, dù có số lượng các chuyến bay nội địa bắt đầu phục hồi vào giữa tháng 2, nhưng lại hạ thấp xuống vào đầu tháng 3 ở mức chỉ hơn 40% trước khi dịch bệnh bùng phát, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.
Hàng loạt các cuộc thăm dò ý kiến đã chỉ ra rằng đại đa số mọi người sẽ chờ đợi khá lâu trước khi bay trở lại.
Theo một khảo sát gần đây của Quĩ Dân chủ + Dự án U.C.L.A. Nationscape ở Mỹ, 60% người tham gia cho biết họ "chắc chắn hoặc có thể" sẽ không bay, ngay cả khi các lệnh ở yên tại nhà được dỡ bỏ.
"Các hãng hàng không chắc chắn cần phải quay trở lại hoạt động nhưng sẽ phải đối mặt với các khách hàng e ngại việc di chuyển xa", ông Harteveldt nhận định.
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trên khắp thế giới sẽ phải vật lộn với nỗi sợ hãi và sự tin tưởng để chọn đi máy bay trở lại".
Nỗ lực thích ứng với điều kiện mới
Kể từ đầu tháng 3, ngành công nghiệp hàng không đã liên tục tăng cường các nỗ lực cải thiện qui trình đảm bảo an toàn, nhằm thuyết phục hành khách rằng đi lại bằng máy bay sẽ không có nguy cơ sức khỏe nào.
United Airlines và Delta Airlines đã bắt đầu yêu cầu hành khách bay đeo khẩu trang, theo sau là American Airlines và Southwest Airlines.
Bắt đầu từ ngày 1/6, Frontier Airlines trở thành công ty đầu tiên của Mỹ tuyên bố sẽ từ chối hành khách hoặc thành viên phi hành đoàn có nhiệt độ từ 100,4 độ F trở lên (tương đương 38 độ C trở lên).
Dù trong điều kiện khắc khổ, và phải cắt giảm phần lớn qui mô hoạt động để bảo toàn tiền mặt, các hãng hàng không đang cố gắng kiếm tiền hết sức có thể, thông qua các chuyến bay không cần thiết vận chuyển hàng hóa, như các vật tư y tế, tận dụng sự tăng vọt của giá cước vận tải.
Song, một viễn cảnh về việc mọi thứ sẽ lạc quan trở lại vào mùa xuân năm 2021 đang trở thành động lực cho các hãng bay quốc tế.
Ông Scott Kirby, Chủ tịch United Airlines đã thông báo trong tháng này rằng hãng hàng không đã ghi nhận sự tăng đột biến các lượt tìm kiếm cho chuyến du lịch kì nghỉ xuân năm 2021, thậm chí còn nhiều hơn so với thời điểm này năm 2019.
Tuy nhiên những vị khách tiềm năng này "không tiến hành đặt vé bay cho đến khi virus Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn", ông Kirby nói.
New York Times bình luận: "Từ đây đến kì nghỉ xuân 2021 vẫn còn gần một năm nữa, điều quan trọng hiện tại là liệu ngành công nghiệp hàng không có chờ được đến lúc đó hay không".
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020