Ông Võ Ngọc Ân thăm "trang trại" trăn 40m2 của mình. Ảnh: Khải An |
Đón chúng tôi tại căn nhà nằm cạnh bờ biển thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang – Khành Hòa, ông Võ Ngọc Ân dẫn chúng tôi lên sân thượng đã được lợp tôn kiên cố.
Chỉ vào các thùng phi nhựa xẻ đôi, được khoan lỗ đều tăm tắp, ông nói: “Trang trại trăn của tôi đó, mỗi phi nhựa là chuồng nuôi nhốt 1-2 con trăn tùy kích thước”.
Nói rồi, ông mở cửa lồng, nghe tiếng động, con trăn bên trong lè lưỡi phát tiếng kêu khì khì rồi thò đầu ra ngoài.
Người đàn ông vừa bước qua tuổi thất thập cổ lai hy cười khà khà: “Nó đói, như một thói quen thấy cửa mở là thò đầu ra kiếm ăn. Thấy vậy chứ chúng hiền lắm, ăn no rồi nằm yên trong lồng. Chỉ lúc đói mới ngo ngoe xíu rồi thôi”.
Như cảm nhận được sự tò mò của chúng tôi ông Ân kể, trước đây ông làm biển, từ đánh bắt ngoài khơi đến nuôi tôm, nuôi ốc… Nhưng sau khi gia đình thua lỗ vụ tôm hùm hơn 2 tỷ đồng cũng là lúc ông nhận ra sức khỏe không cho phép bám biển.
Trăn trở nhiều đêm liền để tìm cuộc mưu sinh mới trên cạn vốn không phải sở trường đã làm ông lao tâm.
Ông Ân nuôi gần 100 con trăn đất cho thu nhập ngoài 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Khải An |
Tuy làm nghề biển dã, nhưng bản tính vốn thích đọc sách và tìm hiểu nên ông nhận thấy việc nuôi trăn có vẻ phù hợp với người cao tuổi và không chiếm nhiều diện tích. Bàn với với gia đình, ông Ân “khởi nghiệp” với 4 con trăn khi bước qua tuổi 60.
“Tôi bắt đầu nuôi trăn từ năm 2009, thời điểm đó Khánh Hòa chưa có ai nuôi nên không có người đi trước học hỏi kinh nghiệm.
Từ 4 con trăn giống, tôi tìm tòi và thiết kế chuồng trại cho phù hợp, đến nay “trang trại” của tôi có gần 100 con, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Đây là một công việc thú vị với một người có tuổi như tôi”, người đàn ông phương phi, phúc hậu tâm sự.
Gọi trang trại nhưng đó là khoảng sân thượng gần 40m2 được ông thiết kế thành 3 gian kệ. Mỗi gian cao 4 tầng, mỗi tầng chứa nhiều thùng phi bằng nhựa được cưa đôi và khoan lỗ để nuôi nhốt trăn.
Hiện “trang trại” trên sân thượng có thể nuôi nốt cùng lúc 100 con trăn lớn nhỏ. Tuy nhiên với kinh nghiệm, ông nuôi xoay vòng, mỗi lứa xuất bán vài chục con, cách vài tháng lại xuất một lứa.
Với cách bài trí hợp lý, ông Ân đã tận dụng 40m2 để nuôi trăn. Ảnh: Khải An |
Theo ông Ân, nước tiểu trăn rất nóng nên ăn mòn sắt rất cao do đó ông chuyển từ lồng sắt sang lồng nhựa có đế bằng gỗ để tăng độ bền.
Riêng việc nuôi xoay vòng, ông chia sẻ: “Sau một thời gian, tôi phát hiện ra nuôi nhiều con trong cùng một chuồng khiến chúng chậm phát triển do tranh giành thức ăn của nhau; rồi việc cho ăn đại trà sẽ không kiểm soát được thời gian cung cấp thức ăn cho mỗi con.
Tôi đã khắc phục bằng cách phân ra mỗi con một chuồng nuôi khác nhau và ghi chép cụ thể ngày tháng cho ăn của chuồng đó”.
Với cách nuôi của mình, ông Ân nhẩm tính, cứ mỗi 3- 4 kg mồi (chuột cống, đầu cổ gà công nghiệp) sẽ cho một ký trăn thịt.
Trung bình, 1-2 tuần ông cho trăn ăn một lần và sau một năm nuôi nhốt trăn từ ngón tay cái sẽ đạt trọng lượng 5-10kg để xuất bán với giá 300.000 đồng/kg.
Riêng việc vệ sinh chuồng trại cụ làm mỗi ngày để tránh bệnh tật và luôn giữ môi trường sạch sẽ.
“Nuôi trăn không tốn nhiều công chăm sóc, tiền mồi cũng không nhiều nếu bẫy được chuột cống thì tốt sẽ giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Cái quan trọng trong việc nuôi trăn không phải ở đầu ra hay cách chăm sóc mà là con giống. Nếu con giống tốt việc nuôi nhốt sẽ đảm bảo trăn ít bệnh và tăng trường tốt”, cụ Ân bật mí.
Từ trãi nghiệm thực tế, ông Ân đã ghi chép ngày giờ trăn ăn để tiện theo dõi. Ảnh: Khải An |
Để tiết kiệm chi phí mua giống, ông Ân còn nuôi thêm 1 cặp trăn bố mẹ cho sinh sản. Kinh nghiệm của ông Ân cho biết, thường thì trăn sẽ giao phối với nhau trong tháng 10 – 11 âm lịch. Đến hơn 4 tháng sau thì sinh sản từ 70 – 80 trứng và đạt tỷ lệ nở khoảng 60 – 80% phụ thuộc vào thời tiết.
Ông cũng cho biết thêm, để nuôi trăn trong phố ông phải xin giấy phép của Kiểm lâm và phía Kiểm lâm luôn có người đến kiểm tra đánh giá và chuồng trại, cách nuôi của ông luôn đảm bảo các qui định.
“Tôi nghĩ, với những người muốn khởi nghiệp, trăn là con vật có thể làm giàu an toàn. Để xây dựng chuồng trại và con giống bước đầu chỉ vài chục triệu nhưng gầy đàn được 100 con sẽ có doanh thu gần 200 triệu đồng năm. Nuôi trăn rất an toàn và không tốn nhiều diện tích nên có thể nuôi được trong nội ô”, ông Ân nói.
Tận dụng sân thượng 40m2, người đàn ông ngoài 70 tuổi đang thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Khải An |
Hiện ông Ân vừa xuất bán một lứa trăn với tổng trọng lượng hơn 300kg với giá 300.000/kg trăn thương phẩm và còn khoảng 30 con từ 5-10kg. Sắp tới ông sẽ nhập con giống và nếu có sức khỏe ông sẽ mở rộng chuồng trại.
“Nghề này không khó đâu, giờ ngày nào tôi không lên tầng thượng thăm chúng là thấy khó chịu. Lâu dần, với tôi đây ngoài là công việc còn là một thú vui lúc về già”, ông cười khà khà.
Khánh Hòa: Dân đứng ngồi không yên vì ốc hương chết hàng loạt
Nhiều người dân nuôi ốc hương ở Khánh Hòa như "ngồi trên lửa" vì ốc đang chết hàng loạt. |