Ông Phạm Văn Tam: Cuối tháng 8 Asanzo có khả năng phá sản, sa thải lao động vì không còn năng lực tài chính để hoạt động

Ông Tam cho biết nếu đến cuối tháng này vẫn chưa có kết luận thanh, kiểm tra, Asanzo buộc phải cân nhắc tạm đình chỉ hoạt động, có nguy cơ phá sản vì không còn khả năng tài chính.

Liên quan vụ việc Asanzo bị báo chí tố bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt thời gian qua, ngày 26/8, Chủ tịch HĐQT Asanzo - ông Phạm Văn Tam tiếp tục gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng và các Bộ, ngành. Thư gửi ông Tam trình bày hiện doanh nghiệp chưa nhận được bất kì kết luận thanh tra, kiểm tra nào từ cơ quan chức năng.

pham-van-tam-asanzo-trungson-1641-1561385225-156353472550849536529-15639577356491784324030

Ông Tam cho biết nếu đến cuối tháng này vẫn chưa có kết luận thanh, kiểm tra, Asanzo buộc phải cân nhắc tạm đình chỉ hoạt động. (Ảnh: VnExpress).

Theo ông Tam, sau hơn 2 tháng kể từ khi Asanzo bị nghi vấn nhập linh kiện Trung Quốc về thay mác thành hàng "Made in Vietnam", doanh nghiệp đã phối hợp với các đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu pháp lí, hồ sơ chứng từ, hợp đồng, số liệu kế toán… nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh, kiểm tra.

"Chúng tôi lo ngại thời điểm ra kết luận có thể lại tiếp tục kéo dài đến sau ngày 30/8/2019 - thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải ra kết luận", văn bản do ông Tam kí cho biết.

Ngoài ra, Chủ tịch Asanzo cũng cho biết thêm lo ngại này là điều rất có thể xảy ra. Bởi trong những ngày cuối cùng của tháng 8, vẫn còn một số cơ quan tiếp tục yêu cầu cung cấp hồ sơ và doanh nghiệp vẫn phải giải trình về vụ việc.

Ông Tam bày tỏ lo ngại suốt 2 tháng qua, doanh nghiệp trong tình trạng có chi mà không có thu. Doanh thu thiệt hại khoảng 80%, con số thiệt hại ước tính trước mắt lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đồng thời, thị phần cũng sụt giảm nghiêm trọng từ sự cố.

"Công ty chúng tôi lâm vào cảnh kiệt quệ, không còn đủ khả năng tài chính để kéo dài hoạt động được nữa. Nhiều nhân sự quan trọng của các phòng ban chức năng đã không còn đủ sức khỏe vì làm việc cả ngày lẫn đêm suốt 2 tháng qua", ông Phạm Văn Tam cho biết.

anh-chup-man-hinh-2019-06-22-luc-162525-156119553529059943967

Kế hoạch năm nay, Asanzo sẽ có doanh thu khoảng 10.000 tỉ nhưng sự cố hơn 2 tháng qua khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỉ. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Vì vậy, ông Tam cho rằng nếu tình hình cứ tiếp tục kéo dài trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, thì doanh nghiệp không còn đủ năng lực tài chính để hoạt động, thậm chí phá sản.

"Nếu đến ngày 30/8/2019 các cơ quan chức năng không công bố kết luận theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể chúng tôi buộc phải cân nhắc xem xét tạm đình chỉ hoạt động, vì không còn khả năng tài chính. Và vấn đề phá sản là nguy cơ trước mắt đối với công ty chúng tôi, mặc dù rất xót xa nhưng chúng tôi buộc phải sa thải lao động hàng loạt", ông Tam viết trong tâm thư.

Ông chủ Asanzo bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng sớm có kết luận thanh, kiểm tra chính thức về vụ việc để doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.000 người lao động.

Trong một chia sẻ vào giữa tháng 8, ông Tam khẳng định những cáo buộc về việc hãng thay tem, xuất xứ hàng Trung Quốc thành "Made in Vietnam" thời gian qua là hoàn toàn sai sự thật, khiến Asanzo bị thiệt hại nặng nề.

Chậm có kết quả vì thủ tục điều tra phức tạp

Liên quan vụ việc, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin Asanzo nhập khẩu hàng nước khác, gắn mác xuất xứ Việt Nam bán ra thị trường, và làm rõ các vi phạm để xử lí theo quy định pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo kết quả Thủ tướng trước ngày 30/7/2019. Tuy nhiên, theo các Bộ, do tính chất phức tạp của vụ việc nên các cơ quan liên quan cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng muộn hơn.

Chánh Văn phòng của Ban Chỉ đạo 389 cho rằng phải tới 30/8 mới có kết luận vụ việc.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết quá trình xác minh vụ việc liên quan nhiều doanh nghiệp, nên việc tiến hành điều tra, xác minh có phần phức tạp, khiến thời gian có kết luận cuối cùng chậm hơn dự kiến.

Khủng hoảng Asanzo diễn ra thế nào?

Ngày 21/6, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.

Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".

Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…

Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này, và cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông nói khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.