Ông Trịnh Văn Quyết từng là tỷ phú USD giàu nhất thị trường chứng khoán, ghi dấu đậm nét qua nhiều đại dự án và hãng hàng không Bamboo Airways

Trên thị trường bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết được ví như "linh hồn" của Tập đoàn FLC cùng hàng loạt đại dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, sân golf trải dài nhiều tỉnh thành. Ông Trịnh Văn Quyết từng là tỷ phú USD giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trước khi bị khởi tố.

Hành trình từ luật sư thành tỷ phú USD trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa Luật tại Đại học Luật Hà Nội và là một thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Hiện, ông Quyết đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Tre Việt (Hãng hàng không Bamboo Airways) cùng hàng loạt công ty khác trong hệ sinh thái FLC. 

 Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC. (Ảnh: Vnexpress). 

Ông Quyết lập nghiệp bằng cách lập văn phòng gia sư và kinh doanh điện thoại. Đến năm 2001, ông sáng lập CTCP Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (SMiC) với ngành nghề chính là tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ…, khi đó, ông đang là một luật sư. 

Năm 2008, ông thành lập Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với vốn điều lệ 18 tỷ đồng, tiền thân của Tập đoàn FLC. Năm 2009, Trường phú Fortune được chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi mới CTCP Đầu tư tổng hợp CRV.

Đến năm 2010, ông Quyết sáp nhập các công ty thành viên và thành lập nên Tập đoàn FLC, dần lấn sâu hơn trong mảng đầu tư bất động sản. 

Một năm sau, năm 2011, FLC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và đến năm 2013 thì chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Hiện, vốn điều lệ của công ty đạt gần 7.100 tỷ đồng. 

 Tổng hợp: Hiền Minh. 

Nắm trong tay hàng trăm triệu cổ phiếu FLC, ROS,..., năm 2017, ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). 

Năm 2021, theo danh sách mà Báo Vietnamnet công bố, ông Quyết đứng thứ 3 trong top 10 những doanh nhân nổi bất nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo cơ quan này ước tính, tài sản vốn hóa của ông Quyết là gần 48.000 tỷ đồng, xếp sau Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long. 

Không chỉ thành công trên thương trường, nói về sự nghiệp luật sư của ông Quyết, năm 2012, ông từng là một trong 5 luật sư được vinh danh là Luật sư tiêu biểu trên tổng số hơn 7.200 luật sư hoạt động khắp cả nước trong chương trình bình chọn “Vinh danh Hãng luật và luật sư tiêu biểu” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông chủ của nhiều đại dự án nghỉ dưỡng, ghi dấu thêm lĩnh vực hàng không nhờ Bamboo Airways

Trên thị trường bất động sản, doanh nghiệp của ông Quyết được biết đến là một "đại gia" với quỹ đất lớn cùng hàng loạt dự án trải dài từ Bắc chí Nam, đặc biệt là trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf.

Một trong những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản của FLC là dự án Tòa nhà FLC Landmark Tower, được khởi công vào tháng 10/2009 và hoàn thành vào tháng 2/2012. Dự án có quy mô hơn 0,4 ha, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Tòa nhà FLC Landmark Tower, một trong những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản của FLC. (Ảnh: FLC).  

Hiện, FLC thông tin đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất. Theo kế hoạch, năm 2022, công ty sẽ xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…, trong đó có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn…

Tháng 4 sắp tới, công ty cũng dự kiến khởi công dự án Khu phức hợp kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và đô thị sinh thái FLC Mega City Bạc Liêu với 10 phân khu, điểm nhấn chính là tổ hợp sân golf gần 80 ha với tổ hợp resort sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp cùng công viên sinh thái có cấu trúc mở, quy mô trên 16,7 ha.

Ngoài thị trường trong nước, FLC cũng cùng doanh nghiệp Lào, PetroTrade ký kết MOU về hợp tác phát triển dự án Tuyến đường Viêng Chăn – Vũng Áng, đồng thời bày tỏ tham vọng xây dựng các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Lào.

Bên cạnh BĐS, ông Quyết còn nuôi "giấc mơ bay" với Hãng hàng không Bamboo Airways đã đi vào vận hành từ năm 2019. (Ảnh: FLC). 

Bên cạnh bất động sản, ông Quyết cũng được biết đến là chủ của Hãng hàng không Bamboo Airways. Chuyến bay đầu tiên mang thương hiệu của ông đã cất cánh vào năm 2019.

Năm 2020, trong bối cảnh ngành hàng không “lao đao” vì dịch bệnh, Bamboo Airways là một trong những hãng hiếm hoi trên thế giới ghi nhận kết quả tăng trưởng, tổng số chuyến bay mà hãng hàng không này khai thác và số lượt khách đã vượt 10% so với cùng kỳ.

Chủ tịch cùng nhóm công ty liên tục vướng vào sai phạm

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, ông Quyết cùng FLC và các doanh nghiệp liên quan liên tục trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán sau những lần vi phạm quy định pháp luật. 

Tối ngày 10/1, website FLC đã công bố bản đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, thời gian giao dịch từ 10/1 - 17/1, vi phạm quy định phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc, theo Thông tư 96/2020/TT-BTC. 

Trong ngày đầu của lần giao dịch này (ngày 10/1), ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Tạm tính theo giá chốt phiên là 21.150 đồng/cp, ước tính ông Quyết đã thu được khoảng 1.582 tỷ đồng. 

Tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ra văn bản hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nói trên của ông Quyết. 

Đến ngày 18/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức ra quyết định xử phạt đối với ông Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỷ đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng 5 tháng.

Sự kiện này cũng khiến hàng loạt mã cổ phiếu từ các doanh nghiệp “họ” FLC liên tục chìm trong sắc đỏ, thậm chí là giảm về mức giá sàn. 

Giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/1 của các cổ phiếu họ FLC sau lùm xùm bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết. (Nguồn: VNDirect). 

Cuối tháng 1, UBCKNN cũng “tuýt còi” một đơn vị thành viên khác của FLC là FLCHomes do công bố thông tin sai lệch và công bố thông tin không đúng thời hạn. Tổng mức phạt là 145 triệu đồng.  

Đến cuối tháng 3, cơ quan này cũng ra quyết định phạt FLC với số tiền 495 triệu đồng do vi phạm không công bố thông tin, công bố thông tin sai lệch, không đầy đủ cũng như không đảm bảo được số lượng thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật. 

Ngày 28/3, loạt tin đồn về ông Quyết lại một lần nữa khiến loạt cổ phiếu “họ” FLC một lần nữa “nằm sàn”, trắng bên mua ngay từ những phút đầu phiên giao dịch. 

 

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.