Nếu đã từng một lần trải nghiệm sự "nhồi nhét" khách trên những chuyến xe khách liên tỉnh thì có lẽ chẳng ai cảm thấy thích thú cả. Thậm chí, những lái xe, phụ xe có hành vi nhồi nhét còn có khả năng bị hành khách tẩy chay.
Thế nhưng, ở Nhật Bản, nhồi nhét hành khách lại là một nghề, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những "oshiya" hay "pusher" - người đẩy hành khách lên tàu để đảm bảo giờ giấc.
Gần như tất cả mọi ấn tượng về Nhật Bản trong mỗi người là sự chính xác tuyệt đối và nguyên tắc "thời gian là vàng". Và nguyên tắc này không sai đối với những chuyến tàu điện - phương tiện giao thông quan trọng trong các thành phố lớn.
Những oshiya tồn tại với mục đích như vậy, hay nói cách khác: Oshiya xuất hiện ở cửa các chuyến tàu chuẩn bị chuyển bánh, đeo găng trắng, mặc đồng phục và liên tục đẩy, dồn hành khách cho đến khi cửa tàu có thể đóng lại.
Theo thống kê, tại thủ đô Tokyo, mỗi ngày có tới 40 triệu lượt hành khách sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại (theo số liệu năm 2016). Trên hầu hết các tuyến đường, các chuyến tàu đi cách nhau chỉ 5 phút, trung bình và trong thời gian cao điểm, chúng thường chạy từ 2 đến 3 phút. Đó là khoảng 24 chuyến tàu mỗi giờ đi theo một hướng.
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản thì gần như tất cả các trạm tàu điện ngầm Tokyo hoạt động ở mức… quá tải, một vài trạm còn hoạt động tới 200% công suất.
Các chuyên tàu quá tải là điều không lạ lẫm ở Nhật Bản. |
Thế nhưng, với số lượng khách đi tàu khổng lồ. Rõ ràng, những oshiya đóng vai trò hết sức quan trọng. Thậm chí, oshiya được coi là một nghề "căng thẳng" và "stress" - theo Amazing Planet.
Không chỉ đơn thuần là một công việc yêu cầu sức khỏe, các Oshiya cần rất nhiều kỹ năng và phải làm việc theo những nguyên tắc rõ ràng. Đầu tiên, các Oshiya cần phải đeo găng tay trắng để khách hàng có thể nhận biết được, tránh nguy cơ đụng chạm không cần thiết.
Thứ hai, khi thực hiện đẩy khách, phải đẩy bằng hai tay vì lực đẩy bằng hai tay sẽ cân bằng hơn và không khiến hành khách bị mất đà. Thứ ba, Oshiya cần phải tránh hết sức có thể việc động chạm và chỉ được chạm vào vai hoặc lưng.
Cuối cùng, hết sức đề phòng việc Oshiya bị đẩy luôn lên chuyến tàu do hành khác quá đông nên Oshiya cần phải giữ chân thật chắc trên mặt đất. Hơn thế nữa, khi chưa hoàn thành quá trình đẩy khách, các Oshiya phải liên tục hô lớn "Chúng tôi đang đẩy" để mọi người biết được và tàu chưa chuyển bánh.
Oshiya nhiều khi cũng giống như những nhân viên soát vé ở lượt đầu tiên trên tàu. Nếu ước chừng số lượng quá đông, các Oshiya sẽ ngăn không cho thêm hành khách bước lên.
Các nhà ga thường sắp xếp cho nhân viên Oshiya của mình làm việc theo ca - mỗi ca kéo dài khoảng 90 phút và yêu cầu nhân viên không làm qua 3 ca/ tuần. Điều này đủ thấy mức độ căng thẳng của nghề nghiệp.
Đôi khi cần nhiều hơn 1 Oshiya để đảm bảo chuyến tàu có thể chạy. |
Ngoài áp lực về công việc, các Oshiya còn phải chịu áp lực về tinh thần. Những người làm nghề này thậm chí bị hành khách “ghét ra mặt” bởi được xem như những kẻ “xô đẩy hành khách”. Báo chí thậm chí ví các “oshiya” là những nhân viên “đóng hộp cá mòi”.
Thậm chí, các Oshiya còn phải sống trong sợ hãi và lo sowj nếu bị hành khách quá tức giận, tìm cách trả thù sau đó.
Nghề Oshiya đã xuất hiện tại Nhật Bản từ những năm 1967 và mang lại mức thu nhập ổn định cho người làm. Theo JapanToday, mức thu nhập theo giờ của những Oshiya có thể thay đổi từ 15-20 USD/giờ - tương đương khoảng 2.000 JPY/giờ.
Khi các oshiya lần đầu có ở ga Shinjuku, Tokyo, họ được gọi là "đội sắp xếp hành khách" và phần lớn là các học sinh sinh viên làm thêm giờ. Ngày nay, nhân viên ga và đội oshiya phải thay nhau làm trong giờ cao điểm.
Oshiya có mặt ở Nhật Bản từ những năm 1960. |
Một điểm thú vị là nếu như những oshiya không thể hoàn thành nhiệm vụ và chuyến tàu chắc chắn sẽ bị hoãn, nhà ga có trách nhiệm lập tức gửi các "thông báo trễ giờ" đến cơ quan của từng hành khách trên tàu để làm bằng chứng cho thấy, các hành khách của họ đến muộn vì tàu trễ giờ.