(Ảnh minh họa) |
Do được can ngăn, dàn hòa nên sự việc xô xát, cãi vã đã chấm dứt. Thấy bố bị đánh, T. gọi điện báo cho Đoàn Viết K. (SN 1989, là con rể của ông A). Khi nghe tin, K. đi rủ Trương Thanh H. (SN 1990) để cùng đi đánh ông G.
Khi đi, K. và H. lấy ở nhà 2 cây mã tấu, bỏ vào túi vợt cầu lông rồi mang theo. K. chở H. đến quán nhậu, gọi điện cho T. đến nhậu cùng.
Tại quán nhậu, T. nói với K.: “Bố bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”. K. hỏi T. địa chỉ nhà ông G. và đặc điểm nhận dạng ông G. rồi nói với H.: “Lát nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông G”.
T. nghe vậy liền nói với K: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”.
Sau đó, T. về trước, K. và H. vẫn tiếp tục ở lại nhậu. Sau khi nhậu xong, K. chở H. đến nhà ông G. thì thấy ông G. đang cúi người mở cổng.
K. và H. dừng xe, mở túi vợt cầu lông lấy ra cây mã tấu rồi chạy đến chém liên tiếp vào đầu, mặt, lưng, chân và tay làm ông G. ngã gục xuống đất.
Do nhiều người dân xung quanh nhìn thấy hô hoán và chạy đến, K. và H. đã lên xe máy bỏ chạy. Ông G. được người dân đưa cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là Nguyễn Thanh T. đã phạm tội gì?
Nguyễn Thanh T. là người trực tiếp gọi điện thoại báo cho Đoàn Viết K. biết việc ông Nguyễn Thanh A. bị đánh.
Tôi cho rằng, trong lúc ăn nhậu cùng Đoàn Viết K. và Trương Thanh H., biết K. và H. có ý định đi đánh ông Đinh Quốc G. để trả thù, việc T. nói:
“Bố bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau” đã củng cố ý thức và quyết tâm của K. trong việc đi đánh ông G. T. cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông G. cho K. và H. biết để 2 người này có thể đến chém ông G.
Khi nghe K. nói với H. về việc đi đánh ông G., T. không can ngăn mà nói: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông G.
Sau đó, T. bỏ về trước còn K. và H. đã dùng mã tấu chém ông G. làm ông G. tử vong. Mặc dù, T. không biết trước việc K. và H. dùng mã tấu chém ông G., nhưng T. đã thống nhất ý chí với K. và H. trong việc đánh ông G., chấp nhận hậu quả xảy ra.
Do đó, T. cũng phạm tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.
(Nguyễn Tuấn Hải, ở Đông Triều, Quảng Ninh)
Mặc dù Nguyễn Thanh T. là người gọi điện báo cho K. biết việc ông Nguyễn Thanh A. bị ông Đinh Quốc G. đánh, T. cũng là người chỉ đặc điểm nhận dạng của ông G. cho K. và H. đồng thời biết K. và H. sẽ đi đánh ông G. nhưng Nguyễn Thanh T. đã nói rõ với K. và H. là: “Chỉ nên đánh dằn mặt thôi”.
Theo tôi, việc T. dùng từ “dằn mặt” ở đây có nghĩa như là sự cảnh cáo. Việc K. và H. sử dụng mã tấu chém vào đầu, mặt ông G. là hành vi vượt quá ý định ban đầu của T. Do T. không biết K. và H. mang mã tấu đi chém ông G. nên T. không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người của K. và H.
(Nguyễn Thu Trang, ở Lộc Ninh, Bình Phước)
Trong vụ án này mặc dù không phải là người trực tiếp đi đánh ông Đinh Quốc G. nhưng Nguyễn Thanh T. là người trực tiếp gọi điện thoại báo cho Đoàn Viết K. biết việc ông Nguyễn Thanh A. bị đánh.
Trong lúc nhậu, T. nói với K.: “Bố bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”, điều này theo tôi đã tác động đến K., thúc đẩy K. đi đánh ông G. để trả thù.
Hơn nữa, T. cũng chính là người đưa địa chỉ nhà ông G. và đặc điểm nhận dạng của ông G. cho K. biết. Như vậy, tôi cho rằng T. là người giữ vai trò là người xúi giục, chủ mưu trong việc K. và H. chém ông G., sau đó dẫn tới cái chết của ông G. Như vậy, trong vụ án này T. là đồng phạm với K. và H. nên T. cũng phạm tội giết người.
(Hoàng Đình Tú, ở Thanh Xuân, Hà Nội)
Trong vụ việc này, trước hết chúng ta xem xét hành vi của Đoàn Viết K. và Trương Thanh H. Ban đầu, K. và H. không hề có mâu thuẫn với ông Đinh Quốc G.
Tuy nhiên khi nghe Nguyễn Thanh T. kể chuyện ông Nguyễn Thanh A. bị ông G. đánh, đồng thời được T. cung cấp địa chỉ cũng như nhận dạng của ông G., K. đã rủ H. đi đánh ông G. K. và H. đã dùng hung khí nguy hiểm (mã tấu), lại tấn công vào những vị trí xung yếu trên cơ thể ông G. (đầu, mặt, lưng) với mức độ nhanh, mạnh (chém liên tiếp), khiến ông G. chết trên đường đi cấp cứu.
Do đó, hành vi mà K. và H. thực hiện đã cấu thành tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ”. Vấn đề đặt ra tiếp theo trong vụ việc này là với vai trò của mình, Nguyễn Thanh T. có phải là đồng phạm với K. và H về hành vi giết người hay không?
Theo quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự thì đồng phạm “là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm”. Những người tham gia thực hiện có cùng chung hành động.
Có nghĩa là: Tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực chung của một số người; hành động của mỗi người là điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của người khác, là một khâu quan trọng trong sự hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm hay nói cách khác, là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Mối quan hệ nhân quả có thể mang tính chất trực tiếp như cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội… Hoặc có thể biểu hiện thông qua nhận thức của người thực hiện hành vi như: Xúi giục người thực hành phạm tội, giúp đỡ họ thực hiện tội phạm.
Trong vụ việc này, sau khi ông Nguyễn Thanh A. bị đánh, T., K. và H. đã gặp nhau ở quán nhậu. K. đã nói với H: “Lát nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông G”. T. nói: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”.
Rõ ràng, ở đây đã có sự thống nhất về lý trí ban đầu giữa 3 người T., K. và H. - đó là sẽ đánh ông G. để trả thù. Như vậy, trong vụ việc này T. là đồng phạm với K. và H.
Tuy nhiên, việc T. nói với K. và H.: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi” cho thấy có sự giới hạn nhất định, mục đích đánh “dằn mặt” là sự cảnh cáo chứ không nhằm mục đích tước đi tính mạng của ông G.
Đối với K. và H., lúc ở quán nhậu khi nghe T. nói chỉ đánh dằn mặt thôi, cả hai đã không có ý kiến gì. Điều đó chứng tỏ họ đồng tình với ý kiến của T. là chỉ đánh để cánh cáo thôi chứ không nhằm mục đích tước đi tính mạng của ông G.
Tuy nhiên, khi hành động K. và H. đã ra tay quá mức dẫn đến cái chết của ông G. Đây chính là hành vi vượt quá của K. và H. với vai trò là người thực hành.
Khoản 4, Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.
Như vậy mặc dù là đồng phạm với K và H nhưng T không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người của K. và H. Vậy câu hỏi đặt ra là trong vụ việc này T. đã phạm tội gì?
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp hành vi của một người dẫn đến hậu quả chết người thì để biết họ phạm tội giết người theo Điều 123 hay phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì ta căn cứ vào lỗi, mục đích và hành vi của tội phạm, cụ thể là:
- Về lỗi của người thực hiện hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người.
Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra.
Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
- Về mục đích của người phạm tội: Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình.
Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.
Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.
Trở lại nội dung vụ việc ta thấy, tại quán nhậu, Nguyễn Thanh T. nói với Đoàn Viết K.: “Bố bị ông G. đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”. K. hỏi T. địa chỉ nhà ông G. và đặc điểm nhận dạng ông G. rồi nói với T.: “Tý nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông G”.
Việc T. nói với K.: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi” như đã phân tích ở trên nó mang ý nghĩa như là sự cảnh cáo. Từ đó có thể khẳng định rằng Nguyễn Thanh T. không có mục đích tước đoạt tính mạng của ông G. mà chỉ có mục đích muốn ông G. bị thương, bị tổn hại về sức khỏe để “dằn mặt” ông G. do trước đó đã đánh bố mình.
Nguyễn Thanh T. vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra và hoàn toàn không mong muốn ông G. chết. Ngoài ra, Nguyễn Thanh T. cũng không trực tiếp thực hiện hành vi tấn công ông G.
Do đó T. không phạm tội giết người mà T. đã xúi giục K. và H. gây thương tích đối với ông G. Như vậy, Nguyễn Thanh T. chỉ phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bằng lái xe bị sai thông tin, đổi lại thế nào?
Nếu giấy phép lái xe bị sai thông tin thì công dân kiến nghị với Sở GTVT nơi cấp giấy phép lái xe, để được ... |