[Phần 2] Khi sự sáng tạo nghệ thuật dần nhường chỗ cho công nghệ tạo 'hit'

Điều nổi trội nhất mà các "Hit Maker" mang đến cho âm nhạc Việt là sự sôi động, nhiều màu sắc và luôn bắt kịp các xu hướng mới nhất, thịnh hành nhất của công chúng nghe nhạc trẻ, cả trong nước và trên thế giới. Nhưng đó không phải là tất cả.

Điểm mạnh của các "Hit maker"

Thời gian gần đây, trong showbiz Việt rộ lên một khái niệm mới, đó là "Hit maker". "Hit maker" cũng là người sáng tác nhạc, nhưng yếu tố đặt lên hàng đầu trong mỗi sản phẩm âm nhạc của họ là "tính viral" (sự lan truyền một sản phẩm trên internet) chứ không phải là sự sáng tạo hay yếu tố nghệ thuật. Điều đó đồng nghĩa các tác phẩm của các "Hit maker" phải phù hợp đại đa số khán giả, "bắt tai" công chúng, để đạt được lượng tương tác, chia sẻ càng nhiều càng tốt.

Xét về yếu tố thị trường hay thương mại, "Hit maker" là cha đẻ, là linh hồn cho mỗi chiến dịch "viral" sản phẩm âm nhạc, cho nên họ phải là người nhạy bén về thị hiếu khán giả, nắm bắt tâm lý công chúng rất tốt và biết khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ, những người hoạt động thường xuyên trên internet) đang có xu hướng, thói quen, sở thích gì.

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit

Nhạc sỹ Khắc Hưng, một trong những "Hit maker" nổi tiếng của Việt Nam (Ảnh: VOV).

Ví dụ như nhạc của Mr Siro luôn là những bản tình ca buồn, đánh trúng tâm lý những người đang thất tình với những câu nói được coi là "key word" của giới trẻ như:"Mình hợp nhau đến như vậy, thế nhưng không phải là yêu...", hay "Hoàng hôn khóc cho một người vẫn vô hình giữa hai người...”.

Rồi Vũ Cát Tường với những bản R&B, Alternative Rock hay Funky rất dồi dào về năng lượng, những quãng "nghịch" rất cá tính trong sáng tác của Vũ Cát Tường gợi lên cảm giác "phi giới tính" rất riêng và độc đáo, hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả trẻ và "chất".

Hoặc Khắc Hưng với lối tư duy âm nhạc rất thông minh, dù ca từ trong sáng tác của Khắc Hưng rất đơn giản đến mức gần như đơn điệu, nhưng anh lại là nhạc sỹ tài tình biết kết hợp nhiều chất liệu âm nhạc điện tử đang thịnh hành trên thế giới vào âm nhạc của mình, khiến âm nhạc của Khắc Hưng luôn đón đầu thị trường âm nhạc Việt, anh trở thành nhạc sỹ có nhiều "hit khủng" nhất Showbiz Việt, các sáng tác cũng như sản phẩm phối khí của Khắc Hưng phải lên tới hàng trăm, hàng nghìn bài.

Điều nổi trội nhất mà các "Hit Maker" mang đến cho âm nhạc Việt là sự sôi động, nhiều màu sắc và luôn bắt kịp các xu hướng mới nhất, thịnh hành nhất của công chúng nghe nhạc trẻ, cả trong nước và trên thế giới.

"Em gái mưa", một trong những "hit" đình đám nhất của Mr Siro do ca sỹ Hương Tràm thể hiện, đạt được hơn 115 triệu lượt nghe trên Youtube.

Công bằng mà nói, các "Hit maker" chính là những người tạo nên "bộ mặt âm nhạc Việt" hiện đại, đưa nhạc trẻ Việt tiếp cận gần hơn với âm nhạc khu vực và thế giới, điều mà nhạc dân gian cũng như nhạc trữ tình xưa chưa làm được hoặc đang rất hạn chế. Nhạc Việt thế kỉ 19 ảnh hưởng từ nhạc quốc tế du nhập vào Việt Nam nhiều hơn là xuất khẩu âm nhạc đi các nước khác, âm nhạc Việt còn nhiều tính cục bộ và chưa thoát khỏi những tư tưởng xưa cũ, định kiến.

Cùng với đó, thị trường âm nhạc Việt trở nên đa dạng hơn, sôi động hơn, nhiều sự cạnh tranh khốc liệt hơn, đòi hỏi cả ca sỹ, nhạc sỹ phải luôn đổi mới mình từng ngày, biết lắng nghe công chúng và đặc biệt là phải thực sự khôn ngoan trong việc tìm ra những cộng sự, ekip phù hợp với âm nhạc của mình.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.

Nhược điểm của "Hit maker" là gì?

Quay trở lại một chút về khái niệm "nhạc sỹ" hay người sáng tác nhạc trước đây.

Trước hết phải nói rằng, công việc sáng tác nhạc, có thể nói là một trong những nghề khó nhọc nhất của lao động sáng tạo, vì âm nhạc không chỉ là sự thể hiện thế giới nội tâm của người nghệ sỹ bằng ngôn từ và giai điệu, mà còn phải đáp ứng được thị hiếu công chúng, vì thói quen, sở thích, xu hướng của khán giả, đặc biệt là trong âm nhạc thường luôn vận động không ngừng, thậm chí thay đổi rất nhanh.

Cho nên thường sản phẩm của các nhạc sỹ thường không quá nhiều (trừ một số trường hợp nhạc sỹ có tài năng đặc biệt như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao...), còn lại hầu hết trong sự nghiệp sáng tác của mình, thường mỗi người nhạc sỹ chỉ sáng tác được trên dưới 100 ca khúc, nhiều nhất là vài trăm.

Ca khúc "Một mình" của nhạc sỹ Thanh Tùng là một trong những ca khúc rất "Việt Nam" nhưng luôn được khán giả Việt yêu thích qua nhiều năm tháng.

Cũng giống như mọi công việc sáng tạo khác, việc sáng tác nhạc cũng đòi hỏi cá tính và màu sắc riêng. Điều đó đồng nghĩa với việc đòi hỏi người nhạc sỹ phải thực sự đầu tư và tìm tòi, nghiên cứu lối đi mới cho từng sáng tác của mình, để không là "bản sao" của người khác, thậm chí để không lặp lại chính mình.

Nhạc Việt đã có nhiều những tên tuổi nhạc sỹ lừng lẫy ở thời kì đầu tân nhạc, một khối lượng tác phẩm nhạc xưa khổng lồ hàng trăm nghìn ca khúc mà cho đến giờ các ca sỹ, nhà sản xuất vẫn khai thác mãi chưa cạn kiệt. Nhưng thực tế là âm nhạc Việt đang ngày càng ít đi những người sáng tác độc đáo và có màu sắc, cá tính âm nhạc riêng như thời kì trước. Thay vào đó là những sáng tác theo "đơn đặt hàng" hoặc "sáng tác độc quyền", các ca sĩ xếp hàng để chờ đến lượt mình nhận bài nhạc mình đã đặt hàng. Việc "cung" không đáp ứng đủ "cầu" trong âm nhạc hiện nay là một phần gánh nặng cho các nhạc sỹ. Và đó chính là một yếu tố chính và quan trọng khiến cho các sản phẩm âm nhạc Việt đang bị mất đi cá tính và màu sắc riêng.

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit

Sơn Tùng - Một trong những nghệ sỹ thành công bởi biết nắm bắt thị hiếu công chúng (Ảnh: Cát An)

Thời đại âm nhạc công nghệ số hiện đại, con người gần như có thể chia sẻ và cập nhật thông tin gần như ngay lập tức với thế giới đôi khi chỉ cần qua vài cú "click chuột", thì dường như âm nhạc Việt lại đang mất dần đi cái gọi là "cá tính âm nhạc", "tính duy nhất" và thậm chí mất đi cả yếu tố "mỹ học" khi ca từ hay giai điệu phần lớn là được lắp ghép một cách công thức rập khuôn.

Ở những thế kỉ trước, vào những thời kỳ khó khăn thiếu thốn vật chất và thông tin, hạn chế về công nghệ, nhưng âm nhạc Việt vẫn sản sinh ra một khối tác phẩm âm nhạc khổng lồ dồi dào về cả ca từ vẫn tính nhạc, "mỗi người một vẻ" không ai giống ai.

Phải chăng sự lạm dụng tiện ích của công nghệ và áp dụng một "công thức âm nhạc thành công" quá nhiều lần khiến cho hàng loạt các ca khúc nhạc Việt đang na ná nhau và gần như được sản xuất một cách công nghiệp, ít cảm xúc thật và nặng về tính thương mại hơn là yếu tố nghệ thuật. Do đó, các ca khúc dù là "Hit" "khủng" nhất ngày nay nhiều nhất cũng chỉ thịnh hành được 2 năm, rồi dần rơi vào quên lãng.

Không như các ca khúc xưa thì luôn trường tồn với thời gian qua nhiều thập kỉ. Điều đó thể hiện vai trò khó thay thế của cảm xúc con người, của cái gọi là "nhạc cảm", điều mà bất kì ngành công nghệ số nào có thể thay thế được.

"Ghen" - một "hit" thành công của Khắc Hưng kết hợp với Min và Erik.

Chưa hết, việc bùng nổ cơn khát "viral" khiến cho một số nhạc sỹ, ca sỹ trẻ thậm chí làm "lố" đi các ca khúc của mình bằng những lời lẽ thô tục, thậm chí "bậy bạ" để được công chúng chú ý đến, làm xấu xí đi bộ mặt của âm nhạc.

Xã hội nói chung và nghệ thuật, âm nhạc nói riêng luôn vận động không ngừng trong guồng quay tất yếu của nó. Người nghệ sỹ có quyền đi theo hướng mà họ muốn, hòa mình trong sự đổi mới, hoặc giữ nguyên màu sắc của mình. Tuy nhiên dù thế nào, âm nhạc cũng cần đảm bảo tính thẩm mỹ, cảm xúc, và thái độ tôn trọng người nghe, để tạo ra những sản phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật thực sự, không phải những bản "sao chép" để làm méo mó đi bộ mặt âm nhạc nước nhà.

XEM THÊM:

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit [Phần 1] Âm nhạc thời công nghệ số: Khi Youtube và Fanpage thành sân chơi chính

Khoảng 10 năm nay với sự xuất hiện của internet với các thiết bị công nghệ số, đặc biệt là smartphone đã khiến âm nhạc ...

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit [Phần 3] Vì sao Bolero trường tồn, nhạc trẻ nhanh quên?

Bất cứ dòng nhạc nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Nhưng thực tế, thì dù đã đi qua hơn nửa thế ...

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit [Phần 2] Bolero trở lại, có phải điều ngẫu nhiên?

Hiện tượng này, nhiều người đổ lỗi cho thẩm mỹ âm nhạc của khán giả đang đi xuống, nghệ sỹ lười sáng tạo, lười cập ...

phan 2 khi su sang tao nghe thuat dan nhuong cho cho cong nghe tao hit [Phần 1] Ca sĩ trẻ hát Bolero: Làm mới thế nào cho đúng?

Có một nghịch lý đáng buồn là, ca sĩ trẻ ngày nay càng cố gắng để đi tìm cái Tôi, càng thể hiện dấu ấn cá nhân thì âm ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.