Phía sau việc rút vốn, ồ ạt bán ròng cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại

Nước ngoài bán ròng cổ phiếu đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” từ quí IV/2019 đến nay, đến nỗi các nhà đầu tư dường như chấp nhận điều đó mà không còn chú ý nhiều. Nhưng sắp tới đây mọi việc có lẽ không đơn giản như vậy nữa.
Phía sau việc rút vốn, ồ ạt bán ròng cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại - Ảnh 1.

Bức tranh kết quả kinh doanh quí II/2020 của ngân hàng sẽ bộc lộ rõ nét hơn các điểm yếu của tác động dịch bệnh lên nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Thành Hoa).

Sự không đơn giản bắt đầu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Từ trước đến nay cổ phiếu ngân hàng thường kín room, nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Những ngân hàng cổ phần chưa đầy room thì chốt tỉ lệ room ở mức nhất định, chẳng hạn 15-20%, phần room còn lại được lí giải để dành bán cho đối tác chiến lược, với kì vọng “bán một cục cho nước ngoài” bao giờ cũng có thể được giá tốt hơn. 

Ngoài ra, việc bán một cục có thể lựa chọn thời điểm thuận lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông.

Dịch Covid-19 đã làm cho kì vọng này giờ đây trở nên mong manh. Bằng chứng là khối ngoại sẵn sàng bán cổ phiếu ngân hàng qua sàn một khi không tìm được đối tác nhận chuyển nhượng nội khối. Áp lực ép bán tiếp tục thống lĩnh tâm lí nhà đầu tư ngoại.

Trong phiên đầu tuần khi VN-Index đang bị cản đường trước ngưỡng 790-800 điểm, khối ngoại đã bán ra một lượng lớn chưa từng thấy cổ phiếu ngân hàng ở tất cả các mã như VCB, BID, CTG, VPB, STB, HDB. Có cổ phiếu bị bán ròng, mà chủ yếu qua khớp lệnh trên sàn, tới hơn 4 triệu đơn vị như STB.

Trong nhóm ngân hàng, VPB là cổ phiếu đang bị bán nhiều nhất, nhiều đến nỗi VPB phải thông báo chốt giảm tỉ lệ room từ hơn 22% hiện tại về 15%, tức là có khả năng khối ngoại sẽ bán ra số chứng khoán tương đương 7% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương hơn 180 triệu đơn vị. Đáng lưu ý là từ đầu tháng 4/2020, VPB đã bị nước ngoài bán ròng qua khớp lệnh đến nỗi hở room.

Trong một nỗ lực đỡ giá cổ phiếu, bảo vệ cổ đông trong nước, VPB đã có thông báo xin ý kiến cổ đông mua 122 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là khối lượng mua cổ phiếu quỹ được đăng kí lớn nhất cho đến hiện tại, đối với một doanh nghiệp niêm yết. Dẫu vậy, khối lượng cổ phiếu quỹ mà ngân hàng muốn mua vẫn chưa cân bằng với lượng nước ngoài dự kiến có thể giao dịch. 

Giá cổ phiếu VPB chỉ cân bằng trong trường hợp cầu trong nước hoặc cầu nước ngoài tăng lên để hấp thụ mức chênh lệch 60 triệu đơn vị.

Room nước ngoài cũng đang hở với những cổ phiếu ngân hàng khác như STB và LPB. Bất chấp LPB báo lợi nhuận trước thuế quí I/2020 trên 600 tỉ đồng, tăng mạnh 18% so với cùng kỳ, thị giá LPB vẫn đang ở vùng đáy. 

Cuối tháng 3/2020, thị giá LPB đã từng xuống tới 5.600 đồng, thấp nhất trong nhóm cổ phiếu tổ chức tín dụng. Tương tự cổ phiếu STB cũng đã từng chạm mức 7.500 đồng khi VN-Index thử thách mốc 650 điểm. Bây giờ cổ phiếu LPB đang được giao dịch quanh 7.000 đồng; STB quanh 9.000 đồng, nhưng khối ngoại vẫn bán ra ròng rã.

Cổ phiếu ngân hàng hiện chiếm chừng 30% giá trị vốn hóa sàn TPHCM (Hose) và vốn được xem như “của để dành” của nước ngoài. Cổ phiếu LPB và STB đang ở mức thấp kỉ lục kể từ khi niêm yết. Cổ phiếu VPB cũng không ở mức giá cao hơn giá mà nước ngoài mua vào cách đây 2-3 năm. Rõ ràng bán bây giờ là lỗ. Cắt lỗ không phải hiện tượng mới mẻ.

Cắt lỗ để còn vốn mà tiếp tục tham gia thị trường sau này. Song cái cách bán ra cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại cho thấy đây không chỉ là cắt lỗ, bởi nó không hứa hẹn việc quay trở lại. Hơn nữa, cắt lỗ để hi vọng mua lại được ở mức giá thấp hơn. Việc có một mức giá thấp hơn cho cổ phiếu LPB hay STB là khó, tuy nhiên khối ngoại vẫn bán. Động thái này là rút vốn hơn là cắt lỗ.

Nhìn lại, những cổ phiếu ngân hàng chủ lực như VCB, BID vẫn còn mang lại lợi nhuận ít nhiều cho nhà đầu tư ngoại. Thí dụ giá cao nhất mà nước ngoài mua VCB “một cục” là trên 55.000 đồng/cổ phiếu; BID là gần 34.000 đồng/cổ phiếu.

Các ngân hàng lớn, nhỏ đều đang đối mặt sự gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Chất lượng tài sản tới đây sẽ là vấn đề đầu tiên được xem xét khi nhà đầu tư giải ngân cổ phiếu ngân hàng. Báo cáo tài chính quí I/2020 cho thấy hầu hết nợ xấu của các tổ chức tín dụng đều đang “leo thang” cả về số tuyệt đối và tỉ lệ phần trăm trên tổng dư nợ.

Bức tranh kết quả kinh doanh quí II/2020 của ngân hàng sẽ bộc lộ rõ nét hơn các điểm yếu của tác động dịch bệnh lên nền kinh tế thông qua dư nợ, nợ xấu nhóm 5 (có khả năng mất vốn, phải trích lập dự phòng 100%), lãi dự thu và vốn huy động. Vốn huy động của đa số ngân hàng đã giảm so với cùng kì, có ngân hàng giảm hơn 10% do các tổ chức kinh tế rút tiền gửi. Đây không phải là tin tốt cho hệ thống.

Một số ngân hàng đang sử dụng vốn liên ngân hàng để cho vay, vốn có độ rủi ro cao về kì hạn. Trong điều kiện đó, nước ngoài không phải không có lí do để bán ròng cổ phiếu ngân hàng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.